Người lập công khi chấp hành án tù được xét đặc xá

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Công điện của Chính phủ, việc đặc xá phạm nhân sẽ được thực hiện vào tháng 8 với những người chấp hành tốt nội quy trong quá trình cải tạo, người là thương binh, có bệnh hiểm nghèo...
Người lập công khi chấp hành án tù được xét đặc xá
Hàng trăm phạm nhân xếp hàng dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày được đặc xá. Ảnh minh hoạ: Quốc Thắng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có Công điện 1056 về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2015.

Theo đó ngày 15/7, Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành Hướng dẫn thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2015. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an làm tốt chức năng tham mưu cho Hội đồng tư vấn đặc xá, bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, sai sót.

Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, cơ quan, đoàn thể... bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện.

Giám đốc Công an tỉnh được yêu cầu phối hợp với địa phương quản lý, giúp đỡ người đặc xá, không để gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Các đối tượng xét đặc xá

Đối tượng xét đặc xá gồm: người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án tù.

Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã giảm xuống tù có thời hạn (phạm nhân) được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện: chấp hành tốt nội quy trại giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành án được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phạm nhân cũng cần đảm bảo đã chấp hành ít nhất là 1/3 thời gian với hình phạt tù có thời hạn; ít nhất 14 năm với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Phạm nhân đồng thời phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ những phạm nhân không bị kết án các tội về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện.

Người bị kết án phạt tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất 1/4 thời gian và người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất 12 năm.

Nếu đủ các điều kiện khác quy định nêu trên thì được xét, đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp: đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án; là thương binh, bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội; có thân nhân là liệt sĩ; là con đẻ, con nuôi hợp pháp của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; là người phạm tội khi chưa thành niên; từ 70 tuổi trở lên...

Các trường hợp không đề nghị đặc xá

Người có đủ điều kiện quy định nêu trên không được đề nghị đặc xá nếu thuộc một trong các trường hợp: Bản án hoặc quyết định của Toà án đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; đang bị truy cứu trách nhiệm Hình Sự về hành vi phạm tội khác; trước đó đã được đặc xá; có từ hai tiền án trở lên; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia...

Theo kế hoạch, từ 24/7 đến 7/8, các Tổ thẩm định liên ngành đến trực tiếp các đơn vị, địa phương để kiểm tra, thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị xét đặc xá.

Đến cuối tháng 8, Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh danh sách trình Chủ tịch nước quyết định và tổ chức tha người được đặc xá từ 28 đến 31/8.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật