Australia cân nhắc yếu tố Trung Quốc trước khi trở thành thành viên G7

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện vẫn chưa rõ, Australia sẽ dự thượng đỉnh G7 vào tháng 9 tới với tư cách khách mời hay đã được đề nghị làm thành viên chính thức của cơ chế này.
Australia cân nhắc yếu tố Trung Quốc trước khi trở thành thành viên G7
Thủ tướng Australia Scott Morrison sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 9/2020. Ảnh: AAP

Truyền thông Australia vừa cho biết, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Scott Morrison về việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G27 vào tháng 9 tới. Trước đó vào sáng nay, hai nhà lãnh đạo cũng đã có cuộc nói chuyện điện thoại về vấn đề này. Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp Australia được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tiếp sau hội nghị đầu tiên được tham dự vào năm ngoái tại Pháp.

Trước đó vào cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn cải cách G7 bằng việc mời thêm một số quốc gia như Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ tham dự cuộc họp dự kiến vào tháng Chín tới. Tổng thống Donald Trump đã gọi điện thoại để trao đổi với các nhà lãnh đạo Australia, Nga và Hàn Quốc về ý định này. Ngoài Australia, Hàn Quốc cũng đã nhận lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới.

Như vậy cho đến lúc này, việc Australia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng Chín tới đã rõ ràng song việc nước này có được mời làm thành viên mở rộng hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Tham gia G7 là cơ hội khẳng định vị thế của Australia

G7 là nhóm 7 nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Theo số liệu năm 2018, nhóm này chiếm khoảng 58% tài sản toàn cầu và đóng góp khoảng 46% vào GDP toàn cầu. Vì vậy, bất kỳ quốc gia nào khi được mời tham dự cuộc họp của nhóm này đều là sự khẳng định về vai trò và vị trí của quốc gia đó trên trường thế giới. Năm ngoái, Australia cũng đã được Pháp mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 với tư cách khách mời. Nếu việc tham dự hội nghị với tư cách khách mời là sự khẳng định vị thế của một quốc gia thì việc trở thành thành viên của G7 còn ý nghĩa lớn hơn nữa khi không chỉ được công nhận là quốc gia phát triển hàng đầu mà còn là cơ hội để quốc gia đó phát huy ảnh hưởng rộng hơn trên toàn thế giới. Australia cũng không ngoại lệ.

Vì lý do này mà ông Michael Fullilove, Giám đốc điều hành viện Lowy khẳng định, Australia nên theo đuổi việc trở thành thành viên của G7. Ông Michael Fullilove cho biết “Australia là nền kinh tế lớn thứ 13-14 của thế giới”, việc tham gia của Australia vào G7 sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên trong lúc cơ chế này đang tập trung quá nhiều vào Châu Âu”. Ông Michael Fullilove nhận định, “tư cách là thành viên G7 mở rộng sẽ giúp Australia theo đuổi mục tiêu và lợi ích của mình ở vị trí cao nhất”.

Những vấn đề Australia cân nhắc khi tham gia G7

Cho dù cho đến lúc này vẫn chưa rõ là liệu Australia có được mời làm thành viên của G7 mở rộng hay không song những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra cuộc thảo luận tại Australia. Giới học giả Australia cho rằng, nước này cần tìm hiểu kỹ về định hướng, mục tiêu hợp tác trong khuôn khổ G7 để tránh tham gia vào một cơ chế đối đầu với Trung Quốc.

Ông Ashley Townshend, Giám đốc chính sách ngoại giao và quốc phòng thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney nhận định việc trở thành thành viên chính thức của G7 vừa là “bẫy” vừa tạo ra sự “chia rẽ” mà Australia cần phải cân nhắc. Ông Ashley Townshend cho biết “bất kỳ nỗ lực cải cách nghiêm túc G7 đều được hoan nghênh từ quan điểm của Australia” tuy vậy, “cách tiếp cận đối đầu trực tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc sẽ không có lợi cho lợi ích của Australia”. Australia hiện đang là thành viên của Tứ giác kim cương cùng với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản để tạo ra sự cân bằng với Trung Quốc. Vì vậy việc tham gia thêm các cơ chế khác nhằm đối trọng với Trung Quốc sẽ càng khiến cho quan hệ vốn đang gặp nhiều khó khăn với Trung Quốc có thêm nhiều thách thức mới.

Cùng chung quan điểm này, ông Allan Gyngell, nguyên lãnh đạo cơ quan tình báo Australia và hiện là Chủ tịch của viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Australia nhận định, Australia cần phải suy nghĩ cẩn thận về việc gia nhâp G7 mở rộng. Ông Allan Gyngell cho biết không muốn Australia tham gia vào một “liên minh chống lại Trung Quốc”.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Australia với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 235 tỷ vào năm ngoái, chiếm gần 30% giá trị trao đổi thương mại của Australia với thế giới. Trung Quốc cũng được cho là nền kinh tế đóng vai trò giúp Australia nhanh chóng lấy lại động lực tăng trưởng để vượt qua những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy vậy trong những năm gần đây và mới nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang đi xuống. Trong bối cảnh Australia vẫn tiếp tục cần Trung Quốc với vai trò là đối tác kinh tế để giúp nước này phục hồi sau những tác động của dịch Covid-19 thì nước này sẽ càng phải cân nhắc kỹ hơn các hoạt động quốc tế để tránh làm tổn hại không cần thiết tới mối quan hệ vốn đang gặp nhiều khó khăn với Trung Quốc.

Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu Australia cũng cho rằng nước này cũng cần thận trọng đánh giá về mục đích thực sự đằng sau đề xuất mở rộng G7. Ông Allan Gyngell nhận định, nếu G7 mở rộng tập trung vào các vấn đề kinh tế mà lại thiếu sự có mặt của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thì hiệu quả sẽ hạn chế. Bên cạnh đó, ông Alland Gyngell cũng lưu ý Australia cần đánh giá về ý nghĩa của việc này đối với các tổ chức đa phương khác và cho rằng, việc mở rộng G7 có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của các cơ chế hợp tác đa phương khác.

Ông Daniel Flitton, tổng biên tập tạp chí The Interpreter thuộc viện nghiên cứu Lowy nhận định, đề xuất mở rộng G7 vào thời điểm chỉ còn vài tháng nữa diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ sẽ khiến cho đề xuất này gặp nhiều khó khăn. Không phải chờ đợi lâu, hôm nay, Thủ tướng Canada và Anh cũng đã lên tiếng phản đối việc Mỹ mời Nga tham dự cho thấy việc mở rộng G7 như đề xuất của Tổng thống Trump không dễ thành hiện thực

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật