Triển vọng mô hình trồng dứa Queen trên đất dốc ở vùng cao Sơn La

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 28/6, tại bản Cát, xã Co Mạ, UBND huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tổ chức Hội nghị đầu bờ, đánh giá mô hình trồng dứa Queen trên địa bàn huyện Thuận Châu.
Triển vọng mô hình trồng dứa Queen trên đất dốc ở vùng cao Sơn La
Hội nghị đầu bờ, đánh giá mô hình trồng dứa Queen trên địa bàn huyện Thuận Châu. Ảnh: Q.P.

Năm 2021, mô hình trồng dứa Queen được triển khai tại bản Cát, bản Nong Vai của xã vùng cao Co Mạ, với 7 ha, 5 hộ dân tham gia.

Các phòng, ban chuyên môn của huyện Thuận Châu, xã Co Mạ phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc dứa cho người dân.

Sau một năm triển khai, dứa phát triển tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của huyện. Diện tích tại bản Cát cây dứa sinh trưởng, phát triển tốt hơn, tính đến thời điểm báo cáo, cây dứa mới trồng được 12 tháng đã cho thu hoạch đồng bộ, đạt trọng lượng trung bình trên 0,5 - 1,0 kg/quả, sản lượng ước đạt 30 tấn quả/ha.

Sản phẩm quả có chất lượng tốt, mùi vị thơm ngọt, có khả năng tiêu thụ trên thị trường và được Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chi nhánh tại Sơn La hợp đồng thu mua bao tiêu sản phẩm theo chính sách đã cam kết từ đầu vụ, với giá bán sản phẩm loại 1 là 4.300 đồng/kg; loại 2 là 2.860 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 50 triệu đồng/ha.

Sau một năm triển khai trồng dứa Queen tại bản Cát, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã cho thu hoạch. Ảnh: Q.P.

Đối với diện tích 5 ha tại bản Nong Vai, hiện dứa đang bắt đầu ra hoa. Các hộ dân tăng cường các biện pháp chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại, dự kiến thu hoạch trong tháng 10 năm 2022, sản lượng ước đạt 25 - 30 tấn/ha.

Phát triển vùng nguyên liệu dứa Queen theo hướng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chi nhánh tại Sơn La, gắn với quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc đã tạo động lực cho nông dân yên tâm sản xuất.

Cây dứa Queen hiện đang là cây trồng mới trên địa bàn huyện Thuận Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung, có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết nóng ẩm và thổ nhưỡng đất dốc, đồi núi của các xã. Cây dứa trồng đơn giản, dễ chăm sóc, chống xói mòn đất dốc, nếu chăm sóc tốt, sau trồng khoảng 12 tháng cho thu hoạch quả.

Dứa Queen đạt trọng lượng trung bình trên 0,5 - 1,0 kg/quả, sản lượng ước đạt 30 tấn quả/ha. Ảnh: Q.P.

Ngoài ra, người dân còn thu hoạch chồi giống 15.000 chồi/ha, bán với giá 400 đồng, thu về 60 triệu đồng. So với cây ngô trên nương tại bản trong những năm trước, năng suất, chất lượng cao hơn, đặc biệt là hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Trong năm 2021, huyện đã triển khai thực hiện mô hình trồng giống dứa Queen tại bản Cát, Nong Vai của xã Co Mạ, với diện tích 7 ha.

Trong quá trình triển khai, huyện đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và các hộ dân, đến thời điểm này, mô hình đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Đặc biệt là việc liên kết phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp.

Sản phẩm quả có chất lượng tốt, mùi vị thơm ngọt, có khả năng tiêu thụ trên thị trường và được Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chi nhánh tại Sơn La hợp đồng thu mua bao tiêu sản phẩm. Ảnh: V.N.

Trong quá trình thực hiện các hộ dân luôn nhiệt huyết, mạnh dạn đầu tư, chăm sóc mô hình dứa theo đúng quy trình kỹ thuật; cây dứa của các hộ dân hình sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, ít sâu bệnh hại.

Tuy nhiên, đây mới được coi là diện tích thí điểm bước đầu, làm tiền đề để nông dân hạch toán hiệu quả và tuân thủ đúng định mức đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và khoa học kỹ thuật, lao động để có năng xuất hiệu quả cao hơn trong những vụ tiếp theo.

Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, đối với diện tích đã cho thu hoạch trước tại bản Cát, huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân tận dụng chồi giống thu được triển khai trồng lại trên diện tích đã có và nhân rộng địa bàn.

Dứa Queen xã vùng cao Co Mạ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đủ điều kiện thu hoạch cho Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: V.N.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng đề nghị các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện, UBND các xã phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của huyện nhà.

Tiếp tục phối hợp với Công ty khảo sát vùng trồng, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân về quy trình trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại dứa. Tổ chức ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, từng bước đưa cây dứa vào sản xuất cây trồng chính trên địa bàn huyện.

Lựa chọn các đơn vị cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, tổ chức cung ứng cho các hộ dân đảm bảo theo quy định.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, huyện Thuận Châu sẽ trồng mới 42 ha dứa Queen; chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, huyện Thuận Châu đã tuyên truyền, vận động người dân các xã trồng thêm 24,5 ha dứa Queen.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật