EU đề xuất gia hạn 1 năm biện pháp giảm nhu cầu sử dụng khí đốt

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
EC vừa đề xuất các nước EU gia hạn 1 năm biện pháp khẩn cấp đang được áp dụng nhằm giảm nhu cầu sử dụng khí đốt để giúp châu Âu vượt qua mùa Đông tới khi nguồn cung khí đốt từ Nga trở nên khan hiếm.
EU đề xuất gia hạn 1 năm biện pháp giảm nhu cầu sử dụng khí đốt
Hệ thống đường ống của Trạm trung chuyển khí đốt OGE ở Werne, miền Tây Đức ngày 24/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 20/3 đã đề xuất các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gia hạn 1 năm biện pháp khẩn cấp đang được áp dụng nhằm giảm nhu cầu sử dụng khí đốt để giúp châu Âu vượt qua mùa Đông tới khi nguồn cung khí đốt từ Nga trở nên khan hiếm.

Châu Âu đã vượt qua mùa Đông vừa qua nhưng EC cho rằng các nước EU nên gia hạn việc giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt so với mức tiêu thụ trung bình trong giai đoạn 2017-2022 từ tháng 4 năm nay tới đến tháng 3/2024. Theo kế hoạch, biện pháp đang thực hiện sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 này.

EC cho rằng việc tiếp tục giảm nhu cầu khí đốt là cần thiết nếu các quốc gia muốn lấp đầy 90% kho dự trữ khí đốt, mục tiêu mà các nước EU đã nhất trí hồi tháng 11/2022 để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt khí đốt vào mùa Đông vừa qua. Dự kiến, các Bộ trưởng Năng lượng EU sẽ thảo luận về mục tiêu này tại cuộc họp diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào ngày 28/3 tới.

Trong thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, các nước EU đã giảm được 19% lượng khí đốt tiêu thụ nhờ một mùa Đông ấm áp bất thường vừa qua. Giá năng lượng tăng cũng hạn chế hoạt động sản xuất công nghiệp trong khi EU và chính phủ các nước khuyến nghị người tiêu dùng giảm tiêu thụ năng lượng.

Điều này đã giúp các kho dự trữ khí đốt của châu Âu cao hơn thường lệ dù sắp kết thúc mùa Đông. Triển vọng nguồn cung năng lượng cho châu Âu cũng ổn định hơn sau khi châu lục này mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu nhiên liệu từ các nguồn cung thay thế.

Mặc dù vậy, châu Âu vẫn có nguy cơ đối mặt với rủi ro như thời tiết lạnh giá hoặc nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tăng lên cũng có thể làm giảm nguồn cung sẵn có.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật