Trung Đông phẫn nộ khi ông Trump thiên vị Israel

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kế hoạch hòa bình Trung Đông của ông Trump bị phản đối từ “trứng nước“.
Trung Đông phẫn nộ khi ông Trump thiên vị Israel
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thủ tướng Israel Netanyahu và lãnh đạo đảng đối lập Israel tại Nhà Trắng, một động thái có thể là tác động củng cố chính trị cho ông Netanyahu giữa tâm bão. Ảnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã úp mở về nội dung kế hoạch hòa bình Trung Đông vĩ đại. Ông Trump thông báo rằng Nhà Trắng sẽ công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông của ông vào trưa 28/1 (17h00 GMT, tức 0h sáng 29/1 giờ Hà Nội).

Toàn bộ nội dung được giữ kín đến phút chót.

Ông Trump chỉ cho biết, người Israel rất hài lòng về kế hoạch mà không chú ý tới tất cả những bên liên quan hoặc quan tâm đều thể hiện sự bất bình với phía Mỹ.

Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran đưa tin Chủ tịch Quốc hội nước này Ali Larijani ngày 28/1 nhận định rằng kế hoạch hòa bình bị trì hoãn lâu nay của Mỹ đối với Trung Đông là nhằm mục đích chia rẽ các quốc gia Hồi giáo.

IRNA dẫn lời ông Larijani nhấn mạnh: "Mỹ đã chuẩn bị một âm mưu lớn, bằng phương tiện được gọi là ’Thỏa thuận thế kỷ’, để làm bẽ mặt người Hồi giáo."

Trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng tuyên bố kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho khu vực Trung Đông là "ảo tưởng."

Đặc phái viên thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cho biết, phía Nga chưa nhận được bất cứ tài liệu có liên quan về kế hoạch của ông Trump. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh rằng, Nga ủng hộ quan điểm, hòa bình giữa Israel và Palestine phải do hai nước này trực tiếp đàm phán.

Không chỉ Iran và Nga, Palestine là bên cực lực phản đối bản kế hoạch nhiều nhất.

Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh kêu gọi thế giới tẩy chay "kế hoạch hòa bình Trung Đông” của Tổng thống Mỹ bởi được cho là thiên vị Israel. Ông Shtayyeh cho rằng, kế hoạch chỉ là một vở kịch để bảo vệ ông Trump trước phiên tòa luận tội ở Thượng viện và nhằm giúp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khỏi đi tù khi đang vướng vào vụ án tham nhũng.

"Đây không phải là một kế hoạch hòa bình dành cho Trung Đông. Kế hoạch này chỉ giúp mang lại chủ quyền cho Israel đối với lãnh thổ Palestine... Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên trở thành đối tác trong kế hoạch hòa bình này vì nó trái với luật pháp quốc tế" - ông Shtayyeh nói trong cuộc họp nội các ngày 27/1.

Tại Gaza ngày 27/1, hàng trăm người Palestine đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của ông Trump.

Chiến lược "kinh tế đi đầu" của Tổng thống tỷ phú Mỹ

Truyền thông Mỹ dẫn lại tài liệu rò rỉ cho thấy bản kế hoạch hòa bình ủng hộ phía Israel trong cuộc xung đột. Kế hoạch hòa bình sẽ bao gồm: công nhận thành phố tranh chấp Jerusalem là thủ đô của Israel; công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan bị Israel chiếm giữ từ nước láng giềng Syria; và xem các khu định cư của Israel trên vùng đất Palestine bị Israel chiếm đóng là hợp pháp.

Giới quan sát nhận định, kế hoạch hòa bình này sẽ chứng minh rằng Tổng thống Trump ủng hộ tuyệt đối và trao cho ông Netanyahu “nhiều món quà chính trị”. Đáng chú ý là ông Trump đã tuyên bố về kế hoạch hòa bình sau cuộc họp hôm 27/1 với Thủ tướng Israel Netanyahu và lãnh đạo đảng Xanh-Trắng Benny Gantz, hiện là đối thủ của ông Netanyahu.

Palestine có thể bị lung lay bởi kế hoạch kinh tế của ông Donald Trump và cố vấn "nhà nòi" Jared Kushner?

Các nguồn tin từ phía Palestine được tiếp cận với bản dự thảo đồn đoán, e ngại thỏa thuận này sẽ tìm cách mua chuộc người Palestine chấp nhận sự chiếm đóng của Israel. Đây có thể là "khúc dạo đầu" cho kế hoạch của Israel nhằm sáp nhập khoảng một nửa diện tích Bờ Tây, bao gồm hầu hết Thung lũng Jordan, dải cực đông chiến lược và màu mỡ của vùng lãnh thổ này.

Người Palestine cho rằng Thung lũng Jordan, chiếm gần 30% diện tích của Bờ Tây, sẽ là một phần quan trọng của nhà nước Palestine tương lai, với vai trò là “vựa lúa” của Bờ Tây cũng như phần biên giới bên ngoài giáp Jordan.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông của ông Trump đã cho thấy rõ cách tiếp cận "kinh tế đi trước" đối với một cuộc xung đột chính trị và tôn giáo. Ông Trump từ tháng 6/2019 đã cùng với con rể Jared Kushner, tác giả chính của kế hoạch hòa bình Trung Đông, hối thúc các khoản đầu tư trị giá 50 tỷ USD nhằm  thúc đẩy nền kinh tế của người dân Palestine và các quốc gia Ả Rập láng giềng. Ông Kushner cho rằng cách tiếp cận này có thể mang đến sự thịnh vượng cho người Palestine và an ninh cho người Israel.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố Washington không còn có thể được coi là một trung gian hòa giải trung thực, cáo buộc nước này thiên vị ủng hộ Israel.

Một động thái hy hữu là hai phong trào đối địch của người Palestine là Hamas và Fatah sẽ cùng tham dự một cuộc họp ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây nhằm thảo luận các nỗ lực chung phản đối "kế hoạch hòa bình Trung Đông" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tất cả các phe phái của Palestine đã dự định họp mặt nhau để đưa ra lập trường thống nhất, phản bác lại kế hoạch Thế kỷ của Tổng thống Mỹ.

Cũng cần nhớ lại, Mỹ đã đưa ra nhiều hành động ủng hộ Israel "quá đà" khiến người Palestine giận giữ như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, đồng thời Mỹ cũng cắt giảm hàng trăm triệu USD viện trợ nhân đạo cho người Palestine. Việc cắt giảm viện trợ này được coi là một biện pháp gây áp lực cho giới lãnh đạo Palestine quay trở lại bàn đàm phán nhưng cuối cùng vẫn thất bại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật