Bát trận đồ của Gia Cát Lượng, đỉnh cao dàn trận trong lịch sử quân sự

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Do tư liệu lịch sử thất lạc nên người ta không thể nghiên cứu kỹ về trận pháp này, nhưng dựa trên những bằng chứng còn sót lại, mọi người đều công nhận rằng bát trận đồ thực sự tồn tại và rất lợi hại.
Bát trận đồ của Gia Cát Lượng, đỉnh cao dàn trận trong lịch sử quân sự
Ảnh minh họa

Bát trận đồ không phải là sáng chế của riêng Gia Cát Lượng. Từ trước đó rất lâu người ta đã biết đến cách bày binh bố trận dựa trên bát quái. Tuy nhiên, phải đến khi Gia Cát Lượng xuất hiện, mới có người đủ tài để đưa bát trận đồ lên tầm trận pháp huyền thoại, biến hóa khôn lường.

Lục Tốn lạc bát trận đồ

Trong Tam quốc diễn nghĩa, dù hàng ngũ quân sư của các phe đều không thiếu các môn khách cũng như mưu sĩ tài ba, thế nhưng Khổng Minh nổi bật hơn hẳn Tuân Úc, Quách Gia hay Tư Mã Ý là nhờ vào tài dùng "kỳ binh" của mình. Vị quân sư của Thục Hán đã đạt đến cảnh giới cao trong việc điều binh khiển tướng. Ngoạn mục nhất phải kể đến là khi ông phục sẵn trận đồ để dồn tướng Đông Ngô là Lục Tốn vào đường chết.

Chuyện bắt đầu khi Lưu Bị nôn nóng cử 70 vạn quân sang đánh Đông Ngô. Sau thời gian đầu thắng thế, quân Thục bị tướng  Đông Ngô là Lục Tốn đưa vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Đến mùa hè năm 222, Lục Tốn cho quân phản công, dùng lửa thiêu trụ 40 trại của quân Thục.

Lục Tốn thừa thắng truy đuổi quân Thục. Khi đuổi đến sát ải Qùy Quan, Tốn thấy gần bờ sông bên sườn núi có sát khí bốc lên ngùn ngụt. Vốn tính cẩn trọng, Tốn bèn ra lệnh lùi 10 dăm, hạ trại đợi địch chứ không truy đuổi thêm. Tuy nhiên, đợi mãi không có động tĩnh, Tốn sai người đi do thám. Càng về tối thì sát khí bốc lên càng mạnh, nhưng quân do thám vẫn báo về không có binh tốt nào mai phục, chỉ có chừng 80-90 đống đá xếp ngổn ngang bên sông.

Dân địa phương nói rằng đống đá vốn là trận đồ do Gia Cát Lượng bày ra, kể từ khi dựng lên thì ngày nào sát khí cũng bốc lên ngùn ngụt. Tốn lấy làm lạ, lại dẫn kỵ mã đến tận bãi đá dò la. Nhìn từ trên cao xuống thì thạch trận bốn mặt tám hướng đều có cửa ra nên cho là chiêu tâng bốc, dùng mê thuật để lung lay lòng người. Vị tướng Đông Ngô liền thân chinh đi vào trận đồ.

Lúc định trở ra, Lục Tốn giật mình khi thấy cơn gió lớn nổi lên, cát sỏi bay mù mịt. Tuy nhiên, dù cửa ra có nhiều nhưng loay hoay mãi vẫn không thể thoát khỏi trận đồ. Đang lúc hoảng loạn, Lục Tốn gặp được một cụ già, nhờ nhân vật này dẫn đường mà Tốn mới thoát thân ra được. Đến khi cáo biệt, Tốn mới biết cụ già là Hoàng Thừa Ngạn tiên sinh, bố vợ của Gia Cát Lượng. Vì cụ ưa làm phúc nên mới cãi lời con rể mà đến cứu Lục Tốn.

Nguyên lý hoạt động của bát trận đồ

Do tư liệu lịch sử thất lạc nên người ta không thể nghiên cứu kỹ về trận pháp này, nhưng dựa trên những bằng chứng còn sót lại, mọi người đều công nhận rằng nó thực sự tồn tại và rất lợi hại.

Nguyên lý hoạt động của trận đồ được các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự lý giải như sau:

Bát trận đồ căn cứ theo bát quái (8 quẻ) Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khảm, Đoài mà bày thành 8 trận chính: Thiên phúc, Địa tải, Long phi, Xà bàn, Hổ dực, Điểu tường, Phong tán, Vân thùy, được án theo 8 cửa. Nếu không hiểu trận pháp mà đi lầm vào cửa tử thì không thể nào ra được. 

Ngôi làng được xây theo bát trận đồ của Gia Cát Lượng ở tỉnh Triết Giang, Trung Quốc

Trong trận lấy 5 người làm 1 ngũ (ngũ hành), 55 người thành 1 đội (số sinh thành của trời đất, trời 25, đất 30), 8 đội thành 1 trận (440 người), 8 trận thành 1 bộ (3.520 người) là trận tiểu thành; 8 bộ thành 1 tướng (28.160 người) là trận trung thành; 8 tướng là 1 quân (225.280 người) là trận đại thành. Từ bát quái biến ra trùng quái (64 quẻ), lấy 8 làm cơ sở mà nhân lên, càng đông người thì trận càng lợi hại.

Khi quân định lọt vào trận, đặc biệt là các đội kỵ binh trang bị nhẹ, quân sĩ sẽ dùng cung tên, mâu, kích để đả thương và tấn công. Vì trận đồ dựa trên nguyên lý bát quái, nên tùy từng tình huống sẽ biến hóa khôn lường để vây khốn quân địch.

Ngày nay, dấu tích của trận đồ từng vây khốn Lục Tốn vẫn còn lưu lại ở ở thị trấn Di Mâu, huyện Tân Đô và dưới thành Bạch Đế, huyện Phụng tiết thuộc tỉnh Tứ Xuyên; Định Quân Sơn ở Miện Dương tỉnh Thiểm Tây; Tây An thuộc tỉnh Vân Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật