Hai “hạt nhân” trong hệ sinh thái Hoàn Cầu kinh doanh lao dốc từ ngày cố doanh nhân Tư Hường ra đi

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngay sau khi bà Tư Hường rời cõi tạm, 2 hạt nhân trong hệ sinh thái Hoàn Cầu gồm Công ty TNHH Hoàn Cầu và CTCP Hoàn Cầu Nha Trang liên tiếp báo lỗ, thậm chí âm vốn chủ sở hữu và nợ phải trả cao ngất ngưởng.
Hai “hạt nhân” trong hệ sinh thái Hoàn Cầu kinh doanh lao dốc từ ngày cố doanh nhân Tư Hường ra đi
Biểu đồ: Q.D.

Bà Tư Hường (Trần Thị Hường) được giới kinh doanh Việt Nam biết đến là doanh nhân xuất sắc trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng. Ngoài Ngân hàng Nam Á, Tập đoàn Hoàn Cầu với hệ sinh thái khoảng 30 công ty trong đó hạt nhân là Công ty TNHH Hoàn Cầu và CTCP Hoàn Cầu Nha Trang. Khối tài sản của bà Tư Hường được chồng của bà – ông Nguyễn Chấn ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng (năm 2017).

Tuy nhiên, sau khi doanh nhân Trần Thị Hường qua đời tháng 5/2017, sóng gió ập đến gia đình bà vì các tranh chấp liên quan đến tài sản. Cùng với đó, 2 hạt nhân trong Tập đoàn Hoàn Cầu cũng có nhiều biến động về sở hữu lẫn kết quả kinh doanh.

Hai "hạt nhân" Hoàn Cầu và Hoàn Cầu Nha Trang đua nhau lỗ, có nguy cơ mất vốn

Dữ liệu cho thấy, năm 2016, Công ty TNHH Hoàn Cầu (Hoàn Cầu) có tổng nguồn vốn 5.712 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu đạt 1.221 tỷ đồng. Trong năm 2016, Hoàn Cầu ghi nhận lợi nhuận sau thuế (lãi ròng) 85,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, Hoàn Cầu bất ngờ báo lỗ 83,8 tỷ đồng, qua đó vốn chủ sở hữu của Hoàn Cầu cũng sụt giảm xuống 1.145 tỷ đồng. Dù vậy, tổng tài sản của Hoàn Cầu đạt mức 6.224 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến 2020, Hoàn Cầu tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh bị lỗ, với số lỗ lũy kế 3 năm 2018 – 2020 lên đến 268,7 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau khoảng 4 năm bà Tư Hường rời cõi tạm, Hoàn Cầu ghi nhận hơn 353 tỷ đồng lỗ. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu của Hoàn Cầu lao xuống mức 873 tỷ đồng.

Ở thời điểm cuối năm 2020, tổng nguồn vốn của Hoàn Cầu là 4.654 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối -334 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác là 3.778 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, tổng tài sản của Hoàn Cầu chủ yếu tập trung tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro – phải trả ngắn hạn khác 3.483 tỷ đồng và tài sản thiếu chờ xử lý 1.049 tỷ đồng.

Tương tự như Hoàn Cầu, hoạt động kinh doanh của CTCP Hoàn Cầu Nha Trang bắt đầu ghi nhận lỗ từ năm 2017. Trong đó năm 2017, Hoàn Cầu Nha Trang bất ngờ báo lỗ -295,2 tỷ đồng, cùng kỳ trước đó năm 2016 lãi 13,3 tỷ đồng. Trong vòng 4 năm từ 2017 – 2020, hoạt động kinh doanh của Hoàn Cầu Nha Trang liên tiếp thua lỗ, lỗ lũy kế ghi nhận hơn -392 tỷ đồng.

Biểu đồ: Q.D.

Đặc biệt, nguy cơ mất vốn đang hiện hữu tại Hoàn Cầu Nha Trang khi đến cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của Hoàn Cầu Nha Trang âm gần (-)32 tỷ đồng; nợ phải trả lên đến 10.402 tỷ đồng.

"Đổi chủ" ngay trong tháng cố doanh nhân Tư Hường rời cõi tạm

Được biết, Hoàn Cầu được thành lập năm 1993, có vốn điều lệ 1.170 tỷ đồng. Trước thời điểm 31/05/2017, Hoàn Cầu được nắm giữ bởi 5 cá nhân trong đó ông Nguyễn Chấn (chồng bà Tư Hường) nắm giữ 89,99% vốn điều lệ; con trai thứ của bà Tư Hường là ông Nguyễn Quốc Toàn nắm giữ hơn 4%; 6% còn lại chia đều cho 3 cá nhân gồm ông Nguyễn Quốc Cường, ông Phan Đình Tân và bà Nguyễn Thị Thanh Vân.

Ngày 25/05/2017, chưa đẩy 2 tuần sau khi cố doanh nhân Tư Hường rời cõi tạm, chức danh chủ tịch Hội đồng Quản trị và đại diện Pháp Luật của Hoàn Cầu được chuyển sang cho ông Phan Đình Tân – được cho là người làm công của gia đình bà Tư Hường. Ở thời điểm cuối tháng 5, 6% vốn được nắm giữ bởi 3 cá nhân được dồn sang ông Phan Đình Tân (2%) và bà Nguyễn Thị Thanh Vân (4%).

Tháng 11/2017, cơ cấu sở hữu của Hoàn Cầu tiếp tục thay đổi khi toàn bộ vốn được chuyển sang cho 2 cá nhân nắm giữ gồm ông Phan Đình Tân (2%) và ông Dương Tiến Dũng - bố của á hậu Dương Trương Thiên Lý, vợ ông Nguyễn Quốc Toàn nắm giữ 98%.

Tháng 7/2018, Hoàn Cầu một lần nữa thay đổi sở hữu khi ông Phan Đình Tân nắm giữ 99% vốn điều lệ và bà Nguyễn Thị Liệu nắm giữ 1%.

Hiện tài sản có giá trị nhất của Hoàn Cầu ngoài tiền là khoản đầu tư nắm giữ trực tiếp 14,29% vốn của CTCP Cấp thoát nước Bến Tre (UpCOM: NBT); quyền sử dụng đất 1.645m2 tại Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh, đang được thế chấp tại các ngân hàng.

Không dừng lại ở Hoàn Cầu, quá trình đổi chủ của Hoàn Cầu Nha Trang tương tự tại Hoàn Cầu. Hoàn Cầu Nha Trang được thành lập năm 2003, vốn điều lệ 720 tỷ đồng. Ở thời điểm cuối tháng 5/2017, danh sách sở hữu Hoàn Cầu Nha Trang rút gọn từ 5 thành 4 cá nhân, trong đó ông Nguyễn Chấn nắm giữ 91,6% vốn; ông Nguyễn Quốc Toàn nắm giữ 4,4%; bà Nguyễn Thị Thanh Vân nắm giữ 3% và ông Phan Đình Tân nắm giữ 1%.

Hiện, Hoàn Cầu Nha Trang đang được nắm giữ chủ yếu bởi nhóm đại gia mới nổi trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng trong vài năm qua.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật