Chặn cá tầm không thuần chủng “bơi” vào Việt Nam

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thực hiện yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm, gần 2 tháng trước, ngày 18/2/2021, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành về việc thực hiện thủ tục nhập khẩu cá tầm và các chính sách nhập khẩu liên quan.
Chặn cá tầm không thuần chủng “bơi” vào Việt Nam
Cá tầm thuần chủng được nuôi tại một trang trại trong nước.

Qua thời gian theo dõi và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại một số Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan khẳng định: Thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với giấy phép do Cơ quan quản lý Cites Việt Nam cấp; không đúng với khai báo hải quan.

Cụ thể, ngày 17/3, Công ty TNHH Đầu tư và XNK An Hưng đăng ký mở tờ khai hải quan nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc. Cùng ngày, viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã cùng Chi cục Hải quan của khẩu Hữu Nghị và cơ quan kiểm dịch lấy mẫu tại kho riêng của doanh nghiệp để tiến hành giám định chủng loại.

Ngày 19/3, viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I ban hành thông báo kết quả giám định, trong đó xác định có 3 mẫu thuộc bộ cá tầm Acipenseriformes họ cá tầm Acipenseridae và thuộc giống cá tầm Huso huso, gần với loài cá tầm beluga hơn các loại khác; 2 mẫu thuộc bộ cá tầm Acipenseriformes họ cá tầm Acipenseridae và thuộc giống tầm Acipenseri có chỉ số hình thái gần với cá tầm Trung hoa Acipenser sinensis.

Căn cứ kết quả giám định vừa kể, cơ quan Hải quan xác định hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan quản lý Cites Việt Nam cấp loại là Cá tầm Xiberi, có tên khoa học là Acipenser baerii.

Để xử lý vụ việc, ngày 23/3, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã có văn bản đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn căn cứ kết quả giám định của viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra kho lưu giữ bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp ngày 23/3, toàn bộ lô hàng đã được doanh nghiệp tự ý đưa đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan.

Tiếp đó, ngày 19/3, Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui cũng đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai để nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Xiberi, có xuất xứ Trung Quốc. Cùng ngày, viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã phối hợp với Hải quan lấy mẫu giám định ngay tại cửa khẩu.

Ngày 20/3, viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 ban hành thông báo kết luận lô hàng nhập khẩu cá tầm ở cửa khẩu Lào Cai khá đồng nhất về dạng hình và chỉ có 1 loài; 6 mẫu phân tích thuộc bộ cá tầm Acipenseriformes, họ cá tầm Acipenseridae và thuộc giống cá tầm Acipenser. Căn cứ vào khóa phân loại hình thái của cá tầm Xiberi để phân tích, có thể xác định những mẫu cá được kiểm tra này không phải là cá tầm Xiberi; 6 mẫu cá này có thể là con cá lai giữa các loài cá tầm với nhau.

Căn cứ kết quả giám định này, Hải quan xác định hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai báo Hải quan và Giấy phép Cites do Cơ quan quản lý Cites Việt Nam cấp. Ngày 23/3, Cục Giám sát quản lý về Hải quan đã có văn bản đề nghị Cục Hải quan tỉnh Lào Cai căn cứ kết quả giám định của viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I để xử lý theo quy định.

Trước thực trạng trên, ngày 20/3, Tổng cục Hải quan đã phải tổ chức cuộc họp với đại diện các đơn vị của Bộ NN&PTNT như Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam, viện Nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản 1 cùng viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để bàn phương án và phối hợp xử lý các lô hàng cá tầm nhập khẩu vi phạm.

Tại cuộc họp này, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT đều thống nhất cá tầm ghi trong Danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam ban hành kèm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Phụ lục CITES phải là cá tầm thuần chủng, không phải con lai; việc cấp Giấy phép cũng chỉ áp dụng đối với loài cá tầm thuần chủng; viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cũng khẳng định qua một số mẫu giám định đều xác định được trong một lô hàng thì có nhiều con cá tầm có hình thái bên ngoài khác nhau. Việc nhập khẩu các loài con lai, không chỉ riêng với cá tầm, sẽ làm ảnh hưởng quá trình sinh trưởng của các loài sinh vật tại Việt Nam, có hại cho môi trường sống.

Trước thực trạng này, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu; hàng hóa chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu sau khi có kết quả giám định tại viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Đồng thời tiến hành điều tra, xác minh, xử lý đối với các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm vi phạm quy định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật