Sớm di dời lò gạch ra khỏi khu dân cư

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đề án di dời lò gạch thủ công ra khỏi khu dân cư vì có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch của tỉnh đã có từ nhiều năm nay, thế nhưng người dân nhiều nơi vẫn hằng ngày sống chung với khói, bụi từ các lò gạch này. z
Sớm di dời lò gạch ra khỏi khu dân cư
Lò gạch nung thủ công ở xã An Phước (H.Long Thành). Ảnh: B.Mai

Xem Video: Bà Rịa Vũng Tàu: Di dời hơn 1.000 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư

Mong muốn chung của người dân là phải di dời các lò gạch ra khỏi khu dân cư để môi trường sống trong lành hơn.

* Nhiều năm sống chung với khói, bụi

P.An Hòa là khu vực tập trung nhiều lò gạch thủ công nhất ở TP.Biên Hòa với hơn 20 lò. Theo ghi nhận thực tế, các lò gạch ở đây nằm xen kẽ với nhà dân, trường học, chợ và phả khói đen liên tục bất kể ngày đêm.

Ông Lê Văn Khánh, người dân KP.3, P.An Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, xung quanh nơi ông sống có gần 10 lò gạch thủ công đang hoạt động. Hằng ngày, hàng ngàn người dân, học sinh, công nhân lao động phải hít thở trong bầu không khí nồng nặc mùi than đá từ các lò nung gạch. “Có lò dùng vải vụn, nhựa, ny-lông, vỏ cao su vụn để nhóm lửa nên khói đen rất nhiều, khó chịu. Nhiều người mắc chứng khó thở phải đi chỗ khác khi các lò đỏ lửa. Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe và nhiều lần kiến nghị lên phường, các buổi tiếp xúc cử tri đề nghị sớm di dời các lò gạch đi nơi khác nhưng vẫn chưa thấy giải quyết gì” - ông Khánh bức xúc.

Bà Trần Thị Nhị, người dân sống gần một lò gạch ở P.An Hòa (TP.Biên Hòa) cho hay: “Ngày nắng thì bụi mù mịt, còn ngày mưa đường khói không thoát được quanh quẩn ở tầng dưới rất khó chịu. Tôi chỉ mong các lò gạch di dời sớm ngày nào tốt ngày đó”.

Xã An Phước (H.Long Thành) cũng có khoảng 30 lò gạch thủ công đang hoạt động. Các lò gạch phần lớn nằm sát đường dẫn vào 2 khu công nghiệp Long Đức và An Phước nên ngoài gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân, người thuê trọ, các lò gạch này còn ảnh hưởng đến mỹ quan khu công nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Bao quanh khu vực này là khu dân cư, khu công nghiệp nhưng các lò gạch vẫn ngang nhiên xả khói đen suốt đêm ngày. Chúng tôi không hiểu có khó khăn gì mà nhiều năm nay vẫn chưa di dời các lò gạch đi nơi khác. Mấy chục lò gạch lụp xụp phả cột khói cao cả chục mét trông rất mất mỹ quan” - ông Nguyễn Văn Thế, ngụ ấp 5, xã An Phước (H.Long Thành) bày tỏ.

Tại một số nơi thuộc TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Trảng Bom cũng còn nhiều lò gạch thủ công đang hoạt động. Các lò gạch này đều nằm trong diện phải di dời đi nơi khác hoặc ngưng hoạt động theo quy định của tỉnh, nhưng đến nay, phần lớn chưa được thực hiện. Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, gây ô nhiễm môi trường không khí, các lò gạch thủ công còn gây mất mỹ quan đô thị. Người dân các địa phương bị ảnh hưởng mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng sớm có giải pháp buộc các lò gạch ngưng hoạt động.

* Kiên quyết đưa các lò gạch ra khỏi khu dân cư

Thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định về việc di dời các lò gạch thủ công ra khỏi khu dân cư, chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang làm gạch không nung. Theo quyết định hiện hành, trên địa bàn tỉnh có hơn 140 lò gạch buộc phải dừng hoạt động hoặc di dời đến nơi phù hợp quy hoạch, thời gian chậm nhất vào cuối năm 2018. Thế nhưng đến nay, hầu hết các lò gạch trên chưa dừng hoạt động.

Bà Phạm Thị Thủy Trang, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị H.Long Thành cho biết, phần lớn các lò gạch trên địa bàn huyện là cơ sở sản xuất nhỏ, đã hoạt động lâu năm, hiện tại gặp khó khăn về thuê mướn địa điểm vì giá đất thuê, mua ở Long Thành khá cao. Phòng Quản lý đô thị đã làm việc với các chủ lò gạch để lắng nghe nguyện vọng và phần lớn các chủ lò gạch đều mong muốn được chuyển đất lò gạch sang đất ở để tiếp tục được sử dụng phần đất này chuyển đổi ngành nghề hoặc cho thuê đất lấy tiền đầu tư lò gạch ở nơi khác, mong muốn tỉnh hỗ trợ một phần chi phí để di dời. Phòng Quản lý đô thị đã lập quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các lò gạch, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh yêu cầu các lò gạch đóng cửa để bảo vệ môi trường khu dân cư.

Theo bà Nguyễn Thị Duyên, Trưởng phòng Kinh tế TP.Biên Hòa, tháng 6 vừa qua, các sở, ban, ngành của tỉnh và TP.Biên Hòa đã tiến hành thanh, kiểm tra các lò gạch thủ công trên địa bàn thành phố. Kết quả kiểm tra cho thấy trên địa bàn thành phố có 42 cơ sở sản xuất gạch nung, tập trung chủ yếu tại các phường: An Hòa (23 cơ sở), Tam Phước (6 cơ sở), Phước Tân (12 cơ sở) và xã Long Hưng (1 cơ sở); trong đó có 38 cơ sở đang hoạt động, 4 cơ sở đã thực hiện tháo dỡ lò và ngưng hoạt động. Mới đây, UBND thành phố có văn bản trình UBND tỉnh về kế hoạch di dời, ngừng các lò gạch thủ công và đang chờ tỉnh phê duyệt.

Liên quan đến việc thực hiện di dời lò gạch thủ công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường đối với các lò gạch đang hoạt động; Sở TN-MT hướng dẫn UBND các huyện, thành phố lấy mẫu chất thải ở các lò gạch kiểm tra, nếu vi phạm quy định về môi trường phải xử lý nghiêm; yêu cầu ngưng hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gạch nung chưa làm thủ tục đánh giá tác động môi trường; sớm triển khai hạ tầng cụm công nghiệp để đưa các nhóm ngành nghề thuộc diện di dời vào cụm công nghiệp tập trung.

Trong thời gian chờ tích hợp quy hoạch ngành vật liệu xây dựng và quy hoạch tỉnh Đồng Nai, Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch nung, ưu tiên triển khai trước đối với các cơ sở nằm trong khu dân cư, khu đô thị, trên địa bàn thành phố, thị trấn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật