Cuối năm, chồng vỡ nợ đi trốn, vợ nhắn tin mượn bạn thân 30 triệu hẹn 3 tuần trả: Khó xử quá

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đáng sợ nhất của việc mượn tiền là không phải bạn không có cho người ta mượn, mà là đến cuối cùng mất cả tiền lẫn bạn...
Cuối năm, chồng vỡ nợ đi trốn, vợ nhắn tin mượn bạn thân 30 triệu hẹn 3 tuần trả: Khó xử quá
Ảnh minh họa

Vay tiền là một chuyện dài, cho người thân, bạn bè vay tiền lại là một câu chuyện dài hơn. Người ta thường nói bạn thân là hoạn nạn có nhau, lúc bạn khó thì mình giúp đỡ, cho vay tiền. Nhưng nếu bạn gửi trả lại đúng hạn thì dễ rồi, lo là lo vấn đề bạn chỉ xem mình là cây ATM, nhất là trong dịp cuối năm này ai cũng khó. Cho vay thì sợ mất tiền, không cho thì sợ mất bạn. 

Câu chuyện của Tú, một nhân viên văn phòng tại Sài Gòn dưới đây là một điển hình:

Trên là dòng tin nhắn mượn tiền của M. - bạn thân Tú. Chồng cô ấy vì mê cá độ đá bóng mà nợ nần chồng chất. Hai vợ chồng có một cửa hàng kinh doanh ăn uống ở Sài Gòn nhưng vì nợ nên cho sang lại gấp. Giờ thì chồng M. đã bỏ đi, để lại cho cô vợ trẻ món nợ lớn. Một mình M. không biết xoay xở thế nào đành đánh liều nhắn tin mượn Tú. Vì không biết phải làm sao nên cô nàng Tú bèn đăng bài hỏi xin ý kiến của cư dân mạng. 

Vậy rồi cộng đồng mạng nói gì?

- "Từ chối thôi bạn! Cho vay thì mất cả tiền lẫn bạn, còn không cho vay thì chỉ mất bạn thôi!"

- "Thay vì cho bạn mượn hãy bảo bạn bỏ luôn ông chồng vô trách nhiệm kia đi. Thằng nào nợ thằng ấy trả"

- "30 triệu thì nhiều quá, còn tùy vào thu nhập của bạn nữa. Nhưng khuyên thật lòng là không nên đâu!"

- Nếu là mình thì mình sẽ căn cứ vào tài chính bản thân hiện có và mức độ thân thiết để quyết định. Nếu bạn thân chí cốt thì mình sẽ cho mượn một ít (một ít thôi nha để bạn xoay xở tạm, chứ không đưa đủ 30 triệu, mà thực ra muốn cho mượn 30 triệu cũng chả có tiền để cho mượn hihi), còn bạn xã giao thì có thể mình sẽ từ chối, vì hoàn cảnh bạn thế kia khó mà trả nợ sớm cho mình được, dây dưa khổ mình mà có khi bị quỵt luôn.

Ảnh minh họa (tintucvietnam, fastwayvn)

Trước đó, trên các diễn đàn mạng cũng có nhiều câu chuyện nhắn tin vay tiền bạn bè với 7749 cái kết khác nhau. Như câu chuyện cho bạn thân mượn 32 triệu nhưng suốt 2 năm trời không thấy "í ới" gì. Trong khi đó vẫn chụp ảnh đi ăn chơi đủ kiểu và còn mua xe mới nữa. Nhắn tin đòi quyết liệt thì "bạn nợ" lại lên tiếng "dạy dỗ" ngược lại chủ nợ: "Tớ đã có thiện chí trả cho cậu thì đừng móc máy hỏi tới cái kiểu đấy" .

Hay ở trường hợp "có lý có tình" hơn như câu chuyện cho bạn vay 7 triệu đồng rồi 5 năm sau bạn quay về trả 100 triệu đồng. Không những vậy còn đền đáp lại bạn một công việc lương hơn chục củ trong lúc bạn thất nghiệp nữa. 

Nói chung là, việc cho bạn vay hay không tùy vào quan điểm và quyết định của mỗi người vì nó phải dựa vào mức độ thân thiết, sự tin tưởng và khả năng tài chính của bạn. Bởi vậy người ta thường nói "Đồng tiền đi liền khúc ruột", chuyện gì cũng có thể bỏ qua, hết lòng vì nhau nhưng còn chuyện tiền bạc thì nên rõ ràng, rành mạch là vậy đấy.

Tôi được nghe kha khá nhiều người bạn tâm sự về chuyện mượn tiền trả tiền. Khi người ta khó khăn mình giúp đỡ họ, nhưng đến khi mình cần đến tiền, thì người ta lại "ngó lơ". Người quen vay tiền bạn, bạn không cho vay thì làm tổn thương đến tình cảm. Nếu như cho vay rồi thì sao? Thì phải chuẩn bị tâm lý rằng có thể sẽ không được nhận lại số tiền này nữa. Người ta chủ động trả tiền đương nhiên là tốt, còn họ cứ lần lữa hứa lên hứa xuống hoặc tránh mặt thì coi như xong. Nói chung nếu không cẩn thận thì vừa mất mặt lại vừa mất luôn cả tình bạn.

Còn ý kiến của mọi người thì sao? Có nên cho bạn thân mượn tiền không?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật