“Làng biệt thự ma” ở Măng Đen

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khu du lịch Măng Đen (trung tâm huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) thời tiết mát mẻ và bạt ngàn rừng thông, từng được ví như Đà Lạt thứ hai ở Việt Nam. Măng Đen cũng được kỳ vọng là thiên đường du lịch nghỉ dưỡng ở nam Tây nguyên khi giới đầu tư các nơi nhộn nhịp lên xây cất biệt thự cách đây gần chục năm trước.
“Làng biệt thự ma” ở Măng Đen
Biệt thự xây xong cũng không khai thác được, bỏ hoang, không người trông coi -V.Hùng

Chỉ trong hai năm 2006-2007, hơn 200 nền đất biệt thự của huyện Kon Plong được những người ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Gia Lai, Quảng Ngãi... mua xây biệt thự để đón đầu dòng khách du lịch ùn ùn đổ về đây.

Hoang tàn...

Những ngày đầu tháng 6, khi đồng bằng nắng 38-40oC, khô hạn thì Măng Đen ở độ cao gần 1.200m so với mực nước biển tiết trời mát dịu, nhiệt độ ban ngày dao động 20oC. Trên các con đường nhựa thẳng tắp dẫn vào các điểm du lịch như thác Pa Sỹ, hồ nước xanh trong vắt Toong Đam, hai bên san sát rừng thông và hoa sim bắt đầu nở.

Cái nắng không xuyên nổi rừng thông cao và những con đường cứ trải dài dưới bóng mát. Các phòng công sở UBND huyện Kon Plong không phòng nào lắp máy điều hòa, cũng không buồn sử dụng quạt máy khi từng làn gió mát từ rừng thông thốc thẳng vào phòng.

Dọc quốc lộ 24 qua khu du lịch Măng Đen, ẩn sau các hàng cây thông cao chót vót là những ngôi biệt thự kiến trúc rất đẹp, hoành tráng nhưng hoang phế, trải dài cả chục kilômet. Các biệt thự nằm san sát nhau, xen lẫn giữa rừng thông thơ mộng, không một bóng người chăm coi, tu sửa.

Phần lớn biệt thự theo kiến trúc Pháp, từ 3-4 tầng, mỗi tầng bố trí 3-4 phòng ngủ và đều có không gian chung sinh hoạt cho khách. Các phòng sắp xếp ở bốn hướng đều có cửa sổ để nhìn ra rừng thông. Ở các biệt thự đã xuống cấp, những mảng tường bám đầy rêu hoặc nứt nẻ, mái bể, dột. Bên trong các biệt thự ngổn ngang, những thanh gỗ bắt đầu mục không đỡ nổi mái ngói nặng chực chờ sụp xuống...

Chị Hoa, người bán nước giải khát ở đây nhiều năm, kể cách đây chục năm, Măng Đen còn hoang sơ, mỗi ngày hàng chục ôtô đủ biển số quần quanh khu này. Họ vào quán nước bàn bạc, người thì làm thủ tục mua đất, người khác thì săm soi từng vị trí đất, chọn thiết kế, rồi công nhân xây dựng cùng hàng đoàn xe chở vật liệu tấp nập đến Măng Đen, khiến cả vùng này náo động hẳn lên.

“Chỉ hơn một năm, cặp quốc lộ 24 và một số khu vực xung quanh, hàng chục hecta rừng thông già đã nhường chỗ cho những móng nhà biệt thự tua tủa sắt mọc lên. Chủ nhà nói giọng miền Nam, giọng miền Bắc, giọng miền Trung cùng gia đình hằng tuần đi ôtô lên Măng Đen du lịch và theo dõi việc xây cất biệt thự.

Đủ thứ dịch vụ cũng được người dân Măng Đen mở ra làm ăn, không khí phấn chấn, kỳ vọng về thiên đường du lịch nườm nượp du khách đổ về trong nay mai” - chị Hoa kể tiếp.

Thế nhưng đến năm 2008, 2009, khi những căn biệt thự sắp hoàn chỉnh thì “nhiệt độ” xây dựng ở Măng Đen hạ xuống nhanh chóng. Một người dân tại đây nhớ lại, chủ biệt thự thưa dần việc lên Măng Đen, nhiều căn biệt thự bắt đầu dừng xây dựng giữa chừng và dần dần Măng Đen trở lại với trước đó: yên tĩnh, rì rào dưới rặng thông xanh.

“Tôi nghe nói khủng hoảng kinh tế gì đó, làm ăn khó khăn nên các chủ biệt thự không bỏ tiền ra làm tiếp. Hơn nữa, các khách sạn xây trước đó cũng không có đủ khách thuê phòng thì biệt thự xây thêm để làm gì. Dân ở đây gọi là khu biệt thự ma bởi nó hoang tàn cả chục năm rồi” - người dân này nói.

Ông H., một doanh nhân ở Sài Gòn, xây một lúc bốn căn biệt thự ở Măng Đen, tâm sự: “Năm 2007 tỉnh, huyện giới thiệu và có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào đây, lại thêm vùng đất mới không thua gì Đà Lạt nên hi vọng sẽ phát triển du lịch, tôi mới bỏ tiền làm biệt thự kinh doanh.

Làm rồi mới thấy đường đến Măng Đen giao thông quá xấu, trắc trở, dân cư lại thưa thớt nên xây nửa chừng tôi dừng lại”. Nhưng phóng lao phải theo lao, đến năm 2011 ông H. xây lại và năm 2012 thì xong bốn biệt thự với số tiền hơn 10 tỉ đồng. “Giờ phải bỏ tiền thêm để hoàn chỉnh và sẽ tìm khách hoặc chuyên gia làm ăn trên này cho thuê lại để ở” - ông H. hi vọng.

Những ngày lang thang ở Măng Đen, thi thoảng chúng tôi gặp một vài khách nhưng là khách vãng lai, người đi làm dự án, cuối tuần mới có vài đoàn khách ở Kon Tum, Quảng Ngãi lên Măng Đen du lịch.

Mờ mịt lối ra

Theo ông Đỗ Văn Khánh - cán bộ Phòng tài nguyên và môi trường huyện Kon Plong, trước đây Măng Đen được quy hoạch kỳ vọng trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của tỉnh. Vì thế huyện có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư, thông thoáng trong cấp phép xây dựng... nên thu hút nhiều nhà đầu tư trong cả nước, chẳng ai tiên liệu sẽ như hiện nay.

Xót xa tiền của đổ vào hàng trăm căn biệt thự, lại mất mỹ quan, phức tạp..., ông Lê Xuân Long - trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Kon Plong - cho hay huyện đã nhiều lần gửi văn bản đôn đốc các chủ biệt thự xây dựng hoàn thành công trình để khai thác nhưng cũng rất nan giải, chưa có chuyển biến gì.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Kon Plong, huyện đã bán và giao cho các chủ đầu tư 204 nền biệt thự, nhưng hiện có 60 nền đất chưa xây dựng hoặc mới làm phần móng, số còn lại xây dở dang hoặc đã xây xong.

Theo quy định của huyện Kon Plong, chỉ những căn biệt thự xây dựng trên 50% mới được cấp sổ đỏ, dưới mức đó thì huyện không cấp. Ông Đỗ Văn Khánh cho biết hiện huyện Kon Plong đã thành lập tổ công tác để vào TP.HCM, ra Hà Nội, xuống Đà Nẵng gặp gỡ các chủ biệt thự, lắng nghe tâm tư, ý kiến và khả năng của họ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh việc xử lý, hoàn thiện các căn biệt thự dở dang.

Ông Đỗ Văn Khánh cho rằng sau khi rà soát thì những nền đất chưa xây dựng huyện sẽ mời các chủ đầu tư đến làm việc, cam kết thời hạn xây dựng, quá thời gian cam kết mà chưa triển khai sẽ thu hồi.

Ông Khánh cho biết trong các quyết định giao đất, hợp đồng bán đất, huyện có điều khoản ràng buộc thời gian triển khai xây dựng. Khi họ vi phạm thì buộc phải thu hồi đất để sử dụng hiệu quả hơn, giao cho nhà đầu tư có năng lực tài chính.

Với những biệt thự đang xây dở dang, huyện sẽ giới thiệu người có nhu cầu thuê lại hoặc hợp tác đầu tư để hoàn thành công trình, đưa vào kinh doanh du lịch. Nếu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thành biệt thự, tổ công tác xúc tiến đầu tư của huyện sẽ giới thiệu khách hoặc thuê lại biệt thự để đưa vào kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng. Việc quản lý, khai thác và chia lợi nhuận do hai bên tự thỏa thuận.

Tuy nhiên theo ông Khánh, hiện phương án giải quyết hàng trăm căn biệt thự ở Măng Đen phụ thuộc phần lớn vào các chủ biệt thự. ■

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật