Lebanon sa lầy khủng hoảng tài chính

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ô tô xếp hàng dài bên ngoài các trạm xăng, hàng nghìn lao động nhập cư tụ tập ngoài đại sứ quán chờ làm thủ tục về nước, những cuộc ẩu đả tranh giành hàng hóa trợ giá tại siêu thị… Đó là quang cảnh không xa lạ ở Lebanon hiện nay.
Lebanon sa lầy khủng hoảng tài chính
Một người biểu tình trên đường phố ở Beirut, Lebanon - Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế Lebanon đang chìm trong một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng chưa từng có kể từ thập niên 1970. Hàng loạt chính sách sai lầm của các chính phủ tiền nhiệm đã đưa tỷ lệ nợ công tăng chưa từng có, lạm phát phi mã, dự trữ ngoại hối "bốc hơi" chóng mặt, và đồng nội tệ trượt giá sâu.

Dù tỷ giá hối đoái niêm yết là 1.500 Bảng Lebanon đổi 1 USD nhưng trên thị trường chợ đen, đồng nội tệ đã trượt sâu xuống mức 11.000-15.000 Bảng đổi 1 USD từ hồi tháng 3. Sự trượt giá 90% của đồng nội tệ đã khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ tương đối, tỷ lệ nghèo đói tăng vọt gần chạm mức 50%.

Đáng quan ngại hơn, Lebanon đang rơi vào một tình huống tương tự Venezuela khi bị các tổ chức cho vay nước ngoài xa lánh, thậm chí "cô lập".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lebanon Riad Salameh tuần trước cảnh báo rằng các nhà băng nước ngoài như Wells Fargo và HSBC đang bắt đầu hạn chế quan hệ kinh doanh với các ngân hàng thuộc hệ thống tài chính Lebanon. Hai nhà băng khác là Bank of America và Deutsche Bank cũng bắt đầu có động thái hạn chế làm ăn với các ngân hàng Lebanon trong những giao dịch thanh toán xuyên biên giới.

"Tất cả tổ chức tài chính chỉ cần tìm kiếm Google từ khóa Lebanon và họ sẽ thấy hàng loạt thông tin về mức dự trữ ngoại hối cạn kiệt, chính phủ vỡ nợ, tình trạng tham nhũng và trạng thái tồi tệ của nền kinh tế. Khi đó, họ nghĩ gì? Tất nhiên, họ sẽ cho rằng không nên giao dịch với quốc gia này" - một nguồn tin của Reuters cho hay.

Dự trữ ngoại hối của Lebanon đang cạn dần tới đáy. Bộ trưởng tài chính Lebanon hồi tuần trước cảnh báo ngoại tệ để nhập khẩu lương thực, nhiên liệu và thuốc men sẽ cạn kiệt vào khoảng cuối tháng 5. Trong khi đó, Lebanon một quốc gia mà 80% hàng hóa thiết yếu phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Lebanon đã lên mức cao kỷ lục, với giá thực phẩm tăng phi mã 400% hồi tháng 12/2020. Ngoài ra, tỷ lệ nợ quốc gia tính trên GDP đã tăng lên mức gần 200%.

Năm 2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng đề xuất một khoản cứu trợ tài chính trị giá 11 tỷ USD để đưa kinh tế Lebanon ra khỏi cơn bĩ cực. Nhưng sau đó, IMF đã rút lại đề xuất này do quan ngại về thực trạng chậm cải cách kinh tế và tham nhũng. Về phía Lebanon, một số ý kiến trong nước cho rằng yêu cầu cải cách mà IMF đưa ra là hoàn toàn không phù hợp với tình hình kinh tế trong nước.

Khi chính phủ tiền nhiệm từ chức sau vụ nổ lớn ở thủ đô Beirut vào năm ngoái, các cuộc đàm phán giữa Lebanon và IMF cho đến nay vẫn chưa đạt kết quả nào. Chưa có thỏa thuận nào về việc thành lập nội các mới của Lebanon được thông qua, do bất đồng sâu sắc giữa Tổng thống Michel Aoun và Thủ tướng được chỉ định, ông Saad al-Hariri.

"Lebanon phải tự cứu chính mình, rồi chúng tôi mới có thể cứu họ. Nhưng thật không may, cho đến thời điểm hiện tại, Lebanon vẫn chưa sẵn sàng hoặc chưa thể cứu chính mình" - ông Ông Ferid Belhaj, Phó chủ tịch khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh trong một tuyên bố hồi đầu tháng 4.

Tương tự như IMF, phía WB cho rằng Lebanon cần sẵn sàng cải cách nếu muốn nhận viện trợ tài chính quốc tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật