Người làng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xuống xe, cây tường vi đầu ngõ nở rực rỡ đón chào. Mấy con bướm dập dờn khoe cánh. Ông vừa hạ mấy tấm toan tranh khỏi xe tắc-xi thì có tiếng chào.
Người làng
Ảnh minh họa

“Ôi bác Hảo về đấy ạ. Bác để cháu khuân vào cho ạ”. Là thằng Thành con nhà Đoán. Ông chỉ kịp nói “tốt quá” thì Thành đã phăm phăm mang đồ vào nhà. Ông khoác lên vai chiếc ba lô rồi thong thả bước. Phía sau có người phi xe máy vút qua, chào. Ông Hảo không nhận ra giọng khê đặc đó là của ai. Thành đặt ngay ngắn toan, rồi xin phép đi. Ông Hảo níu: “Bác cảm ơn cháu. Cháu ở lại uống nước đã”. Thành xin phép đi. Thành vừa đi thì bố của Thành đến, tóc cháy xém, mặt đen đúa nhưng hai cánh tay mũm mĩm vung. Ông Đoán, người mà ông Hảo cũng chả thích, dù ngày nhỏ chơi thân. Ông Đoán thong thả ngồi xuống ghế, xởi lởi:

- Lâu lắm chả thấy ông về nhể? Chắc nhiều việc lắm! Mà cũng dịch dọt thế này…

Em trai ông Hảo pha trà ủ hoa nhài, thơm phức. Ông Hảo rót mời khách.

- Tôi cũng nay đây mai đó. Chả cố định an cư. Ngẫm ra, cũng chả có gì sướng.

Nhấp một ngụm trà nhỏ, e chừng nóng quá, ông Đoán đặt cốc xuống, nói:

- Mà độ này chắc ông vẽ nhiều lắm. Lần này về ông vẽ về làng ta đi.

Nhắc đến quê hương, ông Hảo lặng đi, như thể vừa chạm vào một điều gì đó khó nói lắm. Ông cười trừ, nâng cốc trà, nhấp một ngụm. Soi lại lòng mình, đúng là ông chưa bao giờ vẽ một bức tử tế về làng. Trước đây ông từng vẽ, nhưng đó chỉ là những phác thảo nho nhỏ của thời tuổi trẻ, gắn với một vài kỷ niệm đứt gãy và mờ ảo. Nay ông là họa sĩ nổi tiếng, tâm thế đã rất khác khi thế giới muôn màu ngoài kia thấm vào. Một lần, cách đây chục năm gì đó, ông cũng đã bắt tay vẽ một bức sơn dầu về cánh đồng làng, nhưng cảm hứng bay đâu mất, bức tranh vẫn dở dang. Sau đó ông dùng màu phủ lên phông, xóa, vẽ thành bức khác. Trong khi ông điền dã nhiều nơi, vẽ đất khách quê người hàng chục bức phong cảnh. Bức nào cũng mĩ mãn, tâm huyết. Còn quê hương, với ông là một khoảng trống.

- Bác Hảo đi muôn nơi, chứ quê thì quan tâm gì. Mỗi lần về chỉ chốc lát rồi đi luôn, không kịp gặp gỡ họ hàng. Đất đai, ruộng vườn, may mà có hàng xóm…

Ông Thật bỏ lửng câu nói, dù chẳng có ý giày vò anh trai, nhưng cũng khiến ông Hảo lạnh người. Nghe em trai nói, ông nghĩ đó là lời trách móc xoáy sâu tâm can. Mắt ông Hảo rơm rớm. Ông Thật bỗng nói hay bất thường:

- Tường quây khu đất của bác, chỗ giáp với bác Đoán năm vừa rồi bị đổ, bác ấy xây lại giúp kiên cố rồi. Ngôi nhà bỏ không của bác năm ngoái em kiểm tra, phát hiện bị dột nặng, cũng nhờ bác Đoán và con trai đảo ngói giúp để khỏi xuống cấp. Mà giúp không hề đòi hỏi. Đó mới thật là hàng xóm tốt. Chứ em tàn tật thế này, làm gì được đâu.

Là thương binh nặng, mất một tay, sinh hoạt khó khăn, ông Thật còn nhiều vất vả nhưng vẫn gắng cho hai người con học hành. Vợ chồng ông ở nhà chăm sóc mẹ - cụ Thi. Cụ Thi tuổi gần chín mươi, tính tình xởi lởi nên ai cũng quý. Quý nên những việc nặng nhọc và khó như xây tường, sửa nhà, tỉa cành cây đều được giúp đỡ. Sau những lời gan ruột của em trai, ông Hảo trân trân nhìn ông Đoán, đẫm màu xấu hổ. Một người bạn bao năm vẫn chất phác. Vậy mà ông Hảo còn hậm hực, thậm chí coi thường, không thèm gặp bạn. Ông Hảo còn ghét một vài người. Sự khinh ghét nảy thành những cây leo khinh miệt, lây sang những người khác nữa. Họ nói năng bốp chát, dài lê thê, có lúc tục tằn. Ông thấy dị ứng. Xa cách hàng xóm dần dần xa cách cả quê hương.

- Cảm ơn ông Đoán nhiều nhé!

Trong tâm khảm ông Hảo, một sự bất ngờ dồn ứ rồi bật ra, vừa gượng gạo, vừa đầy hàm ơn.

- Có gì đâu - ông Đoán cười, xua tay - chúng ta là hàng xóm, anh em mà. Bao nhiêu năm nay, chúng ta phải che chở cho nhau, dựa vào nhau. Đấy, bọn trẻ cứ lớn lên, rồi đi ra ngoài tuốt, sau này cũng chỉ đám người già cổ lỗ như chúng ta ở với nhau.

Lòng ông Hảo như có nhiều vết thương lắm, quặn lên, vón cục lại. Như thế thì ông thua đứt ông Đoán rồi. Người ta bao năm chỉ quanh quẩn ở quê, vậy mà vẫn đầy vị tha, chẳng để bụng chuyện cũ. Còn ông khư khư ôm chuyện quá khứ. Quá khứ thì mờ ảo và khó phân biệt đúng sai. Ngày xưa ở làng, ông Hảo và ông Đoán cùng thích bà Dược. Đường Xoan dẫn ra đê trồng xoan thành chốn hò hẹn. Ở đó nhiều gió và trăng rất sáng. Ông Hảo tự tin sẽ lấy được bà Dược. Nhưng bà Dược yêu và lấy ông Đoán, làm vợ ông đến giờ. Bà nể sự lãng mạn của ông Hảo, cũng có một chút rung động. Nhưng bà chỉ được chọn một. Bao mùa hoa êm đềm đã nở vào những ngày hội êm đềm, mà lòng ông Hảo từ năm đó nổi bão. Ông Hảo hậm hực từ ngày đó. Hận, ghét, oán. Sau này ra phố, lấy vợ nghề nghiệp đàng hoàng ông vẫn không quên chuyện cũ. Cách đây hơn chục năm, ông Đoán muốn mở rộng ngõ để tiện đi lại, hai lần cất lời xin ông Hảo để lại bốn mươi phân đất, chiều dài hai mươi mét, nhưng không được chấp thuận. Sau này ông Thật thuyết phục anh trai, ông Hảo bực mình, quát: “Chú muốn làm gì thì làm”. Nể tình làng xóm, ông Thật giấu anh cắt đất cho ngõ ông Đoán rộng ra. Về quê biết chuyện, ông Hảo mặt nặng mày nhẹ, gằn giọng mắng em trai, cũng tránh mặt ông Đoán.

* * *

Cụ Thi đi chơi dưới xóm lẻ về. Nghe tiếng chuyện trò, cụ đoán là con trai cả. Cụ vồn vã:

- Ông nhớn về rồi đây. Có đưa vợ con về không?

Bao năm qua, cụ vẫn tếu táo gọi con trai cả là “ông nhớn”. Cụ lấy thế làm vui và tự thấy đời mình chẳng đến nỗi. Cuộc sống lúc nào cũng vui vẻ. Hai con và khách chào xong, cụ chào lại khách rồi ngồi xuống cạnh ông Hảo. Cụ chìa ra cái túi có đựng lọ thuốc bóp, khoe:

- Đây này, cụ Nhiều bóp hiệu quả lắm, bảo tôi cầm về bóp vào cánh tay hôm nọ trượt chân ngã, va vào cành cây. Làng xã tốt tốt là, quan tâm đến nhau lắm lắm!

Lại nhắc đến chuyện người làng quan tâm nhau, cụ Thi nhìn ông Đoán, rồi quay sang con trai:

- Phúc đức nhà ta vì có những người tốt như bác Đoán đấy, ông nhớn ạ. Con đi xa, vợ chồng nhà Thật thì cứ phải chạy chợ, ở nhà không trông vào bác Đoán thì chết.

- Mẹ, mẹ ngã thế nào? - Ông Hảo hốt hoảng - Có nặng lắm không?

- Không sao - cụ Thi lắc đầu - Sơ sơ thôi! Với lại, có nặng thì trong tình làng nghĩa xóm khăng khít, cũng nhẹ đi. Đấy, hôm đó ngã, người làng đến nhà hỏi thăm đông ơi là đông, như thể hệ trọng lắm. Gớm, cứ là nhẹ hết cả người! À, mà sao không bảo mẹ con nó về. Dù sao nơi đây cũng là quê chồng, còn có tôi ở đây, mồ mả các cụ ở đây.

- Nhà con với lại cháu bận mẹ ạ!

Mẹ già hào hứng kể tình làng, ông Hảo mắt chữ a, mồm chữ o. Ông thấy mình như đã xa lâu lắm chu‌yện tìn‌h cảm mộc mạc, không được tắm trong bầu sinh quyển mát lành của tình người, ở đó người này quan tâm đến người kia. Từ chuyện cỗ cưới, đám hiếu, con đỗ đại học, bán được đàn gia súc béo đều chia vui. Ra đường người dân bỗ bã hỏi thăm, bắt tay nhau xoắn quyện. Người già ngồi đánh cờ, chuyện trò trên trời dưới biển cả ngày không chán. Ông đi xa, đôi khi đến những thành phố phương nam vài tháng. Đi nhiều nên học được cái mới lạ. Đi nhiều nên tiếp xúc, gặp biết bao người, xấu-tốt, trơ trẽn, lợi dụng, lưu manh... Ông cũng sống nhà mặt đất, ở chung cư, nhưng láng giềng lạnh nhạt, về đến nhà ai nấy cửa đóng then cài. Đâu có chuyện người ốm được hàng xóm đến hỏi thăm vồn vã như ở quê nhà. Đâu có chuyện một cốc nước chè, nước vối cũng có nhau. Người vợ thứ hai của ông đặc một màu lạnh nhạt, không giao lưu hàng xóm, thậm chí chẳng thèm hỏi han sức khỏe người thân, mẹ già của ông. Nhắc thì bà mặt nặng mày nhẹ: “Chuyện ai người đó lo”. Vậy thì còn đâu ấm áp tình thâm. Lâu dần ông cũng lạnh nhạt với vợ, ít quan tâm đến gia đình vợ, có lúc vô cảm trước tin nhạc phụ, nhạc mẫu ốm. Ngay như lần này, ông lên kế hoạch cho cả vợ và con trai về, nhưng không được hưởng ứng. Chuyện chủng chẳng giữa hai vợ chồng đôi khi khiến ông mệt. Có lúc ông định buông, nhưng nghĩ thương hai con, một trai một gái. Thằng con trai đã đói quê hương, tâm hồn nhiều vết thương. Nó cũng yêu, hy vọng rồi bị phản bội. Lúc khổ đau nó ngồi rũ như cây dưa héo.

Tiếng ông Đoán kéo ông Hảo về thực tại. Ông Hảo quay sang:

- Tôi xa quê, lại ít về, đúng là có lỗi với mẹ tôi, với anh em, láng giềng. Xa quê lâu quá thành ra lạc hậu. Tôi không ngờ người làng mình còn giữ bao nết ăn nếp ở đẹp đến vậy. Có ông Đoán ở đây, cho tôi xin lỗi, vì có những lúc không phải với ông!

Lòng ông Đoán được giải tỏa. Người nông dân cả đời bám góc làng như ông thốt lên những mỹ từ khiến tất cả nhẹ lòng:

- Không. Có gì đâu mà ông xin lỗi. Chúng ta lớn lên bên nhau, có biết bao kỷ niệm đẹp thời thơ ấu và thời thanh niên đi tán gái. Rồi đi bộ đội, tôi lại cùng đơn vị chiến đấu với chú Thật. Ăn rừng ngủ bụi, hành quân dưới mưa bom bão đạn cùng nhau. Chú Thật hai lần cứu tôi thoát chết. Tôi nặng ân tình với hai anh em ông. Đúng là chẳng gì bằng tình cảm. Tình cảm đã xui khiến chúng ta tụ lại, gần nhau, biết giúp đỡ nhau. Chỉ có tình cảm mới lâu bền và khiến chúng ta thoải mái, cụ Thi và hai ông ạ!

- Bác Đoán nói ấm áp quá - cụ Thi làm động tác như vỗ tay - Chả biết thiên hạ người ta giàu có đến đâu, nhưng làng ta cứ gặp nhau tay bắt mặt mừng đã. Tết nhất thì nhà này đi sang nhà kia, gớm là cứ vui đáo để. Bao nhiêu năm qua, nghe nói ở nhiều nơi đã nhạt rồi, nhưng làng ta thì không. Cổ thụ làng ta vẫn còn nhiều, di tích nguyên vẹn, nhà thờ thành hoàng làng đẹp mỹ mãn. Hay vì thế, văn hóa làng vững, nhỉ?

Cuối chiều ông Đoán rủ ông Hảo xuống ao nhà tắm. Sau mấy chục năm ông mới lại tắm ao. Khuây khỏa. Mát lành. Lúc trở lên, thấy tinh thần thật sảng khoái. Cây khế ngoài sân lích chích tiếng chim về tổ. Qua nói chuyện với ông Đoán, ông Hảo tự thấy mình hẹp hòi.

* * *

Biết ông về, ông Thoan ở xóm ngoài đưa con gái mười hai tuổi đến hỏi thăm, nhờ ông tư vấn vì con gái mê vẽ. Ông cũng mang sang “cây nhà lá vườn” là con gà trống, ít rau thơm sang tặng. Ông Thoan hoàn toàn không e dè, nhưng ông Hảo có chút ngài ngại. Ngày xưa, ông Hảo đi xe máy về làng, va vào con trai ông Thoan đi đường nên hai người xích mích. Ông Hảo nhớ rõ, thật ra ngày đó ông có lỗi, còn to tiếng, tỏ ra bực dọc. Hẳn ông Thoan cũng chưa quên, thế mà giờ vẫn thân thiện đến tìm, chứng tỏ ông không muốn chuyện cỏn con ấy làm ảnh hưởng. Trong thâm tâm, ông Hảo mừng vì làng có cháu gái mê hội họa.

- Cháu gái xinh xắn quá! Đam mê nghệ thuật và theo nghề bao giờ cũng vất vả lắm đấy. Sau này bố cứ cho cháu thi vào mỹ thuật ứng dụng. Cái đó xã hội đang rất cần. Còn thích vẽ tranh thì ta cứ vẽ.

- Vâng. Ông cứ tư vấn giúp. Sau này có gì nhờ ông hướng dẫn cháu với.

Trong lúc ngồi nói chuyện thì cụ Bịch, cụ Thỏa biết ông Hảo về cũng đến chơi. Bộ bàn ghế bằng lũa đơn giản, ông Thật kê dưới gốc nhãn cổ thụ, trở thành điểm tụ họp vui nhộn. Dưới những gốc cổ thụ làng, chỗ nào chẳng có thể là nơi tụ họp. Từ những đứa trẻ đến các cụ già. Nghe mọi người kể chuyện tếu, chuyện làng, trong lòng ông Hảo nảy lên một ý tưởng vẽ tranh tuyệt đẹp. Chẳng phải điền dã đâu xa. Ông cứ vẽ về cái mộc mạc, giản dị, lối sống giàu tình của mảnh đất này cũng đủ đầy xúc động, có một gia tài. Đêm đó ông Hảo cùng mấy người đi lại đường Xoan. Đường vẫn như xưa nhưng lứa xoan thời thanh xuân của thế hệ ông Hảo đã được khai thác lấy gỗ. Lứa mới xen canh, giờ to bằng bắp chân. Ông Hảo ước, giá mình đừng tự chặn lối về, để có thể gặp lại những điều tuyệt vời này suốt những năm qua.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật