Dấu ấn trí thức trẻ tình nguyện về vùng khó

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thực hiện Đề án “Thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” (gọi tắt là Đề án 500) của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã tuyển chọn được 7 trí thức trẻ và bố trí công tác tại 7 xã thuộc 2 huyện đảo Vân Đồn và Cô Tô. Những đội viên của Đề án đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, cống hiến sức trẻ, tài năng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Dấu ấn trí thức trẻ tình nguyện về vùng khó
Anh Nguyễn Khuông Khá (ngoài cùng, bên trái) thực địa công trình nâng cấp, mở rộng đường trục thôn Hồng Hải (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô), tháng 9/2020.

Xem Video: Sôi nổi những ngày đầu chiến dịch thanh niên tình nguyện hè

Để kịp thời tuyển chọn đội viên cho Đề án 500, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nội vụ, ban hành Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 9/5/2014 về việc phê duyệt kế hoạch tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các huyện Vân Đồn, Cô Tô. Trong đó, có quy định cụ thể về nội dung, cách thức thực hiện Đề án. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc tham mưu triển khai nhiệm vụ, đảm bảo đúng quy định, lộ trình.

Ngay từ khi triển khai Đề án, các đội viên được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh thường xuyên quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tinh thần. Đồng thời, thực hiện các chế độ chính sách đối với đội viên đúng quy định, chú trọng công tác phát triển Đảng đối với đội viên. Trong 7 đội viên, có 1 đội viên là đảng viên trước khi tham gia Đề án, 4 đội viên được kết nạp Đảng sau khi về xã công tác, 2 đội viên đang được giúp đỡ phát triển Đảng.

Những chính sách trên đã giúp các trí thức trẻ yên tâm công tác, cống hiến tâm sức, trí tuệ cho vùng đất mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chị Tô Thị Tiến (quê xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) đã gắn bó với xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) đến nay được 5 năm. Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, cô gái trẻ sinh năm 1992 tình nguyện tham gia, trở thành đội viên Đề án 500, được bố trí đảm nhận chức danh công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường tại xã Ngọc Vừng. Chị Tô Thị Tiến chia sẻ: "Những ngày đầu khi ra đảo, tôi luôn tâm niệm, với những kiến thức đã được học sẽ góp một phần công sức nhỏ bé vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở xã đảo. Tuy nhiên, là sinh viên mới ra trường, nên việc tiếp xúc với môi trường mới tại một xã đảo cũng khiến tôi lo lắng. Nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, địa phương, tôi dần làm quen với công việc".

Qua nắm bắt tình hình thực tiễn địa phương, chị Tiến đã tham mưu đề xuất với Đảng ủy, chính quyền xã các giải pháp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Chị đã vận động được hàng chục hộ dân hiến trên 8.652m2 đất để xây dựng đường giao thông nội đồng; hướng dẫn 22 hộ lập dự toán hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt xã đảo.

Anh Nguyễn Khuông Khá (SN 1987), năm 1993 theo gia đình ra xây dựng kinh tế tại huyện đảo Cô Tô. Tốt nghiệp chuyên ngành môi trường tại Đại học Hàng Hải Việt Nam, anh có nguyện vọng trở về góp sức dựng xây huyện đảo. Năm 2015, trở về xã Đồng Tiến, anh Khá đảm nhận chức danh công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường.

Anh Khá chia sẻ: Là con em địa phương nên khi trở về Cô Tô làm việc anh có rất nhiều thuận lợi. Qua thực tế tại địa phương anh thấy vấn đề môi trường trên địa bàn xã nói riêng, huyện nói chung, còn một số hạn chế. Đặc biệt, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt còn cao, trong đó thành phần chủ yếu là túi nilon. Anh đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo cấp trên về Đề án Hạn chế sử dụng túi nilon trên địa bàn Cô Tô, đến nay triển khai hiệu quả. Cái được nhất của Đề án là thay đổi nhận thức của người dân trong việc hạn chế sử dụng túi nilon, bảo vệ môi trường của huyện đảo.

5 năm qua, các đội viên tham gia Đề án 500 ở Quảng Ninh luôn mang trong mình tinh thần xung kích, sáng tạo, khát khao cống hiến với mong muốn được góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng đội viên sau khi kết thúc Đề án 500 đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Trong đó, giao UBND huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, đơn vị có liên quan thực hiện công tác quy hoạch cán bộ theo hướng đội viên Đề án được xem xét, quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ sở để chuẩn bị nguồn nhân sự cho cấp ủy, HĐND, UBND cấp xã trong nhiệm kỳ mới. Đồng thời, rà soát, biên chế nghiên cứu vị trí việc làm ưu tiên dành chỉ tiêu biên chế để sau khi kết thúc Đề án, các đội viên được xem xét, tuyển dụng công chức cấp xã hoặc công chức, viên chức cấp huyện theo quy định nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn.

Việc triển khai Đề án 500 tại Quảng Ninh đã và đang góp phần sử dụng hiệu quả nguồn cán bộ trẻ có trình độ tri thức và nhiệt huyết, làm thay đổi diện mạo của những vùng khó khăn, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển bền vững.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật