Cảnh báo về tình trạng lớp seal mới của iPhone 13 bị làm giả

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo chia sẻ từ một số người có kinh nghiệm buôn bán iPhone, dù là lớp seal nào cũng có thể bị các đối tượng xấu làm giả.
Cảnh báo về tình trạng lớp seal mới của iPhone 13 bị làm giả
Hộp đựng của iPhone 13. (Ảnh: Thế giới di động)

Trong bộ tứ iPhone 13 vừa ra mắt gần đây, Apple có sự thay đổi trong việc đóng hộp sản phẩm. Thay vào đó, hãng dán mảnh giấy niêm phong (seal) mới vào phần sau hộp đựng, thay vì dùng lớp bọc nylon cũ. Theo chia sẻ từ hãng, cách làm này đem đến hiệu quả bảo vệ môi trường khá tốt.

Thông tin trên nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các iFan. Không ít người cho rằng, sự thay đổi ở lớp seal có thể tạo kẽ hở cho người bán hàng nhái, nhập lậu lừa dối khách hàng rằng đây là thiết bị mới, chưa bóc lần nào. Trái ngược với quan điểm trên, số khác nhận định, cách niêm phong bằng giấy có thể làm giảm tình trạng gian thương đóng lại seal của máy đã bị đập hộp, sau đó bán ra thị trường. Lí do là giấy niêm phong khó làm giả hơn lớp nylon.

Mới đây, Báo News cho biết, ngay sau khi iPhone 13 được bày bán, nhiều tấm seal giấy bị làm giả đã xuất hiện. Quan sát hình ảnh được chia sẻ, có thể thấy seal màu trắng của iPhone 13/13 mini và màu đen của iPhone 13 Pro/Pro Max đều là đồ giả mạo.


Seal giấy của dòng iPhone 13 bị làm giả. (Ảnh: Báo News)

Theo ông H.V.T, chủ một cơ sở kinh doanh iPhone tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), tất cả loại seal đều có thể bị làm giả, bởi hiện nay có đủ kĩ thuật hiện đại để làm được việc này. Dù vậy, lớp seal giả sẽ dễ bị nhận ra nếu phông chữ in ấn và chất liệu miếng tem có sự khác biệt so với bản gốc.

Một thông tin thú vị khác là người cung cấp iPhone có thể khò nhiệt hoặc dùng máy sấy để tách lớp seal ra khỏi hộp, tuy nhiên vẫn đảm bảo được phần tem nguyên vẹn. Chính vì vậy, đôi khi khách hàng không thể phát hiện chiếc máy đã bị “động chạm” hay chưa.


Hộp đựng của iPhone 13 không còn lớp bọc nilon trong suốt. (Ảnh: Sina)

Chia sẻ với Báo News, ông Q.M, một người chuyên nhập hàng Mỹ cho hay, khi đưa iPhone về nước, chủ hàng đều khò nhiệt để khui seal tại bước làm thủ tục ở hải quan. Sau khi thông quan, họ sẽ dùng keo dán lại. Ông Q.M cũng gửi lời khuyên đến người tiêu dùng, thay vì quá chú trọng việc quan sát phần seal, mọi người hãy dành thời gian kiểm tra các tính năng và tìm mua ở cơ sở uy tín. Bởi suy cho cùng, lớp seal nào cũng có thể bị làm giả.

Được biết, kể từ khi hình ảnh về iPhone 13 series bị rò rỉ, cộng đồng mạng Trung Quốc đã nổ ra nhiều topic bàn tán xôn xao về cách đóng hộp mới của hãng. Phoenix đã tạo cuộc khảo sát để tìm hiểu suy nghĩ của khách hàng về sự thay đổi này. Từ kết quả cho thấy, có 81.000 người không ủng hộ lớp seal mới, cho rằng phần hộp đựng có thể “bị bẩn” vì không được bảo vệ bằng lớp nylon như trước.


Cận cảnh một chiếc iPhone 13 Pro Max. (Ảnh: Cell Phone S)

Trong khi đó, khoảng 46.000 người ủng hộ cách làm bảo vệ môi trường của hãng. 37.000 người được khảo sát còn lại cho biết, họ không quá quan tâm về vấn đề trên, chỉ cần sản phẩm sử dụng tốt là được.

Đại diện Apple từng tiết lộ, việc chuyển từ lớp nylon cũ sang mảnh giấy dán có thể giúp Apple giảm thiểu được 600 tấn nhựa. Sự thay đổi này nằm trong kế hoạch nói không với bao bì nhựa của hãng trong tương lai.

Hiện, thông tin trên vẫn đang là chủ đề nhận nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Hi vọng người tiêu dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc xem xét bao bì, cũng như kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi rinh về một “em”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật