Đắk Lắk giải quyết bài toán việc làm cho người lao động trong và sau dịch

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính quyền và doanh nghiệp tỉnh này đã và đang có nhiều phương án giải quyết việc làm cho người lao động trong và sau dịch COVID-19.
Đắk Lắk giải quyết bài toán việc làm cho người lao động trong và sau dịch
Người dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch cà phê (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: B.T

Hỗ trợ dân khai thác nông sản chủ lực

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vừa yêu cầu lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố Chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch và tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê chuẩn bị đến kỳ thu hoạch; vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 85%. Trường hợp tận thu cuối vụ, người dân cần đợi tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%.

Các địa phương xây dựng phương án cụ thể việc huy động lực lượng cho công tác thu hoạch, chế biến và vận chuyển cà phê trên địa bàn. Đối với đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cần bố trí, sắp xếp vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ đến và làm việc vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Từng khu vực triển khai việc thành lập các tổ liên kết địa bàn để hỗ trợ trong thu hoạch, vận chuyển; tận dụng nhân công tại chỗ theo hình thức đổi công, ưu tiên nhân công cho các vườn chín trước; khi cần thiết cũng đề nghị các lực lượng quân đội trên địa bàn hỗ trợ công tác thu hoạch.

Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh nếu gặp khó khăn, vướng mắc về lực lượng thu hoạch tại địa bàn; hướng dẫn người dân chủ động chuẩn bị sân phơi, máy sấy phòng trường hợp thời điểm thu hoach mưa kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cà phê.

Bên cạnh đó, cơ sở cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, các phương tiện đi lại để thu hoạch cà phê và lập danh sách các đơn vị thu mua uy tín, những đơn vị vận chuyển để cung cấp cho người dân có địa chỉ giao dịch.

Riêng Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại trong thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê...

Đề xuất UBND tỉnh có các biện pháp xử lý thích hợp khi thị trường cà phê có những biến động bất thường, nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cà phê; xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp cà phê và các đối tượng tự tổ chức giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phối hợp hỗ trợ người lao động

Hôm qua (25.11), Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hội Doanh nhân Trẻ Tp.HCM tổ chức Chuỗi Cafe Talk với chủ đề “Kết nối giao thương Hồ Chí Minh - Đắk Lắk”.

Ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk - nhận định: "Việc kết nối giao thương để anh em doanh nghiệp cùng nhau phát triển, làm giàu cho địa phương. Mỗi vùng miền sẽ có một lợi thế riêng. Ví như, TP.HCM có thị trường tiêu thụ rộng lớn, cảng biển để tiêu thụ hàng hóa...Còn Đắk Lắk lại là vùng nguyên liệu rộng lớn, sản xuất nhiều loại nông sản chất lượng, giá trị cao, có giá trị xuất khẩu. Đây là bước khởi đầu để doanh nghiệp 2 bên kết nối đề xuất nhiều phương án phối hợp chặt chẽ trong và sau dịch COVID-19.

Ngoài giao thương về mặt kinh tế, 2 địa phương còn có thể giao thương về các lĩnh vực văn hóa, y tế lẫn giáo dục. Bên cạnh đó, chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ về việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương".

Ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk (thứ 2 từ trái sang) đến tham quan một xưởng chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: Bảo Trung

Theo ông Thanh: Vừa qua, đã có một bộ phận rất lớn người dân từ các tỉnh thành khu vực phía Nam hồi hương về Đắk Lắk và vẫn đang chưa có việc làm mới. Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Lắk đã đề xuất với các đơn vị ở TP.HCM cần dịch chuyển nhà máy về địa phương. Nếu làm được như vậy sẽ giải quyết được việc làm cho bà con nơi đây và họ không phải "tha hương cầu thực", gần gũi với gia đình hơn.

Phương án này rất có tính khả thi để thực hiện vì cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển không quá cao, Đắk Lắk hoàn toàn có thể đáp ứng. Ngoài ra, khi doanh nghiệp TP.HCM đặt nhà máy sản xuất tại Đắk Lắk chi phí thuê kho, xưởng ... rất thấp và lương cho người lao động cũng chỉ bằng 70% ở dưới đó, ông Thanh nhấn mạnh.

Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đi thực tế để tìm hiểu, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên kết nối giao thương, hợp tác liên vùng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật