“Trung ương thống nhất cao về nhân sự thuộc trường hợp đặc biệt”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung ương khóa XII cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể, thực hiện quy trình chặt chẽ và đã thống nhất cao lựa chọn một số “trường hợp đặc biệt“.
“Trung ương thống nhất cao về nhân sự thuộc trường hợp đặc biệt”
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: Giang Huy

Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2 tại Hà Nội. Báo phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội.

- Thưa ông, số lượng và chất lượng cán bộ được quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa XIII so với khóa XII như thế nào?

- Trên cơ sở tổng kết công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch về xây dựng quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Quá trình quy hoạch bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, hiệu quả; có nhiều nội dung đổi mới về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, cách làm đối với từng nhóm chức danh. Quy trình này cũng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu trong công tác giới thiệu, đề xuất và thẩm định nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

Những người được quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, về cơ bản bảo đảm số lượng, cơ cấu, chất lượng; đã được đào tạo qua 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ cấp chiến lược, là nguồn nhân sự hết sức quan trọng để chủ động chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Theo phương hướng công tác nhân sự, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ có 200 người, trong đó 180 Uỷ viên Trung ương Đảng chính thức và 20 Uỷ viên Trung ương Đảng dự khuyết.

- Những điểm mới, nổi bật trong phương hướng xây dựng Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và giới thiệu cán bộ chủ chốt nhiệm kỳ Đại hội XIII là gì?

- Công tác chuẩn bị nhân sự được các cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao; đồng thời, tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan..., với phương châm đề ra là làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.

Công tác chuẩn bị nhân sự cũng được thực hiện có hiệu quả quan điểm xử lý hài hoà, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển. Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả; bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc..., nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Quá trình chuẩn bị nhân sự kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban chấp hành Trung ương, nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân.

Quy trình nhân sự được cụ thể hoá cho cả tái cử, lần đầu tham gia và theo từng nhóm đối tượng chức danh. Ban chấp hành Trung ương khóa XIII phải bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; bảo đảm sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.

Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, Trung ương khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định.

- "Trường hợp đặc biệt" giới thiệu tái cử Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII được xem xét như thế nào?

- Việc xem xét xuất phát từ tình hình thực tiễn; căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là trên cơ sở sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng, trong nhân dân và yêu cầu, đòi hỏi của các vị trí, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu ở các cơ quan của Trung ương Đảng và cơ quan Nhà nước.

Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể, thực hiện quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan và đã thống nhất cao lựa chọn một số trường hợp "đặc biệt" cả với nhân sự tái ứng cử và lần đầu tham gia để trình Đại hội XIII và Ban chấp hành Trung ương khoá XIII xem xét, lựa chọn bầu tham gia Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII.

- Dự thảo Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII có những điểm mới như thế nào thưa ông?

- Dự thảo Quy chế bầu cử và Quy chế làm việc của Đại hội XIII đã được Trung ương chuẩn bị công phu, bài bản, kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện các quy chế của Đại hội XII, nghiên cứu công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tình hình, bối cảnh của Đại hội XIII và thực tế hiện nay.

Quá trình xây dựng dự thảo hai Quy chế Đại hội XIII đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo sát sao, kịp thời cho ý kiến những nội dung khó, phát sinh trong thực tế; đồng thời, xin ý kiến nhiều lần của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương và các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy chế bầu cử Đại hội XIII gồm 5 chương và 24 điều (như Quy chế Đại hội XII), được áp dụng đối với việc bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.

Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII có một số điểm mới cơ bản là: Quy định cụ thể về trách nhiệm của người đề cử nhân sự trong việc đề cử nhân sự tham gia Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; sử dụng phần mềm kiểm phiếu do Quân ủy Trung ương cung cấp.

Việc ghi phiếu bầu cử được thực hiện tại Hội trường và phòng họp của Đoàn đại biểu (Đại hội XII, đại biểu có thể ghi phiếu bầu cử tại nơi ở).

Phạm vi điều chỉnh của Quy chế gồm các hoạt động, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa đương nhiệm, đại biểu dự Đại hội, các đoàn đại biểu và các cơ quan điều hành, giúp việc Đại hội trong thời gian diễn ra Đại hội XIII của Đảng.

Quy chế làm việc của Đại hội XIII có một số điểm mới cơ bản là: Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm nêu gương của đại biểu dự Đại hội; Quy định rõ hơn trách nhiệm của Trưởng đoàn đại biểu và nhiệm vụ của các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương tham gia sinh hoạt cùng đoàn đại biểu.

Quy chế làm việc cũng quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu và trách nhiệm của Trưởng Ban thẩm tra tư cách đại biểu; về thực hiện phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo các chuyên gia về Xây dựng Đảng, Ban chấp hành Trung ương khoá XIII được dự kiến gồm 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trong đó, nhân sự vào dự khuyết Ban chấp hành Trung ương không quá 45 tuổi; lần đầu tiên vào Trung ương chính thức phải còn thời gian công tác hai nhiệm kỳ hoặc ít nhất trọn một nhiệm kỳ, nghĩa là không quá 55 tuổi; đang là ủy viên Trung ương tái cử thì không quá 60; đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tái cử không quá 65.

"Trường hợp đặc biệt" là các nhân sự ngoài độ tuổi theo quy định và được các cấp có thẩm quyền cân nhắc kỹ lưỡng, trình ra Ban chấp hành Trung ương tại hội nghị 15 (khóa XII) xem xét, quyết định việc đề cử với đại hội Đảng lần thứ XIII.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật