Ông Đoàn Ngọc Hải: “Mục đích kiếm tiền duy nhất là để làm từ thiện

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng 17/9, ông Đoàn Ngọc Hải lại ngồi trước vô lăng chiếc xe cứu thương của mình, trước cổng bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM ở Bình Chánh, đưa bệnh nhi về quê ở miền Tây. Đây là chuyến đưa bệnh nhân nghèo về quê miễn phí của ông, là chuyến đi về miền Tây đầu tiên và là chuyến thứ 8 trong hành trình dài 6.000km trong gần 20 ngày qua.
Ông Đoàn Ngọc Hải: “Mục đích kiếm tiền duy nhất là để làm từ thiện
Ảnh minh họa

Xem Video: Ông Đoàn Ngọc Hải muốn bán ô tô cổ và kỷ vật lấy 4 tỉ làm từ thiện

Trông ông bây giờ gọn gàng và tinh anh hơn nhiều so với trước kia. Miệng ông hay cười chứ không đằng đằng như thuở ra quân dọn dẹp vỉa hè mấy năm trước.

Chúc mừng ông trở về an toàn sau những chuyến đi dài làm việc thiện. Thưa ông Đoàn Ngọc Hải, có phải ông làm việc thiện do trải qua những biến động lớn trong đời mình?

Đúng. Và tôi muốn làm những điều tốt đẹp cho xã hội.

Làm việc thiện thì có nhiều cách. Sao ông lại chọn công việc chở người bệnh, người chết này?

Tôi là người muốn sống gần dân, gần người nghèo để thật sự thấu hiểu họ. Tôi đi Tây Bắc, thấy dân mình nghèo quá. Nghèo tới mức trong nhà chẳng có gì ngoài mấy chùm ngô khô và vài cái nồi. Trước giờ tôi đã từng đi qua 55 ngọn đèo của đất nước với 16 chuyến xuyên Việt. Đi tới đâu tôi cũng mua sữa hộp và đổi tiền 10.000 đồng để cho con nít người đồng bào thiểu số, từ 15 - 20 năm trước. Tôi hiểu người nghèo và thấu hiểu cảnh ngộ của họ nên tôi muốn chia sẻ.

Nhà tôi khá giả lắm. Có năm Mặt trận Tổ quốc TP.HCM vận động quyên tiền làm nhà cho người nghèo thì tôi hiến cả 250 triệu đồng. Tôi cũng là Đội trưởng Đội Thuế quận đầu tiên bỏ tiền túi ra mời anh em toàn đội đi Thái Lan chơi. Chắc tôi là người đầu tiên dám làm chuyện đó.

Ông quan niệm như thế nào về việc làm từ thiện?

Tôi nghĩ làm từ thiện thì việc to cũng như việc nhỏ. Ai có tiền tỉ thì giúp kiểu tiền tỉ. Ai giúp được ổ bánh mì thì giúp ổ bánh mình. Đều quý và đều có ý nghĩa như nhau. Ngay cả Mẹ Teresa cũng tự tay mình lau chùi vết thương cho người bệnh, người chết. Đó là sự chăm sóc bằng chính trái tim, bằng chính tâm hồn của mình. Điều đó làm lay động biết bao con người. Chứ Mẹ không chỉ đạo người này, người kia mà tay mình không đụng việc.

Còn tôi, tôi có thể thuê một tài xế 10 triệu đồng mỗi tháng để họ chạy suốt Bắc – Nam, liên tục và chỉ báo cáo với tôi về xăng dầu, chi phí. Thế là xong. Nhưng làm như vậy là quá đơn giản, nó không đem lại cảm xúc trong lòng mình. Cá nhân tôi cần cảm xúc, tôi cần thấu hiểu những phận người gian nan trong cuộc đời này.

Trên những chuyến xe, tôi tự tay lau chùi cho người bệnh, chăm sóc cho họ bữa ăn. Có khi họ ói mửa trên xe tôi phải tự lau dọn. Thậm chí cả phân. Nhưng tôi không ghê sợ vì tôi chia sẻ với họ, họ đâu có muốn vậy và ta đều là con người với nhau cả, sao lại ghê sợ? Ngược lại, khi vượt qua được những cảm giác bình thường đó thì tôi thấy trong tôi xuất hiện những cảm xúc tốt lành. Cảm xúc tốt lành trong con người mới quan trọng, không tiền bạc nào đo đếm được. Chính điều đó mới làm nên tình yêu thương và ý nghĩa của cuộc đời.

Lãnh đạo bệnh viện Nhi Đồng TP HCM gặp gỡ ông Đoàn Ngọc Hải vào sáng 17/9 trước khi ông Hải chở một bệnh nhi về quê

Những cảm xúc đó đã đem lại điều gì cho cuộc sống của ông? Có làm thay đổi điều gì trong ông không?

Nó là liều thuốc bổ vô giá. Tôi luôn mong mỏi những người có điều kiện khá giả cũng hãy làm như tôi, vì bạn sẽ được nhận lại liều thuốc bổ vô giá.

Từ khi tôi làm việc thiện, đêm tới đặt lưng xuống là tôi ngủ tới sáng, không mộng mị hay trăn trở, trong khi trước đó thì rất khó, đầu óc cứ tâm viên ý mã, suy nghĩ chuyện nọ xọ chuyện kia, liên miên không dứt. Khác nhau nhiều lắm.

Và nữa, rất lạ là tôi thấy đầu óc mình sáng suốt hơn trong kinh doanh. Vợ tôi cũng công nhận với tôi điều đó. Và sức khoẻ tốt hẳn lên. Mới hôm trước tôi ôm vô lăng chạy 600 cây số đưa bệnh nhân về nhà, mình về khách sạn ngủ một giấc, sáng ra chạy bộ 10km rồi ăn sáng, ôm vô lăng quay về Hà Nội. Vậy mà người cứ khoẻ re. Đó chính xác là liều thuốc bổ và những người khá giả nên mở lòng mình ra để chia sẻ với người nghèo, bạn sẽ nhận được điều vô giá.

Vợ ông có hiểu công việc của ông không?

Cô ấy là một người tuyệt vời. Ban đầu cô ấy cũng như nhiều người khác, rất ngạc nhiên. Nhiều người thắc mắc về tôi: Anh có gia đình khá giả, thừa sức sống phong lưu mà bây giờ anh lại sắm cái xe đi… chở người chết! Ở bệnh viên Trung ương Huế, tôi còn bê cả người chết lên xe, các bác sĩ cản không được phải nhắc tôi cẩn thận và vệ sinh sạch sẽ vì họ cho biết khi người ta chết sẽ giải phóng rất nhiều vi trùng, vi khuẩn dễ lây bệnh.

Tôi giải thích với vợ là nhiều người khổ lắm, mình sướng hơn họ tỉ lần. Cho nên khi họ nhắm mắt xuôi tay, mình chăm sóc cho họ một chút, bế họ lên xe cũng có sao đâu. Cứ làm đi rồi sẽ thấy ý nghĩa của việc mình làm. Không có gì ghê gớm cả.

Giống như chạy marathon vậy. Nhiều người nghe nói chạy marathon vài chục cây số là lắc đầu lè lưỡi. Có người còn nói “không khéo chạy quá lại lăn ra chết” vì suy tim, vì đột quỵ, rồi là chấn thương đầu gối... Ôi thôi thì đủ lý do để sợ. Nếu chết thì đang ngồi trong nhà cũng lăn ra chết vậy!

Sau khi “từ quan”, ông xuất hiện ở các giải marathon cự ly 42km. Điều gì làm ông gắn với môn thể thao này?

Với marathon, khi bạn đã chinh phục được những cự ly mục tiêu rồi, hoặc là chinh phục đích đến khi dự giải, thì bạn sẽ rất hưng phấn. Vì sao? Vì những năng lượng tích cực nó xung lên não, làm ta hưng phấn! Khi bạn vận động liên tục với tốc độ có kiểm soát bền bỉ suốt 42km, thì tim mạch bạn tốt lên, xương khớp bạn được rèn luyện trở nên dẻo dai hơn. Marathon chỉ nguy hiểm khi mới bước vào tập mà hoạt động quá mức. Ở đời cái gì thái quá cũng không tốt.

Tôi từng chạy 60km ở Vũng Tàu cách đây 5 tháng. Chạy quanh bờ biển. Khi đó, tôi luyện thể lực để tham gia giải Marathon Quốc gia. Hay như giải Marathon Lý Sơn mới đây, ở cự ly 42km, tôi về đích thứ 157/343. Nhưng khắc nghiệt ở đây còn là thời tiết, dưới cái nắng 41 độ, cộng với sức nóng từ nhựa đường hực lên. Nhiều em trẻ 25-30 tuổi đổ gục bỏ cuộc. Thế mà chú Hải 51 tuổi chạy băng băng, nể quá! Khi mình về đích, ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, một vận động viên nghiệp dư tham dự giải - PV) bắt tay mình: “Tôi định đăng ký cự ly 42km nhưng thấy thời tiết như thế này chỉ dám đăng ký cự ly 21km”. Nắng lắm!

Chạy có vẻ rất nhàm chán, khi phải chạy 40 - 50km suốt nhiều tiếng đồng hồ. Những lúc chạy như vậy ông thường nghĩ gì?

Kinh doanh. Kiếm tiền.

Tại sao ông nghĩ đến điều đó?

Tôi thích chạy và chỉ chạy một mình, không thích chạy với nhóm nào cả dù có nhiều nhóm vì quý nên thích mình chạy cùng. Vì sao vậy? Vì chạy một mình tôi nghĩ được nhiều thứ, nhất là chuyện kinh doanh.

Kiếm tiền để làm gì? Mục đích duy nhất là để làm thiện nguyện cho người nghèo, chứ còn để sống thì gia đình tôi không phải lo nghĩ gì nữa. Ước nguyện của tôi là xây được ở Nam – Trung - Bắc mỗi miền một căn nhà cho người vô gia cư, cơ nhỡ, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo ở các tỉnh. Họ nghèo lắm. Để chữa bệnh, nhiều người cạn kiệt tiền bạc, bán hết tài sản, cả nhà cửa, đất đai, vườn tược. Khi vào các thành phố chữa bệnh họ phải ở thuê ở trọ, ăn cơm từ thiện bữa đói bữa no. Nhưng cũng chưa hết khổ. Khi chết, họ phải thuê chuyến xe gấp 3-4 lần giá bình thường để về quê an táng. Khổ quá!

Đó là lý do mà khi chạy tôi dành hết tâm trí cho chuyện nghĩ đến việc kiếm tiền để thực hiện ước nguyện của mình, chứ không có chuyện kêu gọi người này, người khác.

Những phút nghỉ ngơi vội vàng của ông Đoàn Ngọc Hải

Người ta biết đến ông Đoàn Ngọc Hải là người khá giả, nếu không nói là giàu có. Và họ nói ông nhờ phía vợ?

Nói thế là chẳng biết gì về Đoàn Ngọc Hải cả. Ông bà cụ thân sinh tôi khá giả lắm. Tôi cũng thế.

Ông bà cụ khá giả lên như thế nào, thưa ông?

Mẹ tôi trước đây là giáo viên Trường Trung cấp Tài chính kế toán Hà Nội, nay bà 74 tuổi. Bố tôi nguyên là công nhân ngành Đường sắt và là một cầu thủ bóng đá cũng nổi ở thập niên 1960 - 1970. Hai ông bà dắt tôi vào Sài Gòn năm 1981. Tôi là con trai duy nhất. Cuộc sống hồi đó khổ lắm, đồng lương chật vật.

Vào Sài Gòn hai ông bà sống bám vỉa hè ngay ngã tư Mạc Đĩnh Chi – Lê Duẩn, bán xôi, bánh cuốn. Bà bán bánh cuốn rất đắt hàng vì pha nước chấm rất ngon. Và từ năm 1981 bà cũng phải… vận dụng quan hệ, biết điều mới bám trụ được ở vỉa hè đó. Cứ bốn rưõi, năm giờ sáng, bà đèo tôi (lúc này 11 tuổi nhưng ốm nhom) sau xe đạp lóc cóc ra đường, có lúc bị xe tông ngã lăn lóc vì hồi đó tối om chứ không sáng sủa như bây giờ. Đấy, có một lần bị tông ngã ngay số 47 Lê Duẩn, bây giờ là cổng UBND quận 1. Xôi, bánh cuốn văng tung toé cả ra. Rồi gần 40 năm sau, tôi cũng “ngã” ở đây và tôi xem đó là một điều gì đó rất lạ trong cuộc đời mình.

Rồi ông bà cũng tích luỹ được chút đỉnh, lên đời chuyển sang bán phở trên vỉa hè đường Đồng Khởi. Lại “vận dụng quan hệ” với các lực lượng mới để được xe phở trên vỉa hè. Bình quân một ngày ông bà bán được 500 tô. Như vậy mới có được tiền.

Có tiền thì ông bà rón rén đi mua vàng. Cứ thế dành dụm. Khi ông bà dành dụm được 62 lượng vàng, tôi thưa rằng đừng để dành vàng làm gì, phải mua nhà, mua đất thì mới có lời. Ông bà lúc đó thấy con trai còn trẻ mà nói cũng vừa tai, thế là mua nhà, mua đất. Từ đó đồng tiền mới sinh lợi cho tới hôm nay. Cũng kể từ đó, tôi khuyên ông bà nghỉ, không bán phở, bán xôi gì cả, không lăn lóc trên vỉa hè nữa.

Những năm ông bà mưu sinh trên vỉa hè mà có ông Đoàn Ngọc Hải làm chiến dịch chắc là cũng… bị hốt nhỉ?

(Cười lớn). Tôi rất thấu hiểu cho cái gian nan vất vả của những người nghèo mưu sinh trên vỉa hè. Vất vả lắm. Không chỉ mưa nắng mà còn là đối phó, biết điều với các lực lượng. Đó là một sự thật, không thể chối bỏ hay nhắm mắt bảo là không thấy.

Thưa ông, công việc chính hiện nay của ông là gì?

Tôi… chỉ đạo vợ kinh doanh. Mỗi sáng tôi dậy từ khoảng 4h-4h30, đọc tin nhắn của bà con cô bác nhờ mình giúp hoặc muốn giúp đỡ mình, muốn chuyển tiền cho người nghèo. Nói thật, nếu mà tôi nhận thì bữa giờ nhận được nhiều tỉ lắm rồi. Có người ở Hà Nội muốn ủng hộ 1 tỉ, có người xin gửi 150 triệu, cũng có người xin góp vài chục, vài trăm ngàn. Nhưng mình không nhận. Giờ đó tôi đọc tin nhắn và trả lời, khoảng 300-500 tin. Còn cuộc gọi thì không thể nghe.

Sau đó, tôi ăn miếng bánh rồi xỏ giày đi chạy. Từ nay đến cuối năm có khoảng 10 giải ở cự ly 42km và tôi tham dự cả. Khi chạy lại tư duy, suy nghĩ việc kiếm tiền, sau đó trao đổi về ý tưởng, đường hướng làm ăn với vợ. Tôi có nhà hàng đùi cừu nướng ở đường Trường Sa, TP.HCM và khách sạn ở 368 Trần Nhân Tông ở Hội An. Rồi kinh doanh cho thuê nhà nữa. dịch bệnh thế này phải bớt giá thuê cho người ta thở được chứ… Kinh doanh là phải biết đến người ta nữa chứ không chỉ khăng khăng được phần mình.

Đấy, marathon đem lại cho tôi năng lượng tích cực để tôi suy nghĩ sáng suốt như vậy. Tôi mong các bạn trẻ hãy chơi môn này, vừa rẻ - chỉ tốn đôi giày - vừa đem lại năng lượng tích cực. Lúc trước tôi nặng 75kg, cao 1,62m. Nay tôi giảm đi 17kg, chỉ còn 58kg. Người thì nhẹ nhàng khoẻ khoắn, suy nghĩ thì tích cực. 17kg đó còn đeo trên người thì làm sao tôi chở người nghèo đi cả ngàn cây số như vừa rồi được!

Ông Đoàn Ngọc Hải và vợ

Ông Đoàn Ngọc Hải là vận động viên phong trào đã hoàn thành đường chạy marathon tại Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Báo năm 2020 diễn ra ngày 5/7 tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Ông từng là một phó Chủ tịch quận. Thưa ông, người dân phần nhiều ta thán về cán bộ. Theo ông, một cán bộ tốt, làm việc hiệu quả phải là người như thế nào?

Một là phải có hai bàn tay sạch. Chỉ có sạch mới làm được. Tiếp đó là nói đi đôi với làm; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hiện nay thì quá nhiều nơi, nhiều lĩnh vực chỉ hô hào suông, hình thức, không có cái gì đạt kết quả cao.

Có một thực tế là gần như rất nhiều cửa ở cơ quan công quyền, người dân muốn bước vào là lục đục chuẩn bị phong bì trước cửa. Không sạch thì không làm được việc đâu.

Thế người nào gõ cửa phòng ông gửi phong bì chưa?

Không được lên phòng tôi vì thư ký chặn ngay. Tôi luôn tiếp dân ở phòng tiếp dân, cùng thư ký.

Gia đình ông Đoàn Ngọc Hải giàu có nên ông Hải dễ dàng từ chối. Những cán bộ khác thì sao?

Không chỉ vì có điều kiện mà chính vì bản chất tôi ngay ngắn. Cũng có một số người như tôi nhưng số khác nhiều hơn. Đó cũng chính là điều khó khăn cho những người thuộc loại số ít như tôi, vì chúng ta đều biết hệ thống hành chính của chúng ta được điều hành bằng số phiếu, mà tôi thuộc loại số ít.

bệnh nhân được ông Đoàn Ngọc Hải chở đang lên xe để chuẩn bị về quê

Có phải vì vậy mà trong chiến dịch dọn dẹp lòng lề đường, vỉa hè năm 2017, trông ông lúc nào cũng rất cô đơn?

48 bãi xe ở quận 1, khi kiểm tra thì lòi ra toàn bộ là của các đoàn thể, đơn vị cả. Tất cả các đơn vị trong quận đều có bãi xe. Bãi xe nào cũng có “ông lớn” phía sau. Thế thì một mình tôi, tôi làm sao đây? Đụng vào là chết!

Biết chết sao ông vẫn lao vào?

Vì tôi nghĩ đây là thời cơ để đóng góp cho thành phố và tôi cũng đã có tuổi, không còn thời gian nhiều. Xung phong lên phía trước, đương đầu với khó khăn, thành công thì mình “lên” bước nữa; không thành công thì… đi về thôi!

Ông Đoàn Ngọc Hải là người thẳng thắn. Xin hỏi một câu cũng thẳng thắn: Nhiều người chia sẻ với việc của ông làm hiện nay nhưng cũng có người nói ông muốn nổi tiếng, làm màu. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

Để làm được điều này tôi phải vượt qua nhiều thứ, từ gia đình, họ hàng, bạn bè. Giờ thì người thân của tôi đã thấu hiểu. Còn tôi nghĩ sao ư? Tôi nghĩ người dân, công chúng tự có cách hiểu của họ. Không ai có thể lòe bịp được thiên hạ đâu. Tôi chỉ sống và làm những điều tôi cho là có ý nghĩa với cuộc đời mình và cuộc sống chung thôi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc ông có sức khoẻ để chinh phục các cự ly marathon, có sức khoẻ để phục vụ người nghèo và sống có ý nghĩa

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 10854
  1. Ông Đoàn Ngọc Hải giành huy chương khi chinh phục cự ly 42km tại Hà Giang
  2. Ông Đoàn Ngọc Hải tiếp tục giành thêm huy chương ở giải marathon
  3. Lý do ông Đoàn Ngọc Hải xin ngưng nhận quà cho trẻ em vùng cao
  4. Ông Đoàn Ngọc Hải trải lòng về đồng hồ Patek Philippe, điện thoại Vertu
  5. Cho tiền không lấy, ông Đoàn Ngọc Hải viết hẳn lên xe ô tô : ‘Hãy cho tôi mấy lon sữa đặc Ông Thọ
  6. Ông Đoàn Ngọc Hải: “Tôi không nhận tiền vì rất sợ bị người khác hiểu nhầm”
  7. Ông Đoàn Ngọc Hải làm “người quân tử đi qua ruộng dưa”
  8. Ông Đoàn Ngọc Hải “xin sữa đặc”, không nhận tiền vì... sợ hiểu nhầm
  9. Bản tin 8H: Ông Đoàn Ngọc Hải sợ nhận tiền, chỉ xin sữa đặc
  10. Xe chở bệnh nhân miễn phí của ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ xuất hiện dòng chữ phía sau, cộng đồng mạng rần rần tặng lời khen
  11. Một mình làm việc thiện giữa mùa Trung thu, bác Đoàn Ngọc Hải cảm động khi được người dân xứ Nghệ tặng quà thân tình
  12. Ông Đoàn Ngọc Hải nhận được nhiều quần áo, đồ chơi cũ tặng trẻ em nghèo Hà Giang
  13. Đại gia Hải Dương mua xe cổ, áo 4 tỷ của ông Đoàn Ngọc Hải là ai?
  14. Ông Đoàn Ngọc Hải xin áo quần, đồ chơi, tập vở cho trẻ em khó khăn
  15. Ông Đoàn Ngọc Hải: ‘Tụi mình chung tay để làm từ thiện, chứ không phải mua bán gì’
  16. Chuyện 4 tỉ đồng từ thiện của ông Hải, PGS Hiếu và doanh nhân Hải Dương
  17. Ông Đoàn Ngọc Hải sắp mua đất xây nhà ở Thừa Thiên-Huế
  18. Bán xe cổ, áo đấu, ông Hải ‘sướng rơn’ có thêm 4 tỷ xây nhà cho người cùng khổ: Dốc hết tâm can
  19. Xe cổ và áo thi đấu của ông Đoàn Ngọc Hải bán được bao nhiêu tiền để làm từ thiện?
  20. Ông Đoàn Ngọc Hải nổi giận vì bị mạo danh quyên tiền từ thiện
  21. Xe Daihatsu đời cổ, tiền tỷ của ông Đoàn Ngọc Hải có gì?
  22. Người mua xe cổ và 4 áo đấu của ông Đoàn Ngọc Hải là một doanh nhân ở Hải Dương
Video và Bài nổi bật