Mỹ - châu Âu: Những mong “gương vỡ lại lành”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc khủng hoảng tàu ngầm đang khiến liên minh phương Tây hai bên bờ Đại Tây Dương chao đảo. Không chỉ lên án việc “đâm sau lưng” trong vụ giành mua các hợp đồng vũ khí, châu Âu và Mỹ cũng bất đồng về mục tiêu tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trước tình hình này, có vẻ như ngay lập tức các bên đã tìm cách hòa giải để củng cố lòng tin lẫn nhau.
Mỹ - châu Âu: Những mong “gương vỡ lại lành”
Mỹ đặt EU trước sự đã rồi khi thông báo thành lập liên minh quân sự với Úc và Anh.

Mâu thuẫn và lợi ích

Cuộc khủng hoảng giành giật hợp đồng mua bán tàu ngầm giữa Mỹ và Pháp là giọt nước tràn ly khiến hai đồng minh quan trọng này trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vạch mặt nhau. Bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua, đại diện Mỹ và châu Âu đã có buổi làm việc để xác định rõ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó Mỹ mong muốn EU can dự nhiều hơn vào khu vực này.

Chuyên gia Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt tại Quỹ Fondation pour la recherche stratégique (FRS) nhấn mạnh đến việc phân vai, phân nhiệm giữa Washington và Bruxelles trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương đang trong quá trình xem xét lại. Ý đồ của Mỹ thúc đẩy NATO chống lại những tham vọng của Trung Quốc không phù hợp với những lợi ích của châu Âu, nhất là Pháp.

Ngày 10-6-2021, Tổng thống Emmanuel Macron, bên lề thượng đỉnh NATO, từng cho rằng “Trung Quốc không nằm trong vùng địa lý Đại Tây Dương”. Theo Paris, “Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không là Hiệp ước Nam Thái Bình Dương”. Do vậy, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp ít mang tính đối đầu hơn so với chiến lược của Mỹ, nhằm dàn xếp các mối quan hệ với Trung Quốc. Đối với châu Âu, đây cũng là cách để không bị rơi vào chiếc bẫy đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington. Nhưng, hướng đi này của Pháp đã bị Mỹ phản bác. Hơn nữa, trong nhãn quan của Washington, Liên minh châu Âu (EU) không là tác nhân chính trị quan trọng, do khối này thiếu sự đoàn kết và không có thế mạnh.

Nhìn từ châu Âu, việc Tổng thống Joe Biden không ngừng ca tụng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vững chắc, xúc tiến các cơ chế đa phương, tham vấn các đồng minh, các giá trị dân chủ và luật lệ quốc tế, chỉ là những lời lẽ hoa mỹ, mù mờ. Sự nhẹ nhõm có được sau thất bại của ông Donald Trump đã nhanh chóng tan biến. Tính chất thô bạo và phương pháp đơn phương hành động mà Nhà Trắng đang áp dụng đối với các đồng minh châu Âu cho thấy rõ có một sự tiếp nối từ đời tổng thống này đến đời tổng thống khác.

Theo báo Le Monde của Pháp, kể từ khi ông Biden bước chân vào Nhà Trắng, nhiều hồ sơ quốc tế mà Mỹ tiến hành đã khiến châu Âu hụt hẫng: Vụ đơn phương thông báo rút quân khỏi Afghanistan mà không tham khảo ý kiến đồng minh; duy trì lệnh cấm công dân châu Âu, dù đã được tiêm đủ 2 liều, nhập cảnh Mỹ và nhất là việc đặt EU trước sự đã rồi khi thông báo thành lập liên minh quân sự với Úc và Anh (AUKUS). Giờ đây, trong sự ngỡ ngàng, Paris tố cáo các đồng minh là “dối trá”.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trên kênh truyền hình France 2, đã có những lời lẽ gay gắt chưa từng thấy, chỉ trích nước Úc “lá mặt lá trái”, “phá vỡ niềm tin”, “khinh thường” và cho triệu hồi đại sứ hai nước Mỹ và Úc để tham khảo. “Mỉa mai thay, cơn phẫn nộ này của Pháp không làm cho Mỹ có chút động lòng và Mỹ vẫn khẳng định không đối xử tệ với nước Pháp”, tờ báo chua chát ghi nhận.

Liên quan đến việc thành lập liên minh AUKUS, liệu EU có nên tiếp tục tin vào đồng minh Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Joe Biden với khẩu hiệu “nước Mỹ trở lại”? Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian không ngần ngại so sánh quyết định của Tổng thống Joe Biden không khác gì người tiền nhiệm Donald Trump, “đơn phương, đột ngột và không đoán định được”. Ông Biden huy động đồng minh châu Âu chuyển hướng chiến lược sang Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực Trung Quốc nổi lên như một mối đe dọa cho hòa bình, ổn định trong khu vực. Cùng với Pháp, Đức cũng điều chiến hạm đến bảo vệ tự do hàng hải.

Chỉ cách đây 2 tuần, hội nghị 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Pháp - Úc còn dự kiến khả năng lính Pháp đồn trú thường trực ở Úc. Tháng 4-2021, EU cũng thông qua chiến lược chung về Ấn Độ-Thái Bình Dương do lo ngại những căng thẳng địa chính trị “tác động trực tiếp đến các lợi ích của EU”. Với thỏa thuận 3 bên AUKUS, Pháp và rộng hơn là EU, dường như đã bị gạt khỏi khu vực trọng điểm của thế kỷ 21.

Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly cay đắng cho rằng EU giờ phải “minh mẫn hơn về cách Mỹ đánh giá các đồng minh và đối tác”. Còn thông cáo của Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh đến “sự thiếu liên kết” và mâu thuẫn trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. “Washington kêu gọi đoàn kết những lại sẵn sàng gạt một đồng minh và một đối tác châu Âu như Pháp khỏi đối tác chiến lược với Úc, vào lúc chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”, thông cáo cho biết thêm.

Nỗ lực tìm kiếm cơ hội hòa giải

Trước tình hình này, ngày 22-9, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với người đồng nhiệm Mỹ Joe Biden đã diễn ra. Một thông cáo chung mang tính hòa giải rất cao đã được đưa ra, hướng tới sự tăng cường hợp tác. Sau cuộc điện đàm trên, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông Josep Borrell tuyên bố “Chúng ta phải củng cố niềm tin xuyên Đại Tây Dương”, tương tự như khẳng định trong thông cáo của hai tổng thống.

Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borell họp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ngày 22-9.

Theo hai vị nguyên thủ quốc gia, hành động của Pháp và EU ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược. Vì thế, đối với châu Âu, cần tích cực tranh thủ tuyên bố này. Thứ nhất, bởi vì các nước châu Âu đã quyết định thành lập một mặt trận chung với Pháp: sau một vài ngày tránh né, giờ đây họ tin rằng mối liên kết xuyên Đại Tây Dương nhìn chung đã suy yếu. Thứ hai, bởi vì mối quan tâm của EU là đầu tư vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi đang trở thành trọng tâm mới của thế giới. Và, liên minh AUKUS đã được công bố ngay trước hôm Bruxelles công bố chiến lược ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước EU hiện giờ hy vọng có thể được kết nối với các sáng kiến của Mỹ trong khu vực này.

Pháp nói riêng và châu Âu nói chung liệu có thể có được một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà không cần Mỹ? Theo chuyên gia Antoine Bondaz thuộc FRS, Bruxelles không thể theo đuổi một chiến lược tại khu vực này mà không có Mỹ, cũng như Úc. Nhưng, Pháp và EU cũng không phải là đồng minh hàng đầu của nhiều nước trong khu vực như Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, do các quốc gia nói trên phải đương đầu trực tiếp với mối đe dọa Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà EU có thể làm là tăng cường quan hệ với một số quốc gia như Hàn Quốc và Indonesia, vốn không nằm trong tuyến đầu của thế đối kháng với Trung Quốc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật