Tôm cua “ngoại” tràn chợ Việt, xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng đột biến

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thuỷ sản nhập khẩu tăng mạnh, xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng đột biến, lãi suất điều hành giảm, khách quốc tế đến Việt Nam tăng... là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.
Tôm cua “ngoại” tràn chợ Việt, xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng đột biến
Các loại hải sản nhập khẩu được bày bán tràn ngập thị trường Việt (Ảnh: Anh Tú)

Chi 2,72 tỷ USD nhập khẩu, tôm cua ’ngoại’ tràn ngập chợ Việt

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trái với xuất khẩu, việc nhập khẩu thuỷ sản hai tháng đầu năm nay tăng tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 418 triệu USD. Năm 2022, nước ta chi tới 2,72 tỷ USD để nhập khẩu thuỷ sản, tăng 25% so với năm trước đó. Đây cũng là con số kỷ lục, gấp hơn 4 lần so với kim ngạch nhập khẩu năm 2012.

Thuỷ sản nhập khẩu đang được bày bán khắp các siêu thị, cửa hàng, tràn “chợ mạng”. Đáng chú ý, các mặt hàng thuỷ sản từ bình dân đến cao cấp đều được nhập về với số lượng lớn, chủng loại ngày càng đa dạng. 

Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng đột biến

Xuất khẩu gạo của Việt Nam hai tháng năm 2023 sang thị trường  Indonesia  đạt 67,3 triệu USD, tăng đột biến 30.352% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện, thị trường Indonesia chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Theo kế hoạch, Chính phủ Indonesia quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Điều này mở ra cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Song các thương nhân cũng cần phải lưu ý để tính toán và đảm bảo phòng ngừa rủi ro, trong đó có thể có rủi ro về giá trong khâu thực hiện hợp đồng.

Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng về mức tối đa 5,5%

Tối 31/3, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ ra các quyết định về điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, có hiệu lực từ 3/4.  Đây là lần thứ 2 trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước tiến hành hạ lãi suất điều hành.

Đáng chú ý, theo Quyết định số 575/QĐ-NHNN ngày 31/3/202, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Ngân hàng ’xé rào’ cam kết, tăng phí dịch vụ SMS banking

Kể từ tháng 3/2022, các ngân hàng và các nhà mạng đã thống nhất áp dụng mức phí dịch vụ thông báo biến động số dư và mã OTP qua điện thoại di động (SMS banking) cố định mức 11.000 đồng/tháng, (đã gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn từ tháng 3/2022.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều ngân hàng đã âm thầm tăng phí đối với dịch vụ này lên nhiều lần. Thậm chí, có nhà băng thu tới 75.000 đồng/tháng phí SMS với khách nhận nhiều tin nhắn.

Đề xuất 2 trường hợp dừng trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu

Trong dự thảo trình Chính phủ xem xét thông qua, Bộ Công Thương đã nêu ra một số sửa đổi liên quan đến hoạt động quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất sẽ dừng trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu khi các yếu tố cấu thành giá định hướng xăng, dầu kỳ công bố tăng trên 7% so với giá định hướng công bố kỳ trước liền kề. Ngoài ra, trường hợp tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (số ước tính) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở mức lớn hơn hoặc bằng 7.000 tỷ đồng, Bộ Công Thương cũng xem xét dừng trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang hồi phục

Thị trường trái phiếu đang ấm dần. (Ảnh: CF)

Ngay sau khi Nghị định 08 có hiệu lực, trong tháng 3 đã có 8 doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công với gần 25.000 tỷ đồng, tăng gần 13 lần so với tháng 2.

Dù vẫn còn quá sớm để cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được khơi thông trở lại, nhưng việc doanh nghiệp phát hành thành công trong tháng 3 là tín hiệu tích cực sau khi Nghị định 08/2023 của Chính phủ được ban hành.

Bắt đầu điều tra doanh nghiệp năm 2023

Từ 1/4, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành điều tra doanh nghiệp năm 2023 để thu thập các thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương.

Số liệu thu thập từ điều tra được sử dụng để tính một số chỉ tiêu quan trọng như: chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) năm 2022, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê của các chuyên ngành kinh tế.

Siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới

Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu theo phương thức trao đổi cư dân biên giới, hay còn gọi là xuất khẩu tiểu ngạch, sẽ được siết lại từ đầu năm 2025. Đây là nội dung trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Theo đó, từ ngày 1/1/2025, phương thức trao đổi cư dân biên giới sẽ bị giảm dần số lần và số tiền được miễn thuế. Đồng thời, hàng xuất khẩu tiểu ngạch cũng sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 30 lần

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 895.400 lượt người, tăng gấp 21,5 lần cùng kỳ năm 2022.

Tính chung quý I/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2.699.500 lượt, tăng gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022. Nhưng con số này mới chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật