Nguyễn Ngọc Thuần: ‘Nỗi lo béo, gầy của phụ nữ gợi ý tôi viết sách’

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuốn sách sắp ra mắt của tác giả nổi tiếng được anh lấy ý tưởng từ vài lần nghe cuộc chuyện trò giữa vợ và các đồng nghiệp nữ về nỗi lo cân nặng, giữ gìn vóc dáng.
Nguyễn Ngọc Thuần: ‘Nỗi lo béo, gầy của phụ nữ gợi ý tôi viết sách’
Bìa cuốn “Về cô gái này“ do Nguyễn Ngọc Thuần tự thiết kế. Ngoài làm nhà văn, Nguyễn Ngọc Thuần còn là một họa sĩ.

- Sau cuốn "Cơ bản là buồn" chưa bao lâu, anh tiếp tục bắt tay vào thực hiện tác phẩm mới, chuẩn bị phát hành. Từ ý tưởng nào anh viết cuốn sách này?

- Cuốn sách mớicủa tôi có tên là Về cô gái này. Lúc đầu thì mọi thứ cũng khá hài hước. Ở cơ quan tôi, thỉnh thoảng vẫn thấy… vợ tôi và các cô đồng nghiệp gặp nhau rồi lâu lâu lại rối rít lên, đại khái, "trời, sao bữa nay mi nhon vậy" ( dù đôi khi không phải ai cũng… mi nhon lắm). Hoặc một hôm nào đó, vợ lại hỏi giật giọng: "Anh, anh thấy em có… ốm không?".

Điều đó cho tôi một ý nghĩ về phụ nữ và c‌ơ th‌ể của họ. Con người ta có quá nhiều nỗi đau, thức ăn đôi khi cũng là một nỗi đau khác. Hay nói cách khác, trong chúng ta ai cũng có một c‌ơ th‌ể, và có nhiều khi chúng ta bị buộc phải… sống chung với nó. Tôi nhớ có đọc đâu đó nói rằng chúng ta sống phụ thuộc vào những gì chúng ta đã ăn, điều này trở nên vô cùng thích hợp trong câu chuyện này.

- Vì sao chọn hình ảnh cô gái bị béo phì để thiết kế cho bìa sách của mình?

- Đây là một câu chuyện về một nhân vật tên Z, một dạng tự truyện, cô ta buộc phải chống chọi với chính c‌ơ th‌ể của mình, từ việc ăn uống, tắm rửa, yêu đương, cho đến cái chết, sự sống, và toàn bộ những mối quan hệ xã hội ngày càng trở nên phức tạp.

Thú thật là đến bây giờ mặc dù đã xuất bản nhiều sách, chẳng khi nào tôi biết mình đang viết gì. Quá trình viết mọi thứ cứ tự dẫn dắt đi, không có cốt truyện trước, viết cho đến lúc câu chuyện có một kết cục và tự nó dừng lại. Nếu nó dài thì tôi gọi là… truyện dài, nếu nó ngắn thì gọi là… truyện ngắn. Chỉ vậy thôi. Với cuốn này, tôi sẽ gọi nó là truyện dài vì nó cũng hơi… dài.

- Nhân vật cô gái béo phì mang trong tâm hồn nỗi buồn bã, bế tắc thường trực từng xuất hiện ở cuốn "Cơ bản là buồn" của anh vừa qua. Ở sách mới, anh nối tiếp mạch cảm hứng từ nhân vật này như thế nào?

- Đúng là cuốn sách mới này có điều gì đó được gợi ý từ một nhân vật béo phì trong Cơ bản là buồn. Nhưng ở đây vấn đề của nó phức tạp hơn, và nó cũng có một kết thúc đáng suy nghĩ hơn. Ban đầu cuốn sách có tựa là Người đàn bà to béo nghĩ gì. Nhưng sau đó tôi nghĩ, chữ "to béo" nó có vấn đề nên thôi.

- Cảm giác của anh ra sao khi gõ những dòng đầu tiên của bản thảo "Về cô gái này" và khi gõ những dòng khép lại cuốn sách?

- Tôi có thói quen chỉ viết trong khoảng hai tuần đến bốn tuần. Đó là thời gian tập trung nhất. Sau thời hạn đó nếu câu chuyện không xong thì sẽ bỏ, hoặc sẽ để đó, một thời gian nào đó sau này thư thả đọc lại, nếu vẫn còn thích thì sẽ viết tiếp. Còn không thì bỏ luôn. Sự chịu đựng trong suy nghĩ không thể kéo dài hơn, nó dễ làm tôi mệt mỏi, thay vì hứng thú.

Viết lách sợ nhất là phải dừng lại vì một công việc gì đó. Vì thế tôi hay viết vào ban đêm, còn ban ngày cố làm một việc gì đó không nghĩ đến nó. Đêm hôm sau lại tiếp tục. Vì thế, những lúc vừa viết xong cuốn sách bao giờ tôi cũng gầy tọp đi. Vợ cố vỗ béo cho vài tháng rồi lại gầy tọp một lần nữa nếu như có ý tưởng viết mới.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần.

- Khi anh hoàn thành một bản thảo sách, ai là độc giả đầu tiên của anh?

- Hồi xưa còn đi học ở ký túc xá, tôi hay đưa bạn bè ở chung đọc, nhưng sau này, người đọc đầu tiên thường là biên tập viên quen thuộc của tôi ở Nhà xuất bản Trẻ. Câu đầu tiên của tôi thường là yêu cầu bạn ấy hãy gạch thẳng tay những chỗ thấy nhảm nhí, buồn chán hoặc vô duyên. Tôi luôn thích những biên tập viên biết tạt cho mình một "gáo nước lạnh" hơn là tấm tắc khen hay. Với tôi văn chương chẳng bao giờ có tuyệt tác, nó là một chuỗi thay đổi, thay đổi liên tục. Và những người viết luôn mắc phải những lỗi giống nhau: chủ quan, một chiều, kém phản biện... Đó là lúc bạn phải nhờ một biên tập viên tin tưởng… ra tay.

- Anh phải duy trì công việc hành chính như một người công chức, sau đó mới đến với công việc sáng tạo văn chương, điều này mang đến áp lực gì cho anh?

- Điều này cũng có cái hay, nó cắt lìa tôi ra khỏi văn chương. Bạn thử tưởng tượng xem, nếu suốt ngày nghĩ đến văn chương thì chắc… chết (cười).

- Khi cảm thấy bế tắc và thiếu ý tưởng viết lách, anh làm gì để khơi lại nguồn cảm hứng?

- Điện ảnh là nguồn cảm hứng vô tận của tôi. Nếu không viết thì tôi xem phim. Thực ra thì ngôn ngữ điện ảnh và văn chương nó rất khác nhau. Chính vì thế mà nó luôn bổ sung cho nhau. Hầu như đêm nào tôi cũng xem từ một đến hai bộ phim.

-  Việc "rinh" được nhiều giải thưởng văn chương mang đến điều gì cho cuộc sống của anh?

- Tôi có lẽ là người viết văn hay dự thi nhất… Việt Nam (cười). Tôi có bảy đầu sách thì có đến năm cuốn sách đoạt giải. Có cuốn, ví dụ như Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, thậm chí cả 10 năm sau khi sách xuất bản vẫn tiếp tục đoạt giải mặc dù mình chẳng hề đi thi. Nhưng thực ra tôi quan niệm thi cử vui vẻ hơn rất nhiều. Viết thì vẫn cứ phải viết, nhưng nếu có cuộc thi nào đó tốt thì mình cứ gởi. Bởi vì họ sẽ quảng bá cuốn sách tốt hơn… tôi. Tôi rất sợ cảnh mình phải đi quảng cáo sách mình.

Nếu bạn là người hay xem phim thì bạn sẽ thấy nhà làm phim họ nghĩ thoáng hơn các nhà văn rất nhiều. Người ta tham dự liên hoan phim với tâm lý rất thoải mái, già trẻ lớn bé gì cứ thi ngang với nhau tuốt. Cứ có phim là tham dự liên hoan. Người ta chẳng bao giờ có tâm lý, mình có nhiều giải thưởng rồi thì đừng dự thi nữa, lỡ không đoạt giải thì… nhục. Những nhà làm phim không nghĩ như vậy. Nó là những dịp cọ xát với đồng nghiệp để mình trở nên trung thực hơn với thành quả của mình.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần và con gái.

- Trong thời buổi bận rộn của ngày hôm nay, nếu có một buổi tối anh chỉ đủ thời gian để lựa chọn đọc một cuốn sách hoặc xem một bộ phim, anh sẽ chọn thể loại nào?

- Tôi sẽ chọn xem phim. Những bộ phim dù phức tạp đến thế nào, họ cũng luôn tìm cách giải quyết nó trong vòng vài giờ. Tôi viết sách cũng vậy, chủ trương của tôi là người đọc chỉ cần đọc nó cái vèo chừng vài giờ là xong. Tôi không thấy lý do nào khả dĩ khi buộc người đọc phải tốn quá nhiều thời gian cho nó. Thời gian cần để làm nhiều việc khác.

- Anh có một cô con gái nhỏ. Anh rèn cho con thói quen đọc sách ra sao?

- Cứ vứt sách lung tung trong nhà, bất cứ chỗ nào, đừng nên sạch sẽ ngăn nắp quá, bọn trẻ chẳng buồn ngó đến đâu. Những cuốn nào mình muốn trẻ con đọc thì mình để lên trên. Nhưng thường thì cháu nó hay lựa những cuốn ở… dưới.

Từ lúc có con, tôi cũng có ý định viết một cuốn gì đó cho trẻ con đọc. Nhưng những cuốn sách người lớn cứ cản trở mãi nên chưa thực hiện được.

Nguyễn Ngọc Thuần sinh năm 1972 tại xóm ph‌ò Trì (thuộc xã Tân Thiện - Hàm Tân, Bình Thuận).

Anh có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng văn chương trong và ngoài nước như: Giăng giăng tơ nhện (giải ba cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi hai mươi lần thứ hai), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (giải A cuộc thi văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần thứ hai, giải Văn học thiếu nhi Thụy Điển Peter Pan 2008), Một thiên nằm mộng (giải A cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi của NXB Kim Đồng 2001-2002), Nhện ảo (giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2003), Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ (giải B - không có giải A - cuộc thi sáng tác văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh niên phối hợp với NXB Văn nghệ tổ chức), cuốn sách Cơ bản là buồn của Nguyễn Ngọc Thuần đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ năm 2014...

Ngoài ra, anh có nhiều tập truyện ngắn như: Chuyện tào lao, Tuổi 20, Cha và con và tàu bay… đều được bạn đọc yêu thích tìm đọc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật