Cô gái Thái Bình và tâm sự nhói lòng về người mẹ... bán cá

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có nhiều người ngại khi được hỏi về nghề nghiệp của ba mẹ mình còn tôi thì không, tôi tự hào và luôn ngẩng cao đầu mà dõng dạc chia sẻ về nghề của mẹ mình mặc dù mẹ tôi chỉ là… người bán cá ngoài chợ.
Cô gái Thái Bình và tâm sự nhói lòng về người mẹ... bán cá
Nhờ nghề bán cá ngoài chợ mà mẹ tôi nuôi anh em tôi khôn lớn, ấy vậy mà đã có lúc tôi... ghét mẹ. tôi thật là một đứa con hư phải không? (Ảnh minh họa)

Xã hội này có trăm nghề kiếm sống khác nhau, có người lao động trí óc, có người lại lao động tay chân và dù làm nghề gì đi nữa, chúng ta đều luôn tự hào về mẹ của mình. Miễn sao đó là nghề minh bạch không vi phạm Pháp Luật, kiếm được đồng tiền bằng chính công sức bỏ ra thì nghề nào cũng đáng tự hào cả. Và tôi cũng vậy, tôi luôn tự hào và yêu thương người mẹ đã hi sinh vì tôi rất nhiều dù bà chỉ là… người bán cá ngoài chợ.

Tôi sinh ra ở một miền quê ven biển Thái Bình, cuộc sống gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng và nghề đi biển của bố mẹ. Những nghề này để làm giàu được thì quả là một chuyện rất khó và cực nhọc. Huống chi nhà tôi lại khá đông anh em bởi vậy gánh nặng như đè thêm trên đôi vai gầy của bố mẹ, nhìn họ có vẻ già hơn tuổi rất nhiều so với những người cùng tuổi khác, có lẽ là vì bao nỗi lo toan bộn bề của cuộc sống hàng ngày. Những ngày hết mùa màng, con nước lớn bố tôi theo mấy chú, mấy bác ra ngoại tỉnh để làm thợ xây có tiền chi trả thêm cho mấy đứa học hành. Vậy là mọi việc lớn nhỏ trong gia đình mẹ tôi đều là người gánh hết. Ấy vậy mà có lúc tôi thật vô tâm, đã có lúc không thấu hiểu mẹ và đã có những khi tôi… tôi ghét mẹ.

Xem Video: [Clip Cảm Động] Rơi nước mắt với tình cảm mẹ con

//

Cái nghề đi biển cào ngao cũng chẳng kiếm được bao nhiêu nên mẹ tôi chuyển sang nghề bán cá. Mỗi buổi sáng mẹ tôi đều phải dậy từ rất sớm để tới bến cá sớm nhất có thể, như vậy mới mua được mẻ cá ngon, tươi nhất rồi đóng thùng chất lên xe chở về chợ để kịp bán phiên chợ sáng. Mẹ tôi… luôn lôi thôi trong mấy bộ đồ cũ mặc đi mặc lại mặc dù nó đã bạc phếch cả rồi, có nói mẹ thì mẹ cũng chỉ cười xuề xòa rằng đi bán cá thì mặc đồ đẹp làm gì, mùi cá cũng ám hết ấy mà. Quả thực là như vậy người mẹ tôi mỗi lần đi chợ về là toát ra thứ mùi cá tanh khiến tôi thấy khó chịu. Còn một chuyện khiến tôi hay cau có với mẹ đó là mâm cơm hầu như lúc nào cũng có cá, đủ các món cá biến tấu nhưng tôi đã quá phát ngán với các món cá của mẹ rồi.

Đỉnh điểm là đến một hôm trường tôi có tổ chức một cuộc thi và yêu cầu là mời phụ huynh tới tham dự, tôi có nói với mẹ về chuyện này, mẹ tôi nói lớn mà gạt đi: Đi cái gì mà đi, rồi cá ngoài chợ ai bán, không bán thì lấy tiền đâu ra mà lo cho mấy miệng ăn. Lúc đó cái bản tính nóng nảy vốn có của tôi đã bộc phát, tôi có nói lớn với mẹ: Mẹ không thể bỏ chợ một hôm sao? Còn nữa bữa cơm suốt ngày cá, suốt ngày mẹ lôi thôi bận bồ đồ cũ mẹ có thể thay đổi một chút được không?

Lúc đó anh trai tôi đã đứng lên và tát tôi một cái thật mạnh, anh… quát lớn: Mày làm sao dám vô lễ với mẹ như vậy! Mày có biết mẹ cực khổ như thế nào không? Tôi trợn mắt nhìn anh, làm sao anh lại tát tôi? Đứa em gái mà anh yêu quý nhất, từ nhỏ đến lớn bố mẹ cũng không nặng lời với tôi, cũng không đánh tôi vì sợ mỗi khi tôi khóc cơn hen lại bộc phát, tôi lại cảm thấy khó thở. Ngày hôm đó tôi đã khóc lớn và bỏ vào giường trùm chăn kín mít mà khóc, có lẽ mẹ sợ bệnh của tôi tái phát nên đã nói anh vào xem.

Anh trai tôi chỉ hơn tôi một tuổi, hồi đó anh học lớp 8 còn tôi học có dưới anh một lớp, ấy vậy mà anh lại là người trưởng thành trong suy nghĩ rất nhiều, không bốc đồng và trẻ con như tôi. Có lẽ là do tôi ỷ vào căn bệnh của mình mà được chiều chuộng nhiều quá nên luôn nghĩ mình là nhất, chẳng cần để tâm đến những điều xung quanh, luôn muốn mọi thứ theo ý mình. Anh tôi vào giường lay tôi dậy và bảo dậy ăn cơm không đói, anh xin lỗi vì đã đánh em nhưng càng được dỗ tôi lại càng được đà trùm chăn kín mà khóc to hơn.

Anh nói rằng: Chúng ta còn nhỏ chưa giúp đỡ nhiều được bố mẹ thì cũng đừng làm bố mẹ phiền lòng, em biết không mẹ luôn ăn mặc lôi thôi bởi vì mẹ muốn dành dụm tiền mua cho chúng ta bộ quần áo mới, sắm cho chúng ta đầy đủ dụng cụ học tập cho bằng bạn bằng bè. Còn bữa cơm lúc nào cũng có cá đó là những con cá tươi ngon nhất, to nhất mẹ luôn để phần dành nấu cho mấy đứa ăn chứ không phải là những con cá “ế” cuối chợ mẹ mới mang về nấu. Bố đi làm xa mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều một tay mẹ lo hết, những áp lực có thể khiến mẹ hay bực bội, nổi cáu với anh em mình nhưng em biết đấy mẹ mình thực chất không phải là người thô lỗ như người ta vẫn nói “mấy bà bán cá mồm to oang oang cả cái chợ”. Nghe anh nói tôi cũng thấy xuôi xuôi, lúc ấy mới thấm cái lỗi của mình là đã quá bốc đồng, quá trẻ con. Chỉ im lặng, nín khóc rồi chìm dần vào trong giấc ngủ. Tôi mơ màng cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay mẹ vuốt nhẹ mái tóc của tôi, lấy khăn ấm lau những giọt nước mắt làm lem nhem trên khuôn mặt. Tôi giả vờ như không biết, oằn người, giẫy qua giẫy lại và lại giả vờ ngủ.

Bữa cơm toàn cá không phải là cá "ế" cuối chợ như tôi nghĩ, ấy vậy mà tôi không hiểu cho mẹ (Ảnh minh họa)

Cuộc thi được nhà trường tổ chức ấy tôi nghĩ là mẹ sẽ không tới, cứ đinh ninh là như vậy nhưng thực chất trong lòng vẫn ngóng đợi mẹ đến. Và rồi thật bất ngờ mẹ xuất hiện trong một bộ đồ tươm tất, bình thường, giản dị nhưng không còn mùi cá nữa. Mẹ đến và ngồi cạnh tôi, có lẽ chưa bao giờ tôi quan sát mẹ kỹ như ngày hôm ấy. Bàn tay mẹ nắm lấy tôi rất chai sạn, thô ráp, làn da nâu sậm như gánh bao cái nắng qua bao nhiêu mùa. Gương mặt của người mẹ làm nghề biển in hằn những vết nhăn, vết đồi mồi và đương nhiên là già hơn so với tuổi, so với những người mẹ làm công việc an nhàn khác. Ngày hôm ấy mẹ tôi đã nghỉ một buổi chợ, đã chở tôi về trên xe cũ kỹ chưa kịp rửa yên xe mùi cá vẫn còn rất nồng. Mẹ nói: Mẹ xin lỗi đã lớn tiếng với con, mẹ xin lỗi vì không được tươm tất như những người mẹ khác khiến đôi khi con phải xấu hổ, mẹ xin lỗi vì nghĩ rằng cá nhiều dinh dưỡng tốt cho sự phát triển của các con, các con sẽ thông minh hơn, học tốt hơn, vì mẹ hành động theo cảm tính không hiểu con thực sự thích gì. Tôi chẳng biết nói gì mà chỉ tựa đầu vào sau lưng mẹ, cảm nhận hơi ấm từ tấm lưng gầy đã chịu bao vất vả ấy.

Thời gian như thoi đưa trôi đi rất nhanh, cho đến ngày tôi trưởng thành đỗ được vào một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Tôi rời miền quê vùng biển lên thành phố lớn để tiếp tục theo đuổi ước mơ tôi đã đề ra và tôi xa mẹ, xa người mẹ quanh năm vất vả với nghề bán cá, tự nhiên tôi lại thèm được ngửi thấy cái mùi quần áo lôi thôi của mẹ lẫn trong cái mùi cá tanh. Tôi lại thấy thương mẹ biết bao, thương những sáng sớm khi mẹ chưa ngủ đủ giấc đã phải dậy để đến chợ cá sớm, thương tấm lưng mỏi nhừ vì phải cúi nhặt nhiều. Và giờ đây khi tôi đã lớn nhưng chưa thể tự lập được, mẹ vẫn là người bán cá để có thể lo chi phí trang trải cho tôi học hành. Vẫn nuôi tôi và mơ ước cho tương lai của tôi bằng những đồng tiền tanh mùi cá. Giờ đây khi đã đủ khôn lớn tôi tôi mới thực sự thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ, đã biết được những sốc nổi của những ngày trẻ con làm mẹ buồn đến nhường nào.

Tôi yêu mẹ, dù mẹ làm nghề gì đi chăng nữa mẹ vẫn là người phụ nữ tuyệt vời nhất trong lòng con (Ảnh minh họa: Người lao động)

Xin lỗi mẹ vì đã có lúc con của mẹ đã làm mẹ phiền lòng, hãy chờ đợi con sửa sai bằng sự nỗ lực cố gắng học tập để thay đổi cuộc sống ngày mai. Cảm ơn mẹ, người mẹ miền quê biển Thái Bình, người phụ nữ vĩ đại nhất tròng lòng con, với con mẹ là người phụ nữ giỏi giang nhất, mẹ không có nghề nghiệp cao sang như ai đó nhưng dù mẹ làm gì đi chăng nữa, mẹ vẫn là người con tự hào nhất. Là người đã nuôi nấng con khôn lớn rồi dẫn con đi đến những thành công đầu đời nhờ sạp bán cá ngoài chợ của mẹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật