Ngôi chùa “khủng“ và xây nhanh hiếm thấy tại Quỳnh Phụ - Thái Bình

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chùa Phúc An (hay còn gọi là chùa An Ký) được xây dựng tại làng An Ký, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ, Thái Bình) thời gian qua đã thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài tỉnh bởi kinh phí xây dựng lên đến hàng trăm tỷ đồng và độ hoành tráng của nó.
Ngôi chùa “khủng“ và xây nhanh hiếm thấy tại Quỳnh Phụ - Thái Bình
Chùa Phúc An 

Công trình này bề thế đứng sừng sững tráng lệ giữa một vùng quê nghèo dù trong quá khứ, nơi đây chưa bao giờ có ngôi chùa nào lớn như vậy.

Hoành tráng hiếm thấy

Thời gian gần đây, vùng quê lúa Quỳnh Phụ (Thái Bình) xôn xao về công trình quần thể đền chùa được xây dựng hoành tráng ở xã Quỳnh Minh tốn kém hàng trăm tỷ đồng. Theo tìm hiểu, đây là quần thể chùa Phúc An (hay còn gọi là chùa An Ký) kể từ khi khởi công xây dựng đến lúc đưa vào hoạt động chỉ trong vòng thời gian 1 năm nhưng mức độ hoành tráng hiếm thấy trong vùng khiến người dân địa phương kinh ngạc.


Giảng đường trong quần thể chùa Phúc An

Từ trung tâm huyện Quỳnh Phụ, chỉ về phía chùa ở Quỳnh Minh, khi được hỏi ai ai cũng biết đó là ngôi chùa ở ngay làng quê một quan chức tỉnh Thái Bình. Đến gần, quần thể này xuất hiện một tòa bảo tháp xây cao hơn 10 tầng, phía trong là đền và chùa tọa lạc ở giữa, với nhiều dãy nhà lớn, đứng lừng lững; trong khuôn viên chùa là bốn phía hành lang được xếp kín bằng hàng trăm tượng La Hán được tạc bằng đá trắng. “Để xây dựng một công trình hoành tráng như vậy phải mất cả trăm tỷ chứ mấy chục tỷ sao xây được” - một người dân địa phương cho biết.


Quần thể chùa Phúc An với nhiều dãy nhà lớn đứng lừng lững


Bàn cờ đá với rât nhiều tượng đá La Hán xung quanh

Ông Nguyễn Thế Dân, Trưởng ban Khánh tiết, được giao phụ trách trông coi xây dựng chùa cho biết, tích pháp của chùa không phải nằm ở địa điểm chùa mới mà theo các cụ xưa truyền lại thì chùa nằm tại khu vực trường tiểu học của xã, cách đó khoảng 50m phía đối diện trục đường chính.

Ông Dân cho hay, vào thời điểm năm 2011, theo nguyện vọng của bà con cũng muốn cung tiến, công đức để xây dựng một ngôi chùa. Đến năm 2012 bắt đầu kêu gọi công đức, cung tiến. Và công trình bắt đầu xây dựng từ ngày 24/11/2015  đến 12/12/2016 thì tổ chức khánh thành và đi vào hoạt động.

“Nguồn kinh phí xây chùa xuất phát từ nhiều nguồn cung tiến khác nhau, người dân ai có của thì góp của, ai có công thì góp công. Việc công đức để xây dựng thì có rất nhiều đơn vị, tuy nhiên đơn vị đứng ra chủ trì ở đây là Công ty TNHH  Lâm Linh  từ TP Thái Bình về làm, Công ty này cũng là đơn vị đứng ra kêu gọi đầu tư.” - ông Dân nói.

Ông Dân cho biết thêm, tổng số tiền kêu gọi, công đức để xây dựng Ban cũng không nắm được chi tiết, mà chỉ nắm được tổng kinh phí xây dựng theo phía  Công ty Lâm Linh cho biết để ghi vào báo cáo là khoảng 33 tỷ đồng.


Chùa Phúc An được người dân ví như ngôi chùa Bái Đính thu nhỏ

Xã hội hóa tự nguyện…?

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Khánh Nhịnh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Minh cho biết: “Cụm Đền Trần - chùa Phúc An được khởi công xây dựng từ đầu năm 2014 trên diện tích khoảng 9.000 m2 thuộc đất thôn An Ký Tây. Trong đó có Đền Trần là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh được tu bổ trên diện tích khoảng 3.000m2. Việc xây dựng tu bổ quần thể này thuộc thẩm quyền của tỉnh, nên xã chỉ tiến hành GPMB sau khi được tỉnh giao đất. Về kinh phí xây dựng thì xã cũng không chỉ đạo cho các thôn thu mà do các đoàn thể, doanh nghiệp đến ủng hộ, công đức. Về danh sách ủng hộ xây dựng cụ thể thì xã cũng không nắm được, mọi giấy tờ văn bản xã không lưu mà giao cho ông Dân, Trưởng ban Khánh tiết của chùa quản lý”.

Để làm rõ những nội dung liên quan đến việc lập hồ sơ đề xuất tu bổ, xây dựng quần thể công trình này có được cấp phép hay không, phóng viên đã liên hệ với Ban Tôn giáo tỉnh, Sở Xây dựng, UBND huyện Quỳnh Phụ. Tuy nhiên không nhận được câu trả lời với lý do chờ xin ý kiến ở trên. Thiết nghĩ một công trình có quy mô đầu tư lớn như vậy, được xây dựng từ năm 2014 đến nay, tại sao các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương vẫn phải xin ý kiến trên mới trả lời, đây là điều “khá lạ”?

Theo tìm hiểu, ngày 23/3/2016, UBND tỉnh Thái Bình mới ra Văn bản số 826/UBND-NNTNMT đồng ý giao đất mở rộng khuôn viên chùa An Ký và yêu cầu các sở, ban ngành lập chủ trương và Sở Xây dựng lập quy hoạch địa điểm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt… 

Cũng phải nói thêm rằng, đơn vị đứng ra xây dựng và kêu gọi đầu tư theo như lời của ông Dân, Trưởng ban khánh tiết, là Công ty TNHH Lâm Linh có địa chỉ tại tổ 21, đường Nắn Cải Cầu Bo, phường Hoàng Diệu (TP Thái Bình) thì hiện Công ty này đang  được tỉnh Thái Bình giao cho triển khai hàng loạt dự án lớn tại tỉnh Thái Bình, trong đó phải kể đến: Dự án Công viên Kỳ Bá; Dự án xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, khu dân cư và các công trình công cộng tại tổ 40, phường Hoàng Diệu (TP.Thái Bình); Dự án Quảng trường Thái Bình xây dựng tượng đài ’"Bác Hồ với nông dân", công trình hạ tầng quảng trường…

Đáng chú ý, một đơn vị được giao với nhiều công trình lớn trọng điểm của tỉnh Thái Bình như vậy nhưng khi tra cứu trên Google thì hoàn toàn không có nhiều thông tin về đơn vị này, không có địa chỉ trang Web giới thiệu công ty, chỉ vỏn vẹn vài dòng thông tin tuyển dụng và địa chỉ công ty này. Chúng tôi sẽ đề cập riêng vấn đề này trong những bài tiếp theo.

Trở lại công trình chùa Phúc An được xây dựng “khủng” tại làng An Ký, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ, dư luận đặt câu hỏi, ở địa phương khi người dân vẫn còn nghèo như Quỳnh Minh, thì việc xây dựng một ngôi chùa hoành tráng có quy mô hàng trăm tỷ đồng liệu rằng có hợp lý?. Hơn nữa, việc đóng góp gọi là “xã hội hóa” từ một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình có thực sự là “tự nguyện” trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như địa phương.

Công trình chùa Phúc An có được duyệt và cấp phép theo đúng các quy định của Pháp Luật không, những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp nào có nhiều đóng góp, công đức? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong các bài viết sau.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật