Hà Nội kết nối cung - cầu, bình ổn thị trường

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xác định tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa là giải pháp giúp phục hồi kinh tế sau Covid-19, thời gian qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh giao thương, kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành, góp phần giải quyết đầu ra cho các DN sản xuất.
Hà Nội kết nối cung - cầu, bình ổn thị trường
Doanh nghiệp tham gia Hội nghị Giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành năm 2020 ( tổ chức chiều 25/11). Ảnh: Thu Hương

Đầu tàu kết nối các tỉnh, thành

Theo số liệu của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA), với dân số 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn. Đặc biệt, sức tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 dự báo sẽ tăng từ 3 - 20%, trong khi DN Hà Nội chỉ có thể đáp ứng từ 30 - 60% tổng nhu cầu.

Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, HPA và Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp cùng các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hải Dương, Đồng Tháp... tổ chức 10 tuần hàng trái cây, nông sản; 4 chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh, thành trên cả nước. Thông qua hoạt động kết nối, DN các tỉnh Gia Lai, Bình Thuận, Long An, Lào Cai, Quảng Ninh... đã tiêu thụ trên 10.000 tấn nông sản thực phẩm, thủy sản dư cung do thị trường xuất khẩu ảnh hưởng bởi Covid- 19.

Tại Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành năm 2020 vừa được tổ chức, Giám đốc Công ty TNHH và Thương mại Hà Trung (tỉnh Phú Yên) Nguyễn Thị Hà chia sẻ: "Thông qua Hội nghị, DN chúng tôi cũng tin tưởng, kỳ vọng việc tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Hà Nội và mong có thể tiếp cận DN bán lẻ". Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, TP Hà Nội đã hỗ trợ 200 DN các địa phương đưa hàng vào hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP gồm: Vinmart, Big C Thăng Long, Saigon Co.op Hà Nội, BRG... “Năm 2019, Vinmart kết nối hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ 44.000 tấn hàng hóa; BigC Thăng Long 10.520 tấn; Saigon Co.op Hà Nội 3.800 tấn...” - bà Mai Anh nói.

Đánh giá cao vai trò đầu tàu của Hà Nội trong việc kết nối cung - cầu hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận định, hoạt động này đã tạo điều kiện cho các DN sản xuất, phân phối của Hà Nội và các tỉnh, thành xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Việt, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Vẫn còn bất cập

Có thể thấy, các hoạt động kết nối cung - cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các DN địa phương, đáp ứng hàng hóa cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình kết nối vẫn còn những bất cập cần khắc phục.

Các DN, hợp tác xã đang sản xuất hàng hóa, nông sản theo hướng thủ công nên chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì và yêu cầu về thủ tục đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán với DN bán lẻ. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho biết, Central Retail sẵn sàng hợp tác với DN các tỉnh, thành đưa sản phẩm, nhất là đặc sản vùng miền vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu. Nhưng để làm được điều này, các DN sản xuất cần quan tâm, bảo đảm chất lượng sản phẩm, ổn định nguồn cung ứng, đáp ứng các tiêu chuẩn của DN phân phối và người tiêu dùng. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Thái Dũng cho biết: “Các DN sản xuất cần xây dựng quan hệ kết nối lâu dài, ổn định với DN phân phối, qua đó đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và quyền lợi hai bên”.T

rước những phản ánh, kiến nghị của DN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nêu rõ, Hà Nội cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu đầu tư, đồng hành cùng DN hợp tác, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Để khắc phục những bất cập, trong thời gian tới, đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường hỗ trợ các tỉnh, thành định hướng quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... qua đó hạn chế việc nhiều địa phương cùng sản xuất một mặt hàng làm dư thừa nguồn cung. Bộ Công Thương hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phát triển hệ thống hạ tầng thương mại; đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tổ chức điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật