Lựa chọn môn Lịch sử

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để học sinh hào hứng với môn Lịch sử, cả giáo viên lẫn học sinh cần thay đổi cách dạy và học. Học Lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, hiểu về nước mình và các nước khác trên thế giới.
Lựa chọn môn Lịch sử
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Lịch sử sẽ là môn được học sinh lựa chọn, bắt đầu triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023. Ảnh minh họa

Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tham dự buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang, nhiều ý kiến, câu chuyện được chia sẻ về việc học sinh học và làm bài thi môn Lịch sử khiến người nghe cười… ra nước mắt.

Một cử tri kể, với đề kiểm tra yêu cầu phân tích và nêu ý nghĩa của bài "Hịch tướng sĩ", một học sinh đã mô tả về "ông" Hịch Tướng Sĩ với năm sinh, năm mất, khi ông qua đời thì được chôn cất tại huyện Hòa Vang và được người dân địa phương cúng tế (!?).

Một học sinh khác viết: Hai Bà Trưng hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ đã phất cờ khởi nghĩa nhưng thất bại và nhảy xuống sông Hàn t‌ּự vẫ‌ּn (!?).

Tại buổi tiếp xúc đó, cử tri khẳng định: "Lịch sử là môn học bản lề, nền móng để học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan, lòng yêu nước và ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nên Lịch sử phải là môn học bắt buộc ở bậc THPT".

Liệu Lịch sử có thể trở thành môn học bắt buộc ở bậc THPT như kiến nghị của cử tri hay không? Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền. Song, hiện Bộ vẫn chưa đưa ra quyết định Lịch sử là môn bắt buộc hay lựa chọn.

Trong khi đó, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Lịch sử sẽ là môn được học sinh lựa chọn, bắt đầu triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023.

Cụ thể, ở bậc THPT (giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp), Lịch sử là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Học sinh phải học 5 môn lựa chọn trong 3 nhóm môn học: nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp Luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật. Ở mỗi nhóm, học sinh phải chọn ít nhất 1 môn học, nghĩa là có quyền chọn học môn Lịch sử hoặc không chọn và điều này đang trở thành tâm điểm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Những người ủng hộ sự thay đổi nói trên cho rằng, đây là bước tiến bởi chương trình mới đã xác định bậc THPT là hướng nghiệp thì không thể bắt học sinh học môn không theo hướng nghiệp của các em. Hơn nữa, cũng không thể áp đặt rằng học Lịch sử là để giáo dục lòng yêu nước.

Những người có quan điểm ngược lại thì cho rằng, Lịch sử là ngành khoa học chuyên nghiên cứu quá trình phát triển của xã hội loài người nói chung hay của từng quốc gia, dân tộc nói riêng. Học lịch sử, hiểu lịch sử, để góp phần làm người có ích… Vì vậy, Lịch sử phải là môn học bắt buộc.

Thực ra, quan điểm nào cũng có lý. Cả cách lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có hoàn toàn cơ sở khi cho rằng, sự sắp xếp môn Giáo dục lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.

Tuy nhiên, nếu nghe các cử tri Đà Nẵng kể chuyện về sự "hiểu biết" của học sinh đối với lịch sử của dân tộc và nhìn vào thực trạng điểm thi môn Lịch sử trong những năm qua thì quả thật đáng buồn.

Ở kỳ thi THPT Quốc gia 2019, môn Lịch sử xếp chót bảng trong tổng số 9 môn thi khi có hơn 70% thí sinh không đủ điểm trung bình.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2020, tổng cộng 260.074 thí sinh có điểm dưới trung bình môn Lịch sử (chiếm tỷ lệ 46,95%). Năm 2021, con số này là 331.429 thí sinh (chiếm tỷ lệ 52%) và có 540 bài thi Lịch sử dưới điểm 1.

Rất nhiều câu hỏi từng được đặt ra như: Vì sao học sinh chán môn Lịch sử? Làm sao để học sinh không chán môn Lịch sử? Đổi mới dạy môn Lịch sử, bắt đầu từ đâu?...

Song, nhiều năm qua, những câu hỏi nói trên vẫn chưa được giải đáp, "nút thắt" cho môn Lịch sử chưa được gỡ. Học sinh vẫn học theo kiểu học thuộc lòng, nhồi nhét kiến thức, tiếp thu thụ động; nghĩa là cách dạy chỉ đơn thuần chú trọng việc ghi nhớ kiến thức chứ chưa dạy cho học sinh tư duy lịch sử, trao đổi và bàn luận về lịch sử. Vì vậy, môn Lịch sử luôn tạo áp lực nặng nề cho học sinh trong học tập và thi cử.

Điều cốt lõi là phải thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử. Nếu Lịch sử thành môn học bắt buộc cho tất cả các cấp học thì học sinh học như thế nào để thực sự hào hứng, hiệu quả; giáo viên dạy như thế nào để truyền cảm hứng cho học sinh, khơi dậy cho các em tình yêu lịch sử dân tộc, từ đó mở rộng ra tìm hiểu về lịch sử thế giới…

Thời 4.0 có rất nhiều công cụ hỗ trợ việc dạy và học thì không cần duy trì cách dạy và học truyền thống: thầy đọc - trò chép, thầy giảng - trò lắng nghe; mà cần có sự tương tác thường xuyên giữa người dạy và người học, thúc đẩy vai trò chủ động của người học trong việc tìm tòi, nghiên cứu, trao đổi; chuyển cách kiểm tra truyền thống thành những bài thuyết trình và tiểu luận…

GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thật có lý khi cho rằng, mỗi công dân cần am hiểu lịch sử; chúng ta học Lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, không chỉ hiểu về nước mình mà còn hiểu về các nước khác trên thế giới.

Vì vậy, học Lịch sử luôn cần thiết cho mỗi người, không chỉ ở bậc học phổ thông, mà còn cần học suốt đời, bởi "gia đình sẽ như thế nào nếu con cháu không biết tổ tiên là ai, làm gì, ở đâu. Quốc gia sẽ thật đau khổ khi một công dân không biết lịch sử của dân tộc, đất nước mình. Những bài học trong lịch sử trải qua luôn là kinh nghiệm quý để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hiện tại", như phát biểu đầy tâm huyết của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trong buổi tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật