Nông dân xuất sắc 2022 Nguyễn Văn Hùng và lương duyên tiền tỷ với tảo xoắn, thành “vua” tảo miền Trung

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 1 biến cố về sức khỏe, ông Nguyễn Văn Hùng (Nghệ An) “bén duyên“ với tảo xoắn, từ giám đốc công ty bất động sản, khai thác khoáng sản có tiếng “bổng“ trở thành “Nông dân xuất sắc 2022“ khi nuôi trồng được giống tảo kỳ diệu này trên quê hương xã Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Nông dân xuất sắc 2022 Nguyễn Văn Hùng và lương duyên tiền tỷ với tảo xoắn, thành “vua” tảo miền Trung
Ông Nguyễn Văn Hùng cùng ông Lê Doãn Hợp thăm quy trình nuôi tảo xoắn của mình tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ảnh: Thắng Tình

Mối duyên tiền tỷ với giống tảo thần kỳ

Giai đoạn năm 2015 – 2016 ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1951, trú tại xã Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) khi đó là một giám đốc công ty bất động sản và khai thác khoáng sản nằm trong TOP đầu ở địa phương gặp một biến cố về sức khỏe. 

Trong quá trình điều trị ông đã sử dụng một số sản phẩm được chiết xuất từ tảo xoắn và cảm thấy rất tốt cho sức khỏe của mình. Từ đó ông tìm hiểu và ấp ủ ý định sẽ đưa giống tảo này về nuôi trồng tại quê hương mình, vừa phát triển kinh tế, vừa mang lại những sản phẩm tốt cho người dân. 

Mối duyên tiền tỷ với giống tảo thần kỳ khiến ông từ một giám đốc doanh nghiệp có tiếng bắt đầu trở thành nông dân.

Đặc biệt vùng đất ven biển Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An với môi trường khí hậu trong lành, chan hòa ánh nắng. 

Quá trình thẩm định mẫu đất, mẫu nước nổi, nước ngầm ở các vị trí, độ sâu khác nhau vùng ven biển xã Quỳnh Lương cho thông số khoa học kỹ thuật về môi trường, đất, nước, các khoáng chất đa lượng, vi lượng và độ kiềm pH đều đảm bảo phù hợp cho tảo xoắn Spirulina phát triển.

Qúa trình tìm hiểu ông Nguyễn Văn Hùng biết được một doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng mô hình nuôi trồng, chế biến tảo xoắn, tuy nhiên vì một số lí do khách quan, chi phí đầu tư quá lớn nên công ty không thể tiếp tục duy trì sản xuất.

Bên cạnh đó, sau khi gặp gỡ nhiều nhà khoa học và hiểu thêm về đặc tính, công dụng của tảo xoắn. Đặc biệt, với khao khát giúp người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, người mắc bệnh hiểm nghèo có điều kiện tiếp cận, sử dụng các sản phẩm từ tảo Spirulina chất lượng cao, giá thành hợp lý. 

Vào năm 2016, ông đã quyết định mua lại và tiếp tục đầu tư xây dựng công ty nuôi trồng tảo xoắn Spirulina và lấy tên là "Công ty CP khoa học công nghệ Tảo VN".

Các công nhân đang đưa tảo xoắn vào ống thủy tinh để nuôi dưỡng trong vòng 7 đến 10 ngày. Ảnh: Thắng Tình

Theo ông Hùng, nhu cầu trên thế giới cũng như ở Việt Nam về sản phẩm chế biến từ tảo Spirulina làm thực phẩm chức năng giàu dinh dưỡng, bởi công dụng của nó rất hữu ích cho sức khỏe của con người như khắc phục các bệnh lí về xương khớp, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, mỡ máu, bệnh viêm loét dạ dày, đại tràng, táo bón, bệnh thiếu máu, bệnh thận, bệnh ung thư và nó còn giúp trẻ hóa , làm đẹp cho làn da phụ nữ. Có giá trị ứng dụng trong y học, nhưng chưa nhiều người dân được tiếp cận, sử dụng".

Năm 2020 sản phẩm Tảo Spirulina, Natto kinaza, đông trùng hạ thảo vinh dự nhận được Cúp OCOP chứng nhận sản phẩm đạt 4 sao cao cấp tỉnh Nghệ An. Rượu đông trùng hạ thảo, Đậu tương lên men Natto kinaza, tảo xoắn Spirulina được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao tỉnh Nghệ An năm 2019.

Bên cạnh đó sản phẩm của công ty còn giành được công nhận là "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020 của tỉnh Nghệ An", "Sản phẩm chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2020", "Top 20 sản phẩm chất lượng vàng năm 2020", "Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng, huy chương vàng vì sức khỏe cộng đồng do Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam trao tặng", Được bộ công thương chứng nhận là "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021".

Tuy nhiên việc sản xuất tảo xoắn Spirulina gặp nhiều khó khăn do công nghệ phức tạp, chi phí đầu tư lớn. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để sản xuất được tảo xoắn Spirulina trong điều kiện nhân tạo theo quy mô công nghiệp nhằm tạo được lượng sản phẩm lớn, giá cả hợp lý, nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng và số lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Những ống tảo xoắn được nuôi theo quy trình công nghệ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khiến con tảo xoắn trở nên khỏe mạnh, phát triển tốt. Ảnh: Thắng Tình

Tiếp tục trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học ở Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Dự án do ông đề xuất đã được Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn tài trợ thông qua Dự án "Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ – FIRST".

Nắm vững kỹ thuật, làm chủ được giống tảo khó tính với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ, công nhân của ông được đào tạo bài bản từ đó ông Hùng bắt đầu đưa vào nuôi trồng với quy mô lớn. Hiện với 2 ha nuôi trồng tảo, thu về sản lượng khoảng 5 tấn tảo xoắn Spirulina, chiết xuất thành các sản phẩm được thị trường đón nhận.

"Tảo được nuôi trồng qua nhiều công đoạn, bắt đầu từ phòng phân lập lưu trữ giống, sau đó được đưa đến phòng giống cấp 1 rồi đến nhà nhân sinh khối. Qua nhiều khâu kiểm tra kỹ lượng, tảo được đưa đến giàn Photobiorector, khi đã ổn định tảo tiếp tục được đưa đến những bể nuôi kích thước nhỏ đến bể nuôi kích thước lớn 250m3", chị Lại Thái Bảo – phòng kinh doanh của công ty đưa chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về quy trình nuôi trồng giống tảo xoắn Spirulina.

Tảo xoắn được nuôi trong giàn Photobiorector một cách sạch sẽ và tránh môi trường bên ngoài. Ảnh: Thắng Tình

Tại đây mỗi quy trình đều được kiểm soát nghiêm ngặt, đặc biệt về nước, các chất dinh dưỡng, thức ăn. Tảo được nuôi trong từng bình chứa có thể tích từ 100ml đến 1000ml rồi đưa vào hệ thống máy và những bể lớn với hệ thống mái che kín. 

Toàn bộ hệ thống mái che của khu vực nuôi tảo được ông Hùng lắp hệ thống điện năng mặt trời vừa đáp ứng nhu cầu của công ty, thậm chí vào mùa hè ông còn có thể bán lại sản lượng điện cho điện lực, bên cạnh đó giúp bảo vệ môi trường.

Bắt "thần dược" về sống ven biển

Nhờ quá trình tìm hiểu về tảo xoắn Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hùng lại biết để loại "thần dược" Đông trùng hạ thảo và rượu đông trùng hạ thảo. Đó là thời điểm, cuối năm 2016, khi công ty được Bộ khoa học và Công nghệ quyết định hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm tảo xoắn thông qua dự án FIRST.

Nhiều người thân quen đến thăm mô hình nuôi tảo xoắn của nông dân Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Tình Thắng

Từ đây, ông Hùng biết đến Đông Trùng hạ Thảo và Thạc Sỹ Nông nghiệp cùng họ tên là Nguyễn Văn Hùng đang công tác tại Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp – Bộ khoa học và Công nghệ. 

Là một kỹ sư rất giỏi đã nghiên cứu và nhân cấy thành công giống Đông trùng hạ thảo, nuôi cấy giống loại "thần dược" này để cung cấp cho các đơn vị khác. Chất lượng giống đông trùng hạ thảo được công nhận bởi các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan kiểm nghiệm phân tích.

Với niềm đam mê học hỏi, đồng thời tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng và nhân lực lao động đang sẵn có, đầu năm 2017, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hùng bắt đầu ký kết hợp đồng mua giống và nhận chuyên giao công nghệ nuôi từ Thạc Sỹ Nguyễn Văn Hùng, bắt đầu đưa loại "thần dược" này về "sống" tại quê hương.

Ngoài việc đầu tư nghiên cứu nuôi tảo xoắn và đông trung hạ thảo, ông Nguyễn Văn Hùng con là con người quan tâm đến công tác thiện nguyện tại địa phương. Ảnh: Thắng Tình

Sau khi hoạch định lại cơ sở nuôi trồng tảo xoắn theo chuẩn khoa học & công nghệ. Ông dành riêng khu vực có diện tích 100m2 để sử dụng cho việc nuôi trồng giống đông trùng hạ thảo nhập về.

Sau khoảng 60 ngày chăm sóc, đông trùng phát triển hoàn thiện và đến thời kỳ thu hoạch. Sau khi được sơ chế, xử lý và ngâm rượu. Rượu đông trùng hạ thảo mang thương hiệu "HIDUMI’’ được đại đa số khách hàng trong và ngoài địa phương nhận xét là rất thơm ngon và chất lượng, giá thành phải chăng.

Chữ "Thật" làm nên thương hiệu

Luôn đặt chữ "Thật" là nền tảng của mọi hoạt động kinh doanh, Tổng Giám Đốc-Đại tá Nguyễn Văn cũng đã khẳng định : "Sẽ quyết tâm đưa các sản phẩm nông nghiệp quý hiếm của thế kỷ 21 mang nhãn hiệu "Made in Việt Nam" trở thành những sản phẩm thực phẩm chức năng cao cấp và các sản phẩm khác có chất lượng cao, với mức giá phù hợp, để chiếm lĩnh lòng tin khách hàng cả ở trong nước và quốc tế, góp sức nâng cao sức khỏe cộng đồng."

Tảo xoắn của ông Nguyễn Văn Hùng được khách hàng nhiều nơi đón nhận. Ảnh: Thắng Tình

Hiện tại những sản phẩm từ tảo xoắn, đông trùng hạ thảo, đậu tương lên men do công ty sản xuất đã ghi được dấu ấn, được người tiêu dùng tin tưởng. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi người cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng còn là một trong những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An rất chú trọng tới công tác an sinh xã hội, giúp đỡ những người nghèo, bà con vùng khó khăn. Mỗi năm doanh nghiệp của ông dành hàng tỷ đồng để tặng quà, giúp đỡ người dân vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Với những thành công của mình, ông Nguyễn Văn Hùng – Tổng giám đốc công ty Công ty CP khoa học công nghệ Tảo VN (VASTCOM) vinh dự được bầu chọn là 1 trong 100 nông dân xuất sắc năm 2022.

Nặng lòng với quê hương

Sinh ra và lớn lên ở phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, sau khi học xong cấp 3, ông được Nhà nước cử sang học tập 7 năm tại Nga (Liên Xô cũ) sau đó về phục vụ hơn 32 năm trong quân đội. Ông Hùng công tác tại Tổng công ty xây dựng Lũng Lô là doanh nghiệp kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng. Những năm tháng cống hiến tại đây ông lăn lộn khắp các công trình phòng thủ vùng biên giới, hải đảo; các công trình cầu cống, đường ngầm, kè chắn sóng đê biển, làm các tuyến đường vùng biên giới vùng hẻo lánh…

Sau khi nghỉ hưu, nặng lòng với quê hương, ông Hùng quyết định thành lập Công ty CP đầu tư và xây dựng Long Thành, gặt hái được nhiều thành công và trở thành một trong những doanh nghiệp "vững" ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An về lĩnh vực bất động sản và khai thác khoáng sản, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Năm 2021 vừa qua tuy gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-9 nhưng công ty đã cố gắng khắc phục, đạt doanh thu 31,9 tỷ đồng, nạp ngân sách hơn 2.9 tỷ đồng, thu về lợi nhuận trước thuế TNDN hơn 600 triệu đồng, qua đó tạo Công ăn việc làm thường xuyên cho gần 60 lao động có thu nhập ổn định, đã góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật