Đàn ông Trung Quốc đua nhau... triệt sản dù chưa vợ con bất chấp đi ngược lại đạo lý ngàn năm: Tại sao lại như vậy?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính phủ Trung Quốc vừa công bố chính sách cho phép các gia đình đẻ 3 con. Nhưng cũng trong thế giới ấy, nhiều nam giới quyết định triệt sản dù còn rất trẻ và chưa vợ con.
Đàn ông Trung Quốc đua nhau... triệt sản dù chưa vợ con bất chấp đi ngược lại đạo lý ngàn năm: Tại sao lại như vậy?
Huang Yulong thực hiện phẫu thuật triệt sản ở tuổi 26

Huang Yulong chưa từng nghĩ đến chuyện có con. Thuở ấu thơ, anh đã nuôi dưỡng một niềm phẫn uất với bố mẹ - những người bỏ lại anh cho họ hàng chăm sóc để đi làm ăn xa. Hiếm lắm họ mới gặp nhau, chỉ 1 lần mỗi năm. Bởi vậy, Huang cảm thấy chẳng cần thiết phải sinh nở, hay duy trì nòi giống làm gì.

Và ở tuổi 26, anh quyết định đi thắt ống dẫn tinh - một hình thức triệt sản ở nam giới.

"Với thế hệ chúng tôi, trẻ em thực sự không cần thiết," - Huang, cử nhân đại học tại Quảng Châu cho biết. "Giờ chúng ta có thể sống mà không lo gánh nặng. Tại sao không tập trung nâng cao đời sống kinh tế và tinh thần của cuộc đời chính mình?"

DINK - phong cách sống "đi ngược đạo lý" của Trung Quốc

Anh Huang, nay 26 tuổi, luôn tâm niệm về phong cách sống DINK - Double Income, No Kids (tạm dịch: Thu nhập gấp đôi, không trẻ con). Khái niệm DINK vốn tồn tại trong hàng thập kỷ rồi, nhưng chỉ mới trở nên phổ biến tại Trung Quốc, ở thời điểm vật giá leo thang trong khi nền kinh tế lại trùng xuống khiến các cặp đôi trẻ trở nên tránh né nghĩa vụ làm cha mẹ. Trường học và nhà ở, tất cả đều là những thứ phải cạnh tranh gay gắt. Một số cặp đôi vì thế chỉ muốn dừng lại ở một con. Số khác thậm chí chẳng muốn có con luôn.

Có thể nói, DINK là phong cách sống đi ngược lại nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để ngăn chặn khủng hoảng dân số già. Hôm 31/5, Bắc Kinh quyết định sửa đổi luật hôn nhân, cho phép các gia đình có 3 con thay vì 2 như trước. Quyết định này nhằm cổ vũ các cặp đôi sinh nở thêm, nhưng những người như Huang thì khác. Họ chọn không có con, kể cả khi phải chấp nhận leo lên bàn mổ.

Điều đáng nói là lựa chọn này ngày càng trở nên phổ biến. Tại Trung Quốc, các công ty bảo hiểm ra mắt nhiều sản phẩm hướng đến các gia đình không muốn sinh con. Công ty môi giới nhà đất nay cũng nhắm đến những cặp đôi chưa sinh nở. Những căn phòng vốn được xây để dành cho con cái sau này, giờ được chuyển thành phòng gym tại gia.

Trên thực tế, việc triệt sản tự nguyện đối với nam giới chưa lập gia đình dường như là một điều trái đạo lý với xã hội Trung Quốc. Ở nhiều thành phố, các bác sĩ còn yêu cầu giấy chứng nhận kết hôn của bệnh nhân và sự đồng thuận của người phối ngẫu. Với trường hợp của Huang, anh đã nói dối mình đã kết hôn và có con để được làm phẫu thuật.

Các công ty mai mối tìm cách bắt cặp những người có chung quan điểm về lối sống DINK

Xu hướng kéo theo khủng hoảng

Quyết định triệt sản của Huang nhìn có vẻ cực đoan, nhưng trên thực tế các nhà nhân khẩu học từ lâu đã cảnh báo về xu hướng cặp đôi trẻ không muốn có con và là một phần nguyên do khiến cơ cấu dân số của Trung Quốc sụt giảm.

Huang có thu nhập mỗi tháng khoảng 630 USD từ nghề sửa điện thoại. Anh cho biết phần lớn lý do dẫn đến quyết định này là vì không được cha mẹ chăm sóc từ nhỏ, cùng với việc kinh tế khó khăn. Cha mẹ Huang trước kia phải đi làm xa tại một nhà máy ở tỉnh Quảng Đông, hiếm khi về thăm nhà tại Hồ Nam. Giữa Huang và bố mẹ gần như chẳng có chút kỷ niệm nào đáng nhớ, dù anh là con một.

Anh Huang (phải) là một nhân viên sửa điện thoại. Lý do anh triệt sản một phần là vì kinh tế

"Kể cả có lấy vợ và sinh con, tôi vẫn ở tầng lớp thấp của xã hội," - Huang lên tiếng, chia sẻ về quá khứ khó khăn của mình. "Rồi lúc nào đó, tôi cũng có thể phải để con ở nhà để đi làm ăn xa, giống như những gì bố mẹ từng làm. Mà tôi thì không muốn thế."

Năm 14 tuổi, Huang rời Hồ Nam lên Quảng Đông tìm việc làm. Anh phải lòng một cô gái trẻ mong muốn có con, khiến anh vật lộn khổ sở về chuyện lập gia đình. Rốt cục, họ chia tay, và đến tháng 6/2019, Huang quyết định đi triệt sản tại một bệnh viện ở Quảng Châu. Đối với anh, nó giống như một món quà sinh nhật dành cho chính mình.

Hầu hết người Trung Quốc nghe đến cụm từ "triệt sản" trong các chính sách hôn nhân gia đình trước kia - thời điểm họ còn giới hạn mỗi gia đình được có 1 con nhằm kìm hãm tốc độ tăng trưởng dân số. Khi đó, chỉ một số ít đàn ông phải triệt sản bằng cách thắt ống dẫn tinh, còn đa phần là phụ nữ phải tự lo liệu, thậm chí là ép buộc.

Chính sách 3 con vừa qua của Trung Quốc là nỗ lực mới nhất để thay đổi hậu quả từ trước, nhưng nhiều nam giới đang chủ động triệt sản hơn. Lý do nhiều người đưa ra là họ muốn san sẻ gánh nặng tránh thai với vợ mình - những người cũng theo đuổi chủ nghĩa DINK.

Anh Jiang - một huấn luyện viên thể hình (PT) 29 tuổi tại Phúc Kiến cho biết anh đã tìm cách triệt sản ở 6 bệnh viện, nhưng đều bị từ chối vì không đưa ra được chứng nhận hôn nhân và số con đã có.

"Họ từ chối phẫu thuật và bảo ’Bởi anh chưa kết hôn và cũng chưa có con, như vậy là đi ngược với chính sách hiện nay,’" - Jiang kể lại.

Tháng 3/2021, Jiang cuối cùng đã tìm được một bệnh viện chấp nhận triệt sản cho anh tại Thành Đô. Chi tiết về cuộc phẫu thuật được anh đăng tải lên một diễn đàn dành cho người theo lối sống DINK. Anh muốn thay đổi nhận thức của công chúng, vì nhiều người đang nhầm tưởng rằng thắt ống dẫn tinh giống như "hoạn", và khiến nam giới mất đi khả năng quan hệ T.D .

Người trẻ Trung Quốc sợ có con

Suốt nhiều thập kỷ, người Trung Quốc quan niệm có con là điều kiện bắt buộc, và cũng là phương kế dự phòng khi về hưu. Nhưng với việc mạng lưới an sinh xã hội rộng mở, cũng như các gói bảo hiểm đang rất đa dạng, người dân giờ có thêm nhiều lựa chọn hơn cho tuổi già.

Hiện tại, Trung Quốc có số người độc thân ở mức cao nhất thế giới - tới 240 triệu người vào năm 2018, chiếm 17% tổng dân số. Dù tỉ lệ nhỏ hơn so với Mỹ, nhưng con số này đã tăng hơn 30% so với năm 2010.

Chi phí nuôi con, tìm trường, tìm nhà... tại Trung Quốc là một sự cản trở

"Giới trẻ ngày nay quan niệm khác. Nhiều người sợ rằng con cái sẽ không chăm sóc họ khi về già, thậm chí còn sợ phải phụ thuộc. Vì thế họ chọn tiết kiệm tiền để vào một nhà dưỡng lão, hoặc mua bảo hiểm," - He Yafu, nhà nhân khẩu học tại Trạm Giang nhận định.

Trả lời New York Times, Huang (không phải Huang Yulong), sinh viên 24 tuổi tại thành phố Vô Tích chia sẻ anh đã tìm được người chung chí hướng - một phụ nữ 28 tuổi từ diễn đàn DINK. "Tôi liên tục nói với cô ấy về sự đáng sợ và chi phí rất cao khi có con đối với phụ nữ?

Một người nghe chuyện đã khuyên Huang thử đi thắt ống dẫn tinh. Tháng 11/2020, Huang làm phẫu thuật triệt sản tại thành phố Tô Châu, và anh cũng phải hỏi ít nhất 6 bệnh viện trước khi tìm được một nơi chấp nhận thực hiện.

Kế hoạch của Huang khi về già là nhập cư tại Iceland hoặc New Zealand - những nơi có an sinh xã hội mạnh. Anh cho biết mình đã tính toán: Số thời gian mà con cái có thể phụng dưỡng cha mẹ chỉ khoảng 10 năm, và cho là nó "không đáng để đánh đổi".

"Nuôi một đứa trẻ là một sự đầu tư chi phí cao mà lợi nhuận thấp," - anh thẳng thắn nói. "Vậy nên tôi nghĩ có con khá là rắc rối."

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật