Kiên Giang: huy động hơn 12 nghìn tỷ đồng để phát triển nuôi biển bền vững

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kiên Giang: huy động hơn 12 nghìn tỷ đồng để phát triển nuôi biển bền vững
Nuôi cá lồng bè trên vùng biển An Thới, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang).

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Kiên Giang tập trung huy động vốn đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, với tổng nhu cầu vốn dự kiến 12.688 tỷ đồng.

Theo đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương chiếm 0,16%, ngân sách địa phương 0,85% và thu hút từ các thành phần kinh tế 98,99%. Các nguồn vốn này, tỉnh đầu tư nuôi cá lồng bè trên biển 11.931 tỷ đồng, nuôi nhuyễn thể 757 tỷ đồng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, ngân sách nhà nước 128 tỷ đồng (Trung ương, địa phương) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi biển, cơ sở vật chất, tăng cường năng lực ngành và các đề tài nghiên cứu về khoa học công nghệ liên quan đến nuôi biển.

Đối với nguồn vốn huy động từ các thành phần kinh tế 12.560 tỷ đồng, tỉnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật về giao thông, điện thiết yếu cho các khu nuôi nội bộ bằng hình thức thu hút các nhà đầu tư hoặc đối tác công tư (PPP) và đầu tư khu sản xuất giống tập trung.

Tỉnh tranh thủ nguồn vốn các tổ chức phi Chính phủ thực hiện trợ giúp kỹ thuật, tư vấn, đào tạo nâng cao năng lực, xây dựng mô hình, chuyển giao quy trình công nghệ… Các cơ quan quản lý của tỉnh chủ động tìm kiếm, phối hợp với các nguồn tín dụng phát triển nước ngoài như: Quỹ xuất khẩu thủy sản Na Uy, quỹ Aqua-Spark (Hà Lan), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)…

Lãnh đạo tỉnh xác định phát triển nuôi biển giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, nuôi biển được xác định trở thành một lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa.

Tỉnh chuyển đổi các mô hình nuôi biển quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi biển công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại và bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên ngư trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh phân vùng nuôi biển đối với vùng hải đảo bao gồm: Thành phố Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải và các xã đảo Tiên Hải (TP. Hà Tiên), Sơn Hải và Hòn Nghệ (Kiên Lương). Vùng này phát triển nuôi cá lồng bè như: Cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng, cá chẽm… và nuôi thủy sản khác như: Tôm hùm xanh, tôm tít, ghẹ, trai ngọc… Vùng ven biển bao gồm: Thành phố Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh và An Biên, phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể như: Sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh, hàu…

Tỉnh khai thác tiềm năng và sử dụng hợp lý, có hiệu quả mặt nước nuôi biển nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng quy mô, năng suất, sản lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển, hải đảo, giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ, ảnh hưởng môi trường sinh thái, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Tỉnh Kinh Giang phát triển nuôi biển thành lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Chuyển đổi các mô hình nuôi biển quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi biển công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại, phát triển bền vững.

Các cơ quan của tỉnh chú trọng các hình thức liên kết, hợp rác giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trong phát triển nuôi biển; đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học.    

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật