Vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Lý do ông Biden né tránh trừng phạt Thái tử Saudi Arabia

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện Tổng thống Biden đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong xử trí quan hệ với đồng minh Saudi Arabia tại một khu vực còn nhiều bất ổn.
Vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Lý do ông Biden né tránh trừng phạt Thái tử Saudi Arabia
Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: The Guardian.

Dù cam kết sẽ buộc các lãnh đạo cấp cao của Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong chiến dịch tranh cử, nhưng đến nay, Tổng thống Mỹ Biden vẫn né tránh trừng phạt Thái tử Mohammed bin Salman – nhân vật mà cộng đồng tình báo Mỹ cho là đứng sau vụ sát hại.

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Tổng thống Biden

Điều đó cho thấy việc ra quyết định đối với một tổng thống luôn khó khăn hơn nhiều so với một ứng cử viên, đồng thời cũng phản ánh tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của nhà lãnh đạo Mỹ trong xử trí quan hệ với đồng minh tại một khu vực còn nhiều bất ổn.

Ngày 26/2 vừa qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố báo cáo thông tin tình báo về cái chết của nhà báo Khashoggi – hành động mà chính phủ tiền nhiệm từng từ chối thực hiện. Báo cáo từ giám đốc cơ quan tình báo Mỹ cho biết Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) đã trực tiếp phê chuẩn việc sát hại nhà báo này.

Nhưng khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố hạn chế thị thực đối với 76 Saudi Arabia liên quan đến việc quấ‌ּy rố‌ּi các nhà hoạt động và các nhà báo, ông lại không thông báo áp dụng bất cứ lệnh trừng phạt nào đối với Thái tử MBS và trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, có cựu Phó Chủ tịch Tổng cục Tình báo và lực lượng can thiệp nhanh của Vệ binh Hoàng gia Saudi Arabia song Thái tử Mohammed bin Salman không hề được nhắc đến.

CNN dẫn lời hai quan chức giấu tên của Nhà Trắng cho biết, việc trừng phạt Thái tử MBS chưa bao giờ là một giải pháp vì điều này “quá phức tạp” và có thể gây nguy hiểm cho các lợi ích quân sự của Mỹ tại Saudi Arabia. Do đó, chính quyền thậm chí còn không yêu cầu Bộ Ngoại giao thác thảo các phương án để trừng phạt Thái tử MBS.  

Tổng thống Biden cho hay, chính quyền sẽ đưa ra một thông báo vào hôm nay (1/3) về “những điều sẽ thực hiện với Saudi Arabia”. Nhà Trắng sau đó đã giải thích rõ phát ngôn của ông Biden rằng, Bộ Ngoại giao sẽ cung cấp thêm chi tiết về những hành động mà họ đã tuyên bố trước đó.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết: “Việc điều chỉnh lại quan hệ với Saudia Arabia đã được bắt đầu vào ngày 20/1 và tiến trình này đang tiếp diễn. Chính quyền đã thực hiện một loạt hành động mới vào ngày 26/2”.

Trả lời phỏng vấn Univision ngày 26/2, Tổng thống Biden khẳng định: “Chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm vì vi phạm nhân quyền. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng nếu họ muốn quan hệ với chúng tôi, họ phải cư xử đúng đối với các hành vi vi phạm nhân quyền”. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Mỹ không đề cập bất cứ kế hoạch cụ thể nào nhằm trừng phạt Thái tử MBS. Theo CNN, tuyên bố này khác xa so với bình luận mà ông Biden đưa ra vào tháng 11/2019 khi còn là ứng cử viên tổng thống, trong đó cam kết sẽ trừng phạt các lãnh đạo cấp cao của Saudi Arabia, trái với cách thức mà cựu Tổng thống Trump đã làm.

Chính sách của Tổng thống Biden đối với Saudi Arabia đang được hoạch định một cách rõ ràng hơn. Nhà lãnh đạo Mỹ đã chấm dứt sự ủng hộ chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen và ra lệnh chấm dứt một số hoạt động bán vũ khí cho Riyadh. Trong khi đó, các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Biden cho biết, ông muốn “điều chỉnh lại” mối quan hệ.

Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 25/2, Tổng thống Biden nêu rõ với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al-Saud rằng Mỹ sẽ không khoan dung cho hành động của MBS, dù nước này chưa đưa ra biện pháp cụ thể. Nhiều quan chức trong chính quyền đánh giá, việc điều chỉnh quan hệ giữa hai nước sẽ rất khó khăn. Trả lời phỏng vấn NPR, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) Avril Haines thừa nhận, báo cáo nói trên có thể làm phức tạp mối quan hệ song phương. “Tôi chắc chắn việc công bố báo cáo sẽ không khiến mọi thứ diễn ra một cách suôn sẻ hơn. Nhưng tình hình sẽ không nằm ngoài dự đoán”.

“Thời kỳ trăng mật” giữa Mỹ và Saudi Arabia sắp kết thúc?

Nói về quyết định né tránh trừng phạt Thái tử Mohammed bin Salman của Tổng thống Biden, một quan chức cấp cao cho hay, thông tin trong báo cáo được công bố ngày 26/2 không phải là mới và chính phủ Mỹ đã biết về điều này trong hơn 1 năm qua. Có một thực tế là mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia mang lại quá nhiều lợi ích nên chính quyền Tổng thống Biden không muốn trừng phạt một nhân vật quyền thế, được cho là nhà lãnh đạo không chính thức của Saudi Arabia khi cha ông đang lui về hậu trường. Tính toán này cũng giống với tính toán của cựu Tổng thống Donald Trump.

Nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại. Ảnh: Reuters.

Nhiều quan chức trong chính quyền Trump và chính quyền Biden đều phải thừa nhận, Saudi Arabia là một đối tác quan trọng với Mỹ trong các chiến dịch chống khủ‌ng b‌ố và là nhân tố đối trọng với Iran trong khu vực. Điều này khiến bất kỳ nỗ lực nào nhằm tách rời quan hệ giữa hai bên gần như không thể thực hiện được.

“Thật khó tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ không có sự phối hợp và sự hỗ trợ của Saudi Arabia – một đồng minh quan trọng trong khu vực”, Dennis Ross, cựu điều phối viên đặc biệt về Trung Đông, nói với CNN.

Ông Gerald Feierstein, cựu phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Cận Đông nhận định rằng, chính quyền Tổng thống Biden đang cân bằng phản ứng về vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi với các ưu tiên khác của Washington như chấm dứt xung đột tại Yemen, giảm căng thẳng ở Vùng Vịnh và đối phó các nỗ lực chống khủ‌ng b‌ố. Tất cả những diễn biến này đều đòi hỏi một mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia ổn định.

Ông  Ayham Kamel, chuyên gia tại công ty tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group nhận định: “Quan trọng hơn, khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran tái khởi động trong năm nay, ông Biden sẽ cần sự hỗ trợ của Saudi Arabia để đạt được thỏa thuận trong khu vực”.

Bên cạnh đó, Thái tử MBS là người đề ra các kế hoạch cải tổ và hiện đại hóa nền kinh tế Saudi Arabia, có thể giúp đem lại lợi ích cho Mỹ. Thái tử muốn cải cách theo hướng phương Tây, hạn chế ảnh hưởng của các giáo sĩ, thúc đẩy sự khoan dung tôn giáo và trao quyền cho thế hệ trẻ, chuyên gia Kamel cho biết.

Các nhà lãnh đạo tại Saudi Arabia đã quyết định theo đuổi lập trường mang tính xây dựng để hạn chế căng thẳng với Mỹ và việc Riyadh thả các nhà hoạt động nhân quyền được coi là “một nhành oliu”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chính quyền Biden đang chịu sức ép tại Washington buộc phải hành động sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi thì Riyadh vẫn cho rằng nước này không thiếu đòn bẩy để đẩy lùi hành động của Mỹ khi xét đến những mối quan hệ an ninh mà họ đã gây dựng với Pháp, Nga, thậm chí là khả năng hợp tác với Trung Quốc

Sau 4 năm tận hưởng “trái ngọt” dưới thời chính quyền Trump, Saudi Arabia hiện đang cảm nhận được sự thay đổi trong quan hệ với Mỹ sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền. Giới phân tích nhận định, Tổng thống Biden không muốn gây tổn hại vĩnh viễn tới mối quan hệ này, nhưng chắc chắn ông sẽ không bao giờ để xảy ra một vụ việc tương tự như vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và hành động của Mỹ đang nói lên điều đó

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật