Đi 20 km để ăn tô phở trong ngày đầu được ngồi tại chỗ ở TP.HCM

Kem Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng sớm 28/10, ông Tài và bà Nga (60 tuổi) đã đi 20 km từ huyện Bình Chánh sang quận 1 để được cùng nhóm bạn thân ngồi ăn tại quán phở cả hội yêu thích.
Đi 20 km để ăn tô phở trong ngày đầu được ngồi tại chỗ ở TP.HCM
Ông Dương Văn Tài vui sướng khi được đi ăn tại quán phở yêu thích sau nhiều tháng.

Từ tối hôm trước, khi nghe thông tin được ngồi ăn uống tại chỗ, bà Quỳnh Nga và hội bạn chơi thân 20 năm đã lập tức lên lịch hẹn. Bước vào quán phở Phú Vương trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1), nhóm bạn 6 người được sắp xếp vào bàn lớn, đảm bảo giãn cách.

"Vui lắm, được ra quán ngồi ăn thế này là phấn khởi không gì bằng. Hơn 4 tháng giãn cách không được đi đâu, hôm nay là ngày đầu nhóm bạn tôi tập trung đông đủ để ăn một bữa", bà nói với Zing.

Thời gian phong tỏa, gia đình bà Nga vừa tự nấu nướng, vừa đặt món ở ngoài để thay đổi. Hiện tại, đã được ngồi ăn tại chỗ nhưng bà vẫn hạn chế tới quán vì lo ngại dịch bệnh. Bản thân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, bà luôn cẩn thận vì ở nhà còn có cháu nhỏ.

Ông Dương Văn Tài, bạn thân của bà Nga, hào hứng chia sẻ: "Được ngồi ăn tại chỗ thế này là đã nhất. Thèm phở ở tiệm này lắm nên đường xa nhưng chúng tôi vẫn tới tận nơi để được thưởng thức, chứ ở gần nhà cũng có tiệm phở nhưng không ngon bằng. Mấy tháng trời không được đi ăn, nhớ lắm".

Hào hứng trong ngày đầu được ngồi ăn tại chỗ

Sáng đầu tiên được ăn tại quán, anh Cảnh (47 tuổi, sống tại quận 3) hạnh phúc khi được thưởng thức tô phở thơm ngon sau nhiều tháng chờ đợi. Trước khi dịch bùng phát, mỗi tuần anh đều vài lần ghé quán phở Phú Vương.

"Cảm giác ăn bát phở nóng hổi tại chỗ ngon hơn nhiều, đặt mang về thì giao tới nơi đã nguội, mất hẳn cái ngon. Hơn nữa, những món ăn nóng đựng trong túi nylon, hộp xốp cũng gây ảnh hưởng sức khỏe".

Thời gian trong dịch, gia đình anh Cảnh vừa tự nấu ăn tại nhà, vừa đặt mang về. Khi có lệnh phong tỏa cứng, anh đặt đồ ăn rất khó vì chỉ được giao nội quận, trong khu nhà tôi ở quận 3 lại ít shipper, phải mua một lúc nhiều đồ để trữ tủ lạnh.

"Bây giờ tôi cũng như nhiều người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine nên cảm thấy an tâm khi ăn uống ở ngoài. Hy vọng dịch bệnh sẽ được dập tắt để ai cũng thoải mái đi ra đường".

Quán phở Phú Vương khá đông khách trong ngày đầu phục vụ tại chỗ.

Ngày đầu được ngồi lại quán, anh Lợi chọn tới quán phở nổi tiếng ở quận 1. Những tháng giãn cách vừa qua, anh chủ yếu ăn tại nhà nên rất nhớ cảm giác ngồi ăn ngoài tiệm.

"Ngày đầu được ngồi ăn tại chỗ, tôi thấy vui sướng, nhưng chắc tạm thời chỉ cho mình vài lần trải nghiệm cho đỡ cơn thèm, chứ chưa thể thường xuyên đi ăn ở ngoài vì dịch còn phức tạp".

Anh Lợi tâm sự dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn lối sống và cách sinh hoạt của mình. Trước đây, anh vốn là một người rất thích ăn hàng quán, hiếm khi nấu nướng. Những ngày giãn cách, anh đã tự nấu nhiều món tại nhà.

Trước giờ làm, anh Hy (nhân viên ngân hàng) cùng đồng nghiệp đi bộ tới ăn sáng tại quán Bún riêu Gánh (đường Phan Bội Châu, phường Bến Thành, quận 1). Đây là lần đầu tiên anh ăn đồ ở ngoài sau thời gian dài giãn cách.

Anh Hy vui vẻ khi được thưởng thức bữa sáng tại quán. Tuy nhiên, anh cũng hụt hẫng vì nhiều quán quen trước đây chưa mở cửa hoặc đã dẹp tiệm do không trụ nổi qua mùa dịch.

"Những ngày giãn cách, tôi chỉ ăn đồ vợ nấu, hoàn toàn không gọi đồ ăn ở ngoài. Dù khá nhớ cảm giác ngồi hàng quán nhưng lâu rồi cũng quen. Bây giờ ngày nào vợ tôi cũng chuẩn bị hộp cơm để chồng mang đi làm", anh kể.

Chủ quán lo lắng, khách còn e dè

Bên cạnh sự hào hứng trong ngày đầu được ngồi lại quán sau nhiều tháng, không ít thực khách lẫn chủ quán vẫn còn e ngại khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Bà Thanh, chủ quán bún riêu Gánh (đường Phan Bội Châu, quận 1) cho biết khuya 27/10 gia đình bà nhận được thông tin thành phố cho phép hàng quán mở bán tại chỗ.

“Lúc đó, chúng tôi nửa mừng nửa lo vì cũng không chắc chắn quán mình có nằm trong diện được phép phục vụ khách tại chỗ không khi nghe một số người nói rằng quy định mới chỉ áp dụng ở quận 7 và thành phố Thủ Đức”.

Bà Thanh cho biết gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian phong tỏa.

Đến sáng 28/10, dù bày sẵn bàn ghế, bà Thanh cũng chưa dám để khách ăn tại chỗ ngay. Phải đến khi thấy các hàng quán xung quanh mở bán bình thường, bà mới bắt đầu tiếp khách tại tiệm.

“Hôm nay cũng gấp gáp quá nên chúng tôi chưa chuẩn bị nhiều nguyên liệu, thức ăn nhưng hy vọng đủ để phục vụ thực khách”.

Chủ quán cho biết bà cảm thấy vui mừng khi lại được chứng kiến cảnh khách thưởng thức tô bún riêu nóng hổi tại quán sau hơn 4 tháng.

“Trong giai đoạn dịch bệnh quán phải đóng cửa rồi một tháng nay cầm cự bằng việc bán mang đi, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Giờ được bán tại chỗ tuy không được đông vui như xưa vì khách của tiệm chủ yếu là du khách, đó cũng đã là tín hiệu đáng mừng”.

Chị Thanh từ TP Thủ Đức sang quận Phú Nhuận để mua cơm tấm Ba Ghiền.

Trong khi đó, quán Ba Ghiền (đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận), một trong những tiệm cơm tấm nổi tiếng ở TP.HCM, vẫn tiếp tục duy trì việc bán online và mang về thay vì phục vụ khách tại chỗ.

Dù một số hàng quán xung quanh nhộn nhịp mở cửa, tiệm cơm tấm này vẫn đóng kín cửa, rào chắn cẩn thận xung quanh và chỉ mở một lối nhỏ cho khách xếp hàng, đặt thức ăn mang về.

“Hiện tại chúng tôi vẫn lo ngại về tình hình dịch bệnh. Nếu bán tại chỗ có thể gây nguy hiểm cho cả khách lẫn quán, vậy nên trước mắt chúng tôi sẽ chỉ bán mang đi, chưa có kế hoạch bán ăn ở quán”, anh Vĩnh Thụy, nhân viên tiệm cơm tấm, nói.

Chị Thanh đi một quãng đường khá xa từ TP Thủ Đức để tới xếp hàng mua cơm tấm tại quán Ba Ghiền. Chị nói không quá mong chờ chuyện được ăn tại quán vì dịch bệnh vẫn phức tạp.

"Tôi nghĩ phải một thời gian nữa khi tình hình an toàn hơn, gia đình tôi mới dám ra ăn ở tiệm", chị bày tỏ.

Cùng quan điểm với chị Thanh, anh Lợi cho biết sẽ hạn chế ăn uống ở ngoài trong thời gian này để đảm bảo việc chống dịch.

"Hàng quán bắt đầu được bán tại chỗ, rất nhiều bạn bè rủ ngồi cà phê hay đi ăn uống, tôi sẽ tham gia nhưng không có ý định tụ tập nhiều để ’trả thù’ những ngày bị trói chân trong nhà.

Thời gian tới, tôi cho phép mình đi lại thoải mái hơn một chút nhưng không bung xõa vì không muốn là tác nhân khiến cho Covid-19 có thể bùng phát mạnh trở lại. Thời điểm này, nếu ai cũng ùa ra đường như lúc chưa có dịch thì rất nguy hiểm", anh nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật