Người có tài nghe âm thanh bằng... tay

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sờ vào vỏ thùng chiếc đồng hồ treo tường cổ để cảm nhận độ rung của bài Ave maria qua da là cách mà người thợ câm điếc này có thể “nghe” được âm thanh…
Người có tài nghe âm thanh bằng... tay
Ông Kiển đang “nghe” âm thanh của đồng hồ bằng cảm nhận độ rung trên da.

Đệ nhất nghệ nhân

Tra cái chìa khóa vào ổ cót chiếc đồng hồ treo tường cổ ông vặn vặn mấy vòng rồi buông tay. “Tình tính, tang tình, tình tang, tính tàng”. Giai điệu đó ngân vang khiến cho không gian bỗng chốc trở nên linh thiêng lạ thường, nét mặt người thợ già trang nghiêm như một con chiên quỳ bên tượng Chúa.

Xem Video: Người có tài nghe âm thanh bằng... tay

//

Ít ai có thể ngờ là ông bị câm điếc bẩm sinh nên không thể nghe được những âm thanh từ chính sản phẩm mình vừa sửa chữa mà chỉ là những cảm nhận bằng da, bằng mắt.

Trên tường căn nhà cổ của ông Ngô Văn Kiển ở xóm 8 xã Hải Hưng (Hải Hậu, Nam Định) treo nhiều tấm bằng trong đó có bằng ghi công vì giúp cho giáo xứ đền thánh Hưng Nghĩa. Ông chính là quản chuông của nhà thờ này chuyên làm nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa cho những quả chuông.

Một năm đôi lần ông leo hàng trăm bậc cầu thang lên cái tháp cao vút chừng 30 mét của đền thánh để tra dầu mỡ vào ổ bi, xiết ốc vít lại cho thật chặt, kiểm tra 4 quả chuông nặng hàng tấn có bị kẹt gì không. Ra hiệu cho người bên dưới kéo dây, ông ngó quả búa bên trong đập vào thành chuông có đều, đoán xem âm thanh nó “tròn” hay “méo”.

Video Player 00:0000:00Ông Kiển đang kiểm tra âm thanh của chiếc đồng hồ vừa sửa.

Mỗi lần như vậy ông phải chỉnh lên, chỉnh xuống mất chừng 3 tiếng. Chỉnh xong chuông ông lại cho hai cái đồng hồ tủ của đền thánh “ăn” dầu mỡ để chạy sao cho thật trơn tru, gõ nhạc thật vang rền, nền nảy. Không chỉ có thế, trước đây ông còn kiêm luôn việc sửa kèn cho đội ca nhạc của xứ, chỉnh đến khi người nghe thấy vừa tai mới thôi nên đến lúc chết ông sẽ được chính đội kèn này tấu lên những âm thanh tiễn biệt về với Chúa.

Đặng Văn Dũng - một chủ buôn đồ cổ có hạng ở đất Hải Hậu cho tôi hay tất cả các loại đồng hồ cổ từ cúc cu, tạ lê, tượng, treo tường, cây, tủ ông đều sửa được trong đó phức tạp nhất phải kể đến cúc cu bởi nó hợp thành cả các bộ phận hộp hơi đến cơ khí chuyển động như thợ săn đuổi theo muông thú, người nhảy múa hay là chạm cốc uống bia… Huyện có chừng 20 thợ sửa đồng hồ thì ông Kiển được xếp vào hạng nhất đã đành mà cả miền Bắc số người phục chế được đồ cổ như thế cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một chiếc đồng hồ cúc cu đang được ông Kiển sửa

10 năm là khách thành trung thành của ông, Dũng đã quen với cách giao tiếp dị thường là hỏng cái gì thì chỉ luôn vào chỗ đó. Trước những ca “bệnh nặng” nhiều thợ khác phải bỏ cuộc nhưng chẳng bao giờ ông chịu bó tay dù cho thời gian sửa có thể kéo dài lên đến 3 - 4 ngày.

Những lúc đó dù ai có khua chân, múa tay ra hiệu gì đi chăng nữa ông cũng chẳng hề bận tâm. Cơm có thể không ăn, nước có thể không uống nhưng cái điếu bát kề bên ông thì không thể thiếu, thỉnh thoảng nó lại đỏ lập lòe, mù mịt khói.

Loại đồng hồ 8 gông, 10 gông nhạc đánh thế nào chỉ cần nhìn vào khoảng cách của búa, vào độ dài ngắn của gông là ông phán đoán được một cách chính xác. Dù lành lặn, theo nghề của ông đã 20 năm nay nhưng anh Ngô Văn Khoản - người con trai thứ ba vẫn lắc đầu chào thua bố về độ kiên trì đến lì lợm.
 

Định mệnh nghiệt ngã

Tôi trò chuyện với ông qua sự trợ giúp “phiên dịch” các ký hiệu của anh Khoản. Từng trang cuộc đời thăng trầm của người nghệ nhân già được lần hồi lật mở. Lúc mới sinh cậu bé Kiển đã bị bệnh thủy đậu nặng đến nỗi rộp hết cả người, da lột đỏ au au như da cá nhàn khiến cho bố mẹ ngỡ rằng con mình khó lòng qua khỏi.

Thời loạn lạc của cuộc chiến tranh chống Pháp, mẹ ông đào một cái hầm ngay trong vườn nhà để đề phòng sự cố. Một buổi Tây càn vào làng, chọc que xăm thấy có hầm bên dưới, lệnh cho người bên dưới phải chui ra. Bà giơ con lên trước, giặc nhác trông hãi quá tưởng ma quỷ hiện hình liền xua tay không phải ra nữa.

 

Hòa bình lập lại, bà đưa con đi chữa khắp nơi nhưng cậu chỉ khỏi bệnh đậu còn điếc vẫn hoàn điếc lại kèm theo cả chứng câm nên chỉ biết khóc chứ không hề biết nói. Được cái là chăm chỉ thì không mấy ai bằng và có lắm tài lẻ từ chữa xe đạp, máy khâu đến sửa khóa, sửa đồng hồ, sửa xe máy mà toàn theo kiểu mày mò tự học chứ không có thầy, có sách.

Chuyện vãn một hồi thì vợ ông bà Đinh Thị Nhị cũng về. Tôi nhờ bà ngồi xích lại bên ông, cầm lấy tay chồng nhưng bà cười thẹn thùng cứ nhất định không chịu. Hơn 70 tuổi, đây là lần đầu tiên họ chụp ảnh chung.

Bà kể: “Nghe cha xứ giới thiệu bố mẹ tôi đã tham cái tài của ông ấy dù biết cái tật câm điếc bẩm sinh lại thêm gia cảnh nghèo nàn nữa. Hôm tôi cùng với bố mẹ đến nhà chơi thấy ông ấy cũng trắng trẻo, đẹp trai hơn nữa chăm chỉ ai cũng vun vào nên mới gật đầu đồng ý. Khi cưới chồng tôi mới chỉ 15 tuổi”.

Duyên trời sắp đặt, nhiều lúc cả nghĩ bà cũng thấy ngậm ngùi khi công to, việc lớn trong nhà đều phải tự mình cáng đáng mà không thể bàn bạc với chồng nửa câu. Nhưng ngẫm đi rồi ngẫm lại được cái ông ấy câm điếc nên không chửi mình, không chửi bố mẹ mình như bao cặp vợ chồng khi cãi vã lại còn biết thương vợ, thương con, không đánh, không tát bao giờ…

Vợ chồng ông Kiển ngượng nghịu ngồi bên nhau trong bức ảnh chụp chung đầu tiên.

Cách đây mấy chục năm khi ô tô vẫn còn là của hiếm một hôm trên đường đi cấy bố con ông thấy cái xe bị chết máy nằm lề đường, nghe bảo phải hôm sau mới có thợ trên thành phố về sửa, như mọi người họ cũng xúm lại để xem. Bác tài thấy vậy, cáu, bảo ông có sửa được không mà còn rỗi hơi đứng ngó? Ông liền xin phép mở nắp capo ra, chỉnh chỉnh, cân cân một hồi thế nào cái xe bỗng nhiên rùng rùng nổ máy.

Tài xế thấy vậy mừng quá liền tháo ngay chiếc đồng hồ đeo tay ra tạ ơn nhưng ông vẫn nhất quyết chối từ. Tiếng thơm về tay nghề của ông từ đó thêm vang dội nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Một chiếc đồng hồ khách tự mang đến sửa ông thường lấy công 200.000đ còn nếu đến tận nhà khách sửa thì 250.000-300.000đ. Tuy nhiên công việc không đều, nhiều lúc giống như đi câu cá, tháng kiếm được 2-3 triệu cũng có tháng không kiếm được đồng xu nào.

Bởi thế mà bà Nhị phải tần tảo vườn trên, ruộng dưới mới có thể nuôi nổi đàn con lít nhít trứng gà, trứng vịt tám đứa. Khi đẻ đến đứa thứ tư thì thì ông mắc chứng bướu cổ chữa khỏi được mươi năm nay lại tái phát mà không thể đụng vào dao kéo được nữa.

Khối bướu khổng lồ không chỉ co rút làm biến dạng một phần khuôn mặt của ông mà còn chèn vào dây thần kinh khiến cho một mắt cứ mờ dần, mờ dần rồi hỏng hẳn...

Trời mùa này sương mù nhiều nên nhanh sập tối. Một người hàng xóm bỗng hớt ha hớt hải tìm đến nhờ ông mở hộ cái khóa cửa sơ ý mới đánh rơi chìa. Ông vui vẻ xách đồ nghề đi theo chị. Bóng người nghệ nhân già cứ đổ dài theo con ngõ nhỏ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật