Đằng sau những khóa học online chưa đến 0.5 USD/buổi ở Trung Quốc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều lớp học trực tuyến chưa đến 0.5 USD, kèm giáo trình miễn phí, được giới thiệu rầm rộ trên mạng. Tuy nhiên, chất lượng dạy học không chất lượng như quảng cáo đăng tải.
Đằng sau những khóa học online chưa đến 0.5 USD/buổi ở Trung Quốc
Các lớp học trực tuyến giá rẻ được giới thiệu tràn lan trên mạng. Ảnh: MIT Technology Review.

Trong kỳ nghỉ đông, nhiều cơ sở giáo dục ở Trung Quốc bắt đầu quảng cáo những khóa học trực tuyến giá trẻ, có giáo viên giỏi, nổi tiếng đứng lớp. Hầu hết đều cam kết giúp học sinh nâng điểm, cải thiện kiến thức cho từng môn học.

Thực tế, những cơ sở này chỉ lợi dụng việc dạy học để bán hàng, "moi" tiền từ các phụ huynh nhẹ dạ, cả tin, ham rẻ.

1,4 USD cho 10 buổi học trực tuyến

Bà Bạch, một phụ huynh ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, cho biết trong thời gian này, quảng cáo học online giá rẻ xuất hiện tràn lan trên các tuyến phố và mạng xã hội.

Theo lời chào mời, giáo viên đứng lớp đều là những người có trên 20 năm kinh nghiệm, hoặc là các thạc sĩ, tiến sĩ giỏi từ những trường đại học danh tiếng. Đặc biệt, cơ sở khẳng định sẽ giúp học sinh mất gốc có cơ hội ghi danh vào các trường danh tiếng như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh.

Nhiều lớp học chỉ có giá 9 nhân dân tệ (khoảng 1,4 USD) cho 10 buổi học. Một số nơi khác dạy 30 buổi nhưng chỉ thu 19 nhân dân tệ (khoảng 2,9 USD). "Những lớp này còn tặng kèm giáo trình trị giá hàng trăm nhân dân tệ cho học sinh", bà Bạch nói với Xinhua.

So với lớp đào tạo phổ thông tốn hàng trăm USD/giờ, các khóa học này trở nên hấp dẫn hơn với các phụ huynh. Bà Lý ở Chiết Giang, cho biết trong kỳ nghỉ đông, bà đã đăng ký cho con tham gia hàng loạt lớp học online giá rẻ.

Đến khi con vào học, bà mới phát hiện những cơ sở dạy online đều có vấn đề. Mỗi khóa có hàng chục buổi học, nhưng giáo viên dạy lan man, không tập trung vào kiến thức quan trọng. Nếu muốn học sâu hơn, học sinh phải đăng ký khóa học mới với giá không hề rẻ.

Lưu Khởi Minh, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong dạy học trực tuyến, cho biết các cơ sở dạy online thường đánh vào tâm lý ham rẻ của phụ huynh. Phần lớn giáo viên xuất hiện trong video quảng cáo trên mạng là diễn viên, không có trình độ, bằng cấp dạy học.

"Để thu hút khách hàng, nhiều cơ sở đã tạo ra những câu chuyện không có thật, khiến nhiều phụ huynh lo lắng, phải cho con đi học ngay lập tức", ông Lưu nói.

Ngoài quảng cáo trên mạng, nhiều nơi còn sử dụng chiêu tiếp thị "truyền miệng". Cụ thể, họ sẽ "mượn tay" các phụ huynh để quảng bá cho trung tâm đào tạo. Tiếng lành đồn xa, nhiều người bắt đầu tìm đến những khóa học được cho là "bổ, rẻ" để đăng ký cho con học.

Được biết, nhiều cơ sở giáo dục kiếm được hàng trăm nhân dân tệ mỗi ngày nhờ chiêu tiếp thị miễn phí này.

"Tôi từng được một phụ huynh giới thiệu là có giáo viên giỏi dạy học. Nhưng sau khi đóng tiền, tôi phát hiện người đứng lớp lại là giáo viên khác", bà Lý bức xúc.

Nhiều giáo viên không có chuyên môn, thiếu bằng cấp vẫn được tuyển dụng. Ảnh: New Concept Mandarin.

Giáo viên thiếu bằng cấp, không đủ chuyên môn

Theo Sohu, từ 7/2019, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành quy định về chất lượng đào tạo trực tuyến ngoài trường học. Trong đó, Bộ quy đình toàn bộ giáo viên đứng lớp phải có chứng chỉ dạy học. Thông tin và trình độ của từng người phải được công khai trên các nền tảng để học sinh và phụ huynh nắm bắt.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức cố tình làm ngơ yêu cầu của Bộ. Giáo viên họ Cao từng làm việc tại một tổ chức dạy online, cho biết nhiều giáo viên được tuyển thẳng khi chưa tốt nghiệp đại học.

Cao cũng là một trong số đó. Anh không được yêu cầu trình độ, chứng chỉ dạy học. Trung tâm chỉ yêu cầu anh dạy thử một buổi, sau đó vào làm việc chính thức.

Cao cho biết thêm, nhiệm vụ của anh và các đồng nghiệp là chào mời phụ huynh mua và gia hạn các lớp học trực tuyến. Nếu bán được nhiều, họ sẽ có thêm hoa hồng.

"Nhiều khi học sinh gọi tôi là thầy, tôi cảm thấy rất xấu hổ. Tôi không phải là giáo viên, chỉ là một nhân viên chuyên bán các khóa học mà thôi", Cao bộc bạch.

Triệu Việt, một trường hợp khác được tuyển thẳng làm giáo viên mà không qua phỏng vấn. Được biết, cô từng dạy học bán thời gian tại trung tâm này. Sau khi tốt nghiệp năm 2019, Triệu Việt được tuyển thẳng, không cần bằng cấp, thử việc.

"Nội dung mỗi buổi dạy đều không có người kiểm duyệt. Thậm chí, nhiều khi tôi chỉ giao bài tập cho học sinh qua nhóm chat, không cần dạy gì thêm", nữ giáo viên chia sẻ.

Theo điều tra của Xinhua, phần lớn chất lượng đào tạo của các cơ sở không ổn định, chỉ có vài giáo viên có bằng cấp, phần lớn đều không có kinh nghiệm. Thậm chí, nhiều người không phải giáo viên vẫn được dạy học.

Bà Trương ở tỉnh Sơn Tây cho biết giáo viên lớp online chỉ dạy kiến thức trong sách, yêu cầu học sinh tự áp dụng công thức để làm bài. "Tôi thấy cách dạy của họ thiếu thực tế, không giúp học sinh cải thiện kiến thức và khả năng tư duy như quảng cáo giới thiệu".

Một số giáo viên cho biết, quảng cáo lớp online đều khoa trương, nhưng chất lượng không được như vậy.

Ví dụ, một trung tâm dạy bằng công nghệ AI tuyên bố các giáo viên AI đã đạt đến trình độ tương đương thầy cô có 20 năm kinh nghiệm. Thực tế, những "giáo viên" này thậm chí không thể phân biệt các phiên bản sách giáo khoa hiện nay.

Ông Vương Kế Tân, giám đốc Trung tâm đổi mới giáo dục tại Đại học Sư phạm Trung Quốc, đề nghị Bộ Giáo dục và các bộ phận liên quan nên tăng cường giám sát chất lượng và nội dung dạy học của các cơ sở đào tạo online. Điều này giúp đảm bảo chất lượng dạy và học, đồng thời đảm bảo quyền lợi của học sinh, phụ huynh.

Ngoài ra, ông Vương khuyên các cơ sở giáo dục cần tập trung cải thiện chất lượng giáo dục, thay vì chỉ tập trung vào việc chào mời, bán hàng. Phụ huynh cũng được khuyên không nên chạy theo cái rẻ, tránh để "tiền mất, tật mang".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật