Khoa học giải thích “ma” như thế nào?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ’thợ săn ma’ tin rằng ma có thật, và họ có thể dùng công cụ để phát hiện. Các nhà khoa học muốn tìm cách chứng minh hoặc phủ nhận niềm tin này.
Khoa học giải thích “ma” như thế nào?
Những bằng chứng về ma quỷ đều rất mơ hồ và không có cơ sở khoa học. Ảnh: Getty.

Nếu bạn tin rằng thật sự có ma, bạn không đơn độc. Các nền văn hóa trên khắp thế giới đều tin vào việc những linh hồn tồn tại sau cái chết và đến sống ở một thế giới khác. Trên thực tế, ma là một trong những hiện tượng huyền bí được nhiều người tin nhất.

Tuy nhiên, nghe kể lại trải nghiệm của một người thì dễ, còn chứng minh ma có thật hay không thì không hề đơn giản

Những "thợ săn ma" đã dùng thủ thuật gì?

Con người đã cố gắng giao tiếp với thần linh trong nhiều thời đại. Ví dụ như ở Anh thời Victoria, các câu lạc bộ tìm kiếm bằng chứng của ma quỷ được thành lập tại các trường đại học danh tiếng như Cambridge và Oxford. Năm 1982, Hiệp hội Nghiên cứu Tâm lý được thành lập, bà Eleanor Sidgwick là điều tra viên (và sau này là chủ tịch) của hội này chính là một trong những “người săn ma” đầu tiên. Ở Mỹ vào cuối những năm 1800, nhiều nhà ngoại cảm tuyên bố mình có thể nói chuyện với người chết, nhưng về sau đều bị vạch trần là trò lừa đảo.

Khó khăn khi đánh giá ma quỷ một cách khoa học là có rất nhiều hiện tượng kì bí được cho là do ma quỷ gây ra: cửa từ từ đóng lại, mất chìa khóa, một khu vực trong hành lang trở nên lạnh lẽo…

Khi hai nhà xã hội học Denis và Michele Waskul phỏng vấn những người từng gặp ma cho cuốn sách Ghostly Encounter: The Haunting of Every Life, họ nhận ra rằng những người tham gia trả lời không hề chắc chắn về việc họ đã gặp ma.

"Họ không nhìn thấy thứ gì đó gần giống với hình ảnh thông thường của một bóng ma. Những người được hỏi đơn giản là tin mình gặp ma khi trải qua một điều gì đó kỳ lạ không giải thích được”, hai tác giả kết luận.

Kinh nghiệm cá nhân là một chuyện, nhưng bằng chứng khoa học là một vấn đề khác. Một phần khó khăn trong việc điều tra là hoàn toàn không có định nghĩa chính xác cho ma là gì. Một số người cho rằng đó là linh hồn người chết bị “lạc” trên đường sang thế giới bên kia. Những người khác lại nghĩ ma là những thực thể thần giao cách cảm được chiếu vào thế giới tâm linh của chúng ta.

Còn rất nhiều mâu thuẫn trong các ý tưởng về sự tồn tại của ma quỷ. Ví dụ, ma có phải vật chất không, có đi xuyên qua đồ vật không, hay có thể đóng sầm cửa hoặc ném đồ vật khắp phòng?

Bộ phim truyền hình Ghost Buster tạo nên làn sóng "săn ma".

Các thợ săn ma sử dụng nhiều phương pháp sáng tạo và đáng ngờ để phát hiện sự tồn tại của hồn ma. Hầu hết thợ săn ma đều có vỏ bọc giống như một nhà khoa học với các thiết bị công nghệ cao như máy đếm Geiger, máy dò trường điện từ EMF, máy dò ion, camera hồng ngoại và micro độ nhạy cao. Tuy nhiên, chẳng có thiết bị nào trong số này được chứng minh là có thể tìm ra ma.

Trong nhiều thế kỷ, người ta tin rằng ngọn lửa chuyển từ đỏ sang màu xanh là dấu hiệu của ma quỷ. Nhưng các thợ săn ma thời điểm này không còn công nhận truyền thuyết này nữa. Những dấu hiệu các thợ săn ma đang sử dụng ở một thời kỳ cũng sẽ bị coi là sai lầm ở thế kỷ sau.

Một số nhà nghiên cứu thì cho rằng lý do ma chưa được chứng minh tồn tại đơn giản vì chúng ta không có công nghệ phù hợp đề tìm hoặc phát hiện ra chúng. Nhưng nếu dùng logic để lý giải, điều này cũng không hợp lý. Bóng ma xuất hiện dưới dạng vật chất bình thường nên mới có thể dùng camera để ghi hình lại. Và vì chúng là vật chất thông thường, đúng ra ta có thể tìm ra chúng. Nhưng chúng ta không thể tìm ra chúng, nên những video ghi hình ma quỷ đều là giả.

Vì sao nhiều người vẫn tin rằng có ma?

Hầu hết người đang còn tin vào ma là vì những kinh nghiệm cá nhân. Chằng hạn như họ lớn lên trong một ngôi nhà có sự tồn tại của những linh hồn thân thiện được coi là hiển nhiên, hoặc họ có một số trải nghiệm đáng sợ trong một chuyến du lịch ma quái.

Tuy nhiên, có những người tin rằng khoa học vật lý của Einstein đưa ra cơ sở khoa học cho sự tồn tại của ma quỷ. Dựa trên Định luật Nhiệt động lực học thứ nhất: Nếu năng lượng không thể tạo ra hoặc mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác thì điều gì xảy ra với năng lượng của c‌ơ th‌ể chúng ta sau khi chết? Nguồn năng lượng đó tạo ra một hồn ma?

Câu hỏi này nghe có vẻ là một giả định hợp lý cho đến khi bạn đào sâu vào vật lý cơ bản. Câu trả lời rất đơn giản, sau khi một người chết, năng lượng trong c‌ơ th‌ể người đó không mất đi mà đi đến nơi năng lượng của tất cả sinh vật sau khi chết đều đến, vào môi trường. Không có “năng lượng” c‌ơ th‌ể sống nào còn tồn tại sau cái chết để có thể bị phát hiện bằng các thiết bị săn ma.

Hàng triệu người quan tâm đến các chủ đề liên quan đến ma quỷ. Ảnh: Getty.

Nếu ma có thật và là một dạng năng lượng hoặc thực thể nào đó chưa được biết đến, thì sự tồn tại của chúng thì sớm muộn cũng được các nhà khoa học xác minh thông qua các nghiên cứu và xét nghiệm. Người giải thích được ma không phải là những kẻ săn ma cuối tuần lang thang khắp những khu nhà bỏ hoang với máy ảnh và đèn pin.

Bất chấp cả núi hình ảnh và video mờ ảo được ghi lại, bằng chứng về ma quỷ hiện nay chẳng giá trị hơn thế kỷ trước là mấy. Có hai lý do khiến các thợ săn ma thất bại trong việc tìm kiếm các bằng chứng xác đáng. Thứ nhất, ma không tồn tại và các báo cáo về ma có thể được giải thích bằng tâm lý, nhận thức sai lầm hay chỉ là trò lừa bịp. Thứ hai, ma có thể tồn tại, nhưng những người săn ma không có công cụ khoa học hoặc đủ tư duy để phát hiện ra một bằng chứng có giá trị nào.

Nhưng cuối cùng, với nhiều người, mục đích của việc săn ma không phải là tìm bằng chứng. Thay vào đó, nó được xem là chuyện để vui vẻ với bạn bè, để kể những câu chuyện ma hay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật