Gánh nặng cuộc sống, áp lực công việc “cản bước” phụ nữ Trung Quốc sinh thêm con

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khước từ lời kêu gọi sinh thêm con từ chính phủ, một báo cáo gần đây tại Trung Quốc cho thấy chỉ 5% bà mẹ đang đi làm và chỉ 12,7% ông bố cho biết muốn có thêm con do gặp trở ngại với việc thăng tiến trong công việc.
Gánh nặng cuộc sống, áp lực công việc “cản bước” phụ nữ Trung Quốc sinh thêm con
Phụ nữ Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực về chăm sóc con cái hơn nam giới. (Nguồn: EPA)

Thách thức từ công việc đến cuộc sống

Giống như rất nhiều phụ nữ trên thế giới, đang phải gặp những khó khăn trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và vai trò làm mẹ, không ít phụ nữ Trung Quốc cảm thấy quyết định sinh con sẽ đi kèm với những thách thức to lớn, lớn hơn rất nhiều so với những đồng nghiệp nam giới.

Ngoài lý do chi phí sinh hoạt đắt đỏ, bao gồm cả chi phí nhà ở và giáo dục, một số rào cản về cơ cấu và xã hội tại Trung Quốc tiếp tục thách thức phụ nữ trong nỗ lực cân bằng công việc tại doanh nghiệp và việc lựa chọn sinh con.

Những rào cản này đã tạo nên sự bất bình đẳng tại nhiều công sở của Trung Quốc, đến nỗi chính sách ba con của quốc gia này - được đưa ra vào tháng Năm vừa qua - hầu như không có hiệu quả và đa số phụ nữ đều không mấy mặn mà.

Theo một báo cáo được công bố vào tháng Ba bởi Zhaopin, một trong những công ty tuyển dụng việc làm hàng đầu tại Trung Quốc, khoảng 76,9% phụ nữ nơi công sở và 65,5% nam giới nơi công sở cho biết họ còn không quan tâm đến việc sinh con thứ hai, chứ chưa nói đến đứa con thứ ba. Chỉ 5% phụ nữ và khoảng 12,7% nam giới cho biết họ sẵn sàng sinh thêm con.

Gánh nặng của việc sinh thêm con ở phụ nữ đang làm việc tại khu vực tư nhân rõ rệt hơn những phụ nữ có công việc làm ổn định ở khu vực công. Đặc biệt, tại các công ty công nghệ, do văn hóa làm việc cạnh tranh và nhịp độ nhanh khiến phụ nữ sau khi kết hôn có con ngay thường bị cản trở khá nhiều trong giai đoạn đầu của sự nghiệp.

Lo ngại mất lợi thế cạnh tranh, giảm năng suất, sự phân biệt đối xử ngầm trong công việc mà nhiều phụ nữ đã trì hoãn kế hoạch sinh con vô thời hạn.

Báo cáo của Zhaopin cũng cho thấy, hơn một nửa phụ nữ Trung Quốc đã phỏng vấn về tình trạng hôn nhân và kế hoạch sinh con khi đi xin việc.

Cô Annie Hao, Phó giám đốc tại một công ty quan hệ công chúng toàn cầu ở Bắc Kinh, Trung Quốc nhớ lại một cuộc phỏng vấn việc làm cách đây vài năm trước với một công ty công nghệ: “Câu hỏi đầu tiên mà nhân sự hỏi tôi là liệu tôi đã kết hôn chưa, câu hỏi thứ hai là liệu tôi có kế hoạch sinh con vào năm tới hay không?".

Do chỉ làm việc cho các công ty quốc tế, nên cô Hao rất ngạc nhiên với những câu hỏi cá nhân như vậy và cảm thấy chút thất vọng khi nhận thấy kinh nghiệm làm việc của bản thân không phải là yếu tố duy nhất để được tuyển dụng.

Rất nhiều phụ nữ có con nhỏ đang phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong công việc. Có người bị trì hoãn cơ hội thăng tiến, những người khác thì bị hạn chế về cơ hội nghề nghiệp.

Cũng theo báo cáo của Zhaopin, 11,4% phụ nữ được hỏi cho biết họ mất cơ hội thăng tiến do mang thai và sinh con, trong khi chỉ 2,1% nam giới bị ảnh hưởng tương tự khi sinh con.

Áp lực từ gia đình

Cô Estelle Mok, có con 18 tháng tuổi ở tỉnh Quảng Châu, đã ở nhà trong suốt thời gian mang thai và 9 tháng sau khi sinh con, sau đó cô đã trở lại làm việc nhưng vẫn phải đối mặt với những trở ngại mới, không chỉ riêng trong công việc.

Ở Trung Quốc, trong gia đình người phụ nữ thường phải gánh vác nhiều hơn, thậm chí là hầu hết trách nhiệm nuôi dạy con cái. Cô Mok cho rằng điều này thật không công bằng.

“Đối với những bà mẹ vừa đi làm vừa chăm con, mong muốn sự cân bằng là sai lầm. Đó là sự lựa chọn giữa nơi bạn cần thỏa hiệp và nơi bạn cần hy sinh. Theo quan điểm của tôi, điều này là quá khó hay thậm chí là gần như không thể”, cô Mok than thở.

Báo cáo của Zhaopin cho hay, khoảng 14,4% phụ nữ cho biết cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp của họ bị kìm hãm bởi việc chăm sóc con cái, trong khi chỉ 7,8% nam giới phàn nàn về điều này.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các bà mẹ phải làm việc trung bình 8,9 giờ/ngày nơi công sở và 1,7 giờ/ngày dành cho gia đình và việc nhà.

Một số ông bố bà mẹ cho rằng, Trung Quốc hiện đang thiếu các chính sách có thể khuyến khích nam giới giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn với công việc nhà.

“Nếu chồng tôi có thể nhận được một số phúc lợi dành cho cha mẹ, chẳng hạn như lịch trình linh hoạt hơn, hoặc có thể về sớm một giờ, thì anh ấy sẽ có thể đóng góp nhiều hơn ở nhà. Anh ấy đang làm chính xác những gì anh ấy đã làm trước khi đứa con của chúng tôi được sinh ra, vì vậy đôi khi tôi buộc phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn. Vì nếu tôi không làm thì chẳng ai làm cả”, cô Hao chia sẻ.

Tâm tư của cô Hao khá phổ biến với nhiều phụ nữ Trung Quốc đang buộc phải dành nhiều thời gian hơn cho gia đình do vai trò nội trợ của nam giới vẫn chưa được khuyến khích.

Dự định ứng tuyển vào một công ty công nghệ nhưng cô Mok được khuyên rằng cô nên chọn một công việc ổn định và ít cạnh tranh hơn. “Có lẽ cô ấy (người phỏng vấn) đã đúng nhưng tôi có tham vọng nghề nghiệp. Tôi không muốn từ bỏ mục tiêu của mình chỉ vì đã sinh con”, cô Mok khẳng định.

Tuy nhiên, khác với cô Mok, nhiều phụ nữ Trung Quốc buộc phải chấp nhận sự thật nghiệt ngã rằng sinh con đồng nghĩa với việc gác lại tham vọng nghề nghiệp.

Cô Qian Zhang, người làm việc trong lĩnh vực quảng cáo ở Bắc Kinh và đang mong sớm có em bé cho biết: "Tôi luôn muốn làm mẹ, vì vậy tôi không có bất kỳ lựa chọn nào khác. Việc sinh con chắc chắn sẽ khiến sự nghiệp của tôi bị đình trệ trong vài năm. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc chuyển hướng tập trung vào gia đình khi quyết định sinh con".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật