Lý do Apple, Samsung đua nhau mở cửa hàng riêng ở Việt Nam

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau Apple, Samsung cũng chính thức tham gia vào hình thức cửa hàng độc quyền để mở rộng kênh bán hàng.
Lý do Apple, Samsung đua nhau mở cửa hàng riêng ở Việt Nam
Sự hiện diện nhiều hơn của các cửa hàng độc quyền thương hiệu tại Việt Nam.

Samsung vừa kết hợp cùng Minh Tuấn Mobile và ShopDunk khai trương hai hệ thống Premium Store đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, mô hình Apple mono store cũng phát triển trong năm 2021 với hàng loạt cửa hàng mới được mở từ các chuỗi như Thế Giới Di Động (TopZone) hay ShopDunk.

Theo các nhà bán lẻ, mô hình cửa hàng độc quyền thương hiệu (Mono Store - hay cửa hàng chuyên biệt) là hình thức kinh doanh mới tại Việt Nam nhưng đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, thị phần bán lẻ di động trong nước đã thuộc về các ông lớn, khó cạnh tranh, mono store là giải pháp khác để tiếp cận thêm khách hàng.

Chia sẻ với Zing, nhà phân tích Glen Cardoza từ Counterpoint Research cho rằng việc nhiều hãng kết hợp với đối tác để mở cửa hàng thương hiệu cho thấy lĩnh vực bán lẻ trực tiếp vẫn còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam.

"Có nhiều điểm lợi khi mở rộng kênh bán lẻ tại Việt Nam. Do đặc điểm dân số, nhiều người dùng Việt Nam vẫn muốn có trải nghiệm ’sờ và cảm nhận’ khi mua một chiếc smartphone", ông Cardoza nhận xét.

Mono store là mô hình bán lẻ mới

Là người thường xuyên phân tích thị trường smartphone Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, ông Cardoza cho rằng thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam có tăng trưởng nhưng không nhiều bằng các nước khác. Đó là lý do các hãng vẫn coi trọng cửa hàng truyền thống.

"Rất có thể các hãng đã nhận ra rằng bán lẻ trực tuyến rồi cũng sẽ chạm giới hạn", ông Cardoza nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng thị trường bán lẻ thay đổi rất nhanh. Những xu hướng thị trường có thể thay đổi chỉ sau 1-2 năm, và các chuỗi sẽ liên tục cập nhật để có thể tối ưu khả năng bán hàng cho họ cũng như hãng đối tác.

Xu hướng cửa hàng độc quyền thương hiệu (mono store) là bước phát triển mới. Dạng cửa hàng trải nghiệm, được chính hãng vận hành đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu với sự tham gia của Oppo, Samsung, Xiaomi, Huawei. Tuy nhiên, những địa điểm này nặng về tính trưng bày, giới thiệu sản phẩm, không chú trọng vào bán hàng.

Trong khi đó, mô hình mono store với sự kết hợp giữa nhà bán lẻ và thương hiệu điện thoại, tạo ra những cửa hàng có chất lượng dịch vụ tốt cùng giá bán cạnh tranh. Tại Việt Nam, cửa hàng độc quyền Apple đang được vận hành bởi các chuỗi lớn như TopZone của Thế Giới Di Động, ShopDunk, F.Studio, eDigi.

Trong đó, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu mở 50-60 cửa hàng TopZone trong quý I/2022. Theo thông tin được cung cấp bởi nhà bán lẻ, TopZone mang đến doanh thu tốt cho Thế Giới Di Động trong thời gian qua. Ở tháng đầu tiên khai trương, trùng thời điểm mở bán iPhone 13 series, TopZone có tổng doanh thu khoảng 110 tỷ đồng với 4 cửa hàng đã hoạt động.

Đại diện hệ thống SamCenter đặt mục tiêu khai trương khoảng 30 cửa hàng trong năm 2022. Để đạt được mục tiêu này, mỗi tháng hệ thống cần mở thêm 2-4 cửa hàng.

Những ưu điểm của mô hình mới

Ngoài những cái tên đã có mono store, một số chuỗi lớn khác cũng có thể tham gia thị trường trong thời gian tới. Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện nhà bán lẻ CellphoneS cho biết nhiều nhãn hàng đã liên hệ hệ thống để hợp tác vận hành cửa hàng độc quyền. CellphoneS vẫn đang trong quá trình chọn lựa, xem xét mô hình phù hợp.

“Việc mở mới hoặc chuyển dịch sang mono store là bởi bối cảnh thị trường di động dần trở nên bão hòa, sự cạnh tranh của các chuỗi lớn quá khốc liệt. Đây là một lối đi riêng, tránh chạm mặt trực tiếp với các ‘ông lớn’ bởi cơ hội cho việc mở thêm chuỗi multi-brand (đa hãng) gần như không còn”, ông Huy nói với Zing.

Mono store là giải pháp khi thị trường bán lẻ di động Việt Nam đã bão hòa.

Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện ShopDunk, đơn vị vận hành hệ thống SamCenter cho biết việc khai trương các cửa hàng độc quyền thương hiệu giúp nâng tầm trải nghiệm mua sắm của người dùng.

“Đồ công nghệ là sản phẩm đắt tiền. Samsung cũng là một thương hiệu cao cấp. Khách hàng trung thành của thương hiệu cần được đáp ứng những nhu cầu cao cấp hơn. Khi đến mua sắm ở mono store, người dùng sẽ nhận được những dịch vụ cửa hàng multi-brand không có”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Theo ông Tuấn Anh, khi người dùng quyết định chọn cửa hàng độc quyền để mua sắm, đồng nghĩa với việc họ đã xác định được thương hiệu của sản phẩm muốn mua. Khách hàng sẽ không còn bị làm phiền, gây xao nhãng bởi những nhãn hàng khác. Đồng thời, nhân viên tại mono store được đào tạo sâu hơn về thiết bị, nên sẽ đưa ra tư vấn, chăm sóc tốt hơn cho khách hàng.

“Khác với dạng cửa hàng trải nghiệm, đặt ở các trung tâm thương mại để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hệ thống độc quyền của chúng tôi được tạo ra vì mục tiêu bán hàng, có thể đưa ra nhiều chương trình và mức giá hấp dẫn hơn”, ông Tuấn Anh nói.

Hai bên cùng có lợi

Ông Cardoza cho rằng trong năm 2021, các hãng smartphone đều phải trải qua giai đoạn khó khăn khi dịch Covid-19 ảnh hưởng tới ngành bán lẻ. Trong đó, Samsung vẫn giữ được thành công. Ở báo cáo gần nhất do Counterpoint Research công bố cho quý III/2021, Samsung giữ vị trí hãng smartphone số một với 23% thị phần tại Đông Nam Á.

"Thành công của Samsung đến từ việc nhanh chóng vận chuyển được sản phẩm từ nhà máy ở Việt Nam tới những điểm cuối trong chuỗi bán lẻ. Các hãng khác gặp khó khi đối diện với việc thiếu hụt nguồn cung, do đó cả kênh bán lẻ trực tiếp lẫn trực tuyến đều thiếu hàng", ông Cardoza nhận định.

Cửa hàng độc quyền nhận được sự ưu tiên về hàng hóa, chủng loại.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng tại thị trường Việt Nam, Samsung đang cảm nhận sức ép từ các hãng khác. Mặc dù điểm mạnh của nhà sản xuất Hàn Quốc là dải sản phẩm rộng, đa dạng, các hãng đến từ Trung Quốc lại đang có ưu thế về mức giá. Các cửa hàng độc quyền thương hiệu sẽ giúp Samsung giới thiệu được nhiều sản phẩm hơn tới người dùng, bên cạnh smartphone.

"Có thể nói Samsung đang nỗ lực khẳng định vị thế tại Việt Nam", ông Cardoza nhận định.

Ở phía nhà bán lẻ, khi mở mono store họ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ hãng. Theo ông Nguyễn Lạc Huy, thời gian đầu các cửa hàng được hỗ trợ chi phí mở và vận hành. Nhờ đó, các chuỗi này sẽ thuận lợi hơn, không phải chịu áp lực về dòng tiền, doanh thu.

Ngoài ra, các cửa hàng độc quyền được đảm về số lượng, chủng loại hàng hóa. “Cửa hàng của thương hiệu Samsung chắc chắn sẽ được ưu tiên về số lượng máy, không thể thiếu hàng. Đồng thời, sẽ có nhiều sản phẩm độc quyền tại SamCenter như ốp lưng, sạc và các loại phụ kiện chính hãng mà cửa hàng thông thường không có”, ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.

Cửa hàng độc quyền thương hiệu đã phổ biến ở nhiều thị trường.

Chiến lược mở cửa hàng bán trực tiếp đang được nhiều thương hiệu áp dụng. Xiaomi thời kỳ đầu được biết tới nhờ những đợt bán chớp nhoáng hàng chục nghìn smartphone trực tuyến, nhưng vài năm nay đã tập trung hơn vào kênh bán lẻ.

Tháng 11/2021, Xiaomi cho biết sẽ mở thêm 20.000 cửa hàng tại Trung Quốc để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Công ty này hiện vận hành khoảng hơn 10.000 cửa hàng độc quyền. Theo nhận định của South China Morning Post, việc mở rộng kênh phân phối truyền thống là một trong những lý do giúp Xiaomi giành vị trí hãng smartphone số một tại Trung Quốc trong năm qua.

Chia sẻ với Zing, các chuyên gia đều nhận định các cửa hàng mono store sẽ là xu hướng trong thời gian tới.

“Thị trường di động Việt Nam có tính đặc thù và đi sau các quốc gia khác. Theo quan sát của chúng tôi, ở những nước phát triển, người dùng chủ yếu mua sắm ở các mono store. Dạng multi-brand chỉ xuất hiện ở đại siêu thị lớn chứ không phổ biến như tại Việt Nam”, đại diện ShopDunk chia sẻ.

Có cùng quan điểm, ông Cardoza cho rằng các hệ thống bán lẻ trực tiếp sẽ tiếp tục phát triển.

"Những nhà bán lẻ và các hãng tại Đông Nam Á đều đang cố mở rộng chuỗi cửa hàng. Trào lưu này sẽ tiếp tục trong năm 2022", nhà phân tích từ Counterpoint Research nhận định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật