VN-Index nằm trong top chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất tháng 7, ông chủ Masan vẫn cười tươi nhất

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thị trường chứng khoán trong tháng 7/2021 đã có nhịp điều chỉnh mạnh, khiến cho tài sản của 7 trong số 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam bị hao hụt đi ít nhiều.
VN-Index nằm trong top chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất tháng 7, ông chủ Masan vẫn cười tươi nhất
VN-Index lọt vào top 5 các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới

VN-Index nằm trong top 5 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất tháng 7

Thông tin từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, VN-Index đứng ở mức 1.310,05 điểm, tương ứng giảm 98,5 điểm (-6,99%) so với cuối tháng 6. Như vậy, chỉ số này đã điều chỉnh trở lại sau 5 tháng tăng điểm liên tiếp. Mức giảm trên cũng khiến VN-Index lọt vào top 5 các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới (theo dữ liệu từ IndexQ). Tương tự, VN-Index cả HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm lần lượt 2,62% và 3,68% so với cuối tháng 6.

Theo BSC dù có sự điều chỉnh trong tháng 7 nhưng nhờ sự bứt phá mạnh mẽ ở các tháng trước nên VN-Index vẫn nằm trong danh sách các chỉ số tăng mạnh nhất 6 tháng hay 1 năm qua.

Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 7 đạt 6,47 triệu tỷ đồng, giảm 5,4% hay mất 369.317 tỷ đồng (16 tỷ USD) so với cuối tháng 6. Trong đó, vốn hóa riêng sàn HoSE giảm 6,8% xuống gần 4,93 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, Dù HNX-Index đi xuống nhưng nhờ vào một số cổ phiếu mới lên sàn như KHG của Bất động sản Khải Hoàn Land (HNX: KHG) hay DXS của dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HNX: DXS) nên vốn hóa ở sàn HNX vẫn tăng 2,8% lên 415.302 tỷ đồng.

Thanh khoản trong tháng 7 giảm trở lại, với giá trị khớp lệnh trung bình đạt 22.300 tỷ đồng/phiên, giảm 18,8% so với tháng 6, nhưng mức này vẫn cao hơn 7,2% so với con số 20.800 tỷ đồng của trung bình 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán cuối năm, Trung tâm phân tích SSI (SSI Research) cho rằng thông tin vĩ mô và kết quả kinh doanh tích cực trong quý II của các công ty có thể đã được phản ánh một phần vào giá. SSI Research khuyến nghị trong ngắn hạn nhà đầu tư cần quản trị rủi ro chặt chẽ do thị trường cần thời gian để phản ánh một số yếu tố như tăng trưởng lợi nhuận có thể chậm lại trong nửa cuối năm 2021 do không còn hiệu ứng cơ sở so sánh thấp so với cùng kỳ. Cùng với đó là lo ngại về lạm phát và diễn biến dịch bệnh phức tạp (nếu diễn ra kịch bản xấu).

Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn có triển vọng tích cực trong dài hạn. Năm 2022, SSI Research cho rằng Việt Nam vẫn nằm trong số các thị trường có giá trị hấp dẫn trong khu vực với P/E 2022 là 13,7x.

Tài sản của của 7/10 người giàu nhất sàn chứng khoán bốc hơi trong tháng 7

Cùng chịu tác động theo đà giảm của thị trường, tài sản của 7 trong số 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cũng bị bốc hơi ít nhiều. Chỉ có 3 người còn lại ghi nhận giá trị tài sản tăng sau khi kết thúc tháng 7 là: ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Xuân Năng.

Cụ thể, trong tháng 7, cổ phiếu VIC giảm mạnh khiến tổng giá trị tài sản của người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam – Tỷ phú Phạm Nhật Vượng bay mất 22.618 tỷ đồng (tương đương 9,92%), xuống còn 205.479 tỷ đồng.

“Vua thép” Trần Đình Long – người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán, cũng chứng kiến tài sản của mình “bốc hơi” 3.600 tỷ đồng so với tháng trước sau khi HPG đóng cửa ở mức giá 47.300 đồng/cp. Hiện giá trị cổ phiếu HPG do Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nắm giữ đã giảm xuống còn 40.867 tỷ đồng.

Tài sản của Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang tăng thêm 5.970 tỷ đồng trong tháng 7 nhờ cổ phiếu MSN

Việc giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến nhu cầu mua sắm hàng thiết yếu tại hệ thống Vinmart/Vinmart+ tăng lên đột biến, đó được coi là lý do làm cho cổ phiếu MSN của Masan Group bức tốc trong tuần qua đạt mức 134.000 đồng/cp khi kết phiên cuối cùng của tháng 7, tăng 21,3%.

Cũng nhờ đó, bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang đã tiến thêm một bậc, lần lượt đứng thứ ba và thứ tư trong top 10, đồng thời đẩy ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5.

Hiện tại ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, đang đứng vị trí thứ 3 trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản trị giá 35.100 tỷ đồng tăng 5.760 tỷ đồng so với cuối tháng 6.

Tương tự, giá trị tài sản của Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cũng tăng thêm 5.970 tỷ đồng sau một tháng, đạt mức 34.500 tỷ đồng đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng.

Trong khi đó, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn rớt xuống vị trí thứ 5 sau khi mất 5.400 tỷ đồng trong tháng 7, hiện tài sản của ông Nhơn còn lại 33.000 tỷ đồng. Trước khi bước vào phiên giao dịch cuối cùng của tháng, cổ phiếu NVL đã trải qua 3 phiên giảm giá liên tiếp khiến cổ phiếu này giảm 14% về thị giá so với tháng trước.

Đứng vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng là ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR). Sau khi có pha tăng giá thần tốc trong tháng 6, cổ phiếu PDR đã giảm nhẹ 0,9% khi kết thúc tháng 7. Điều này khiến tài sản của ông chủ BĐS Phát Đạt giảm 268 tỷ đồng, còn 27.536 tỷ đồng.

Đứng sau ông Nguyễn Văn Đạt là, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, tài sản của bà Thảo đã giảm 1.800 tỷ đồng, xuống còn lại 24.400 tỷ đồng trong tháng qua sau khi cổ phiếu VJC và HDB lần lượt giảm 7% và 5%.

Xếp hạng ở Vị trí thứ 8 là Chủ tịch Thaiholding Nguyễn Đức Thụy, tài sản của “bầu” Thuỵ gần như không thay đổi so với tháng trước (tăng 2,25 tỷ đồng). Thực tế bầu Thụy đã đánh mất 152 tỷ đồng từ việc giá cổ phiếu LPB của LienVietPostBank giảm 15% trong tháng qua, nhưng lại được bù đắp 154,6 tỷ đồng từ việc giá cổ phiếu THD của Thaiholding tăng 0,8%. Tính đến thời điểm này, tài sản của bầu Thụy tại THD và LPB là 18.800 tỷ đồng.

Ở vị trí thứ 9 là phu nhân Chủ tịch Vingroup – bà Phạm Thu Hương. Tài sản của bà Phạm thu Hương giảm 1.782 tỷ đồng trong tháng qua, hiện bà đang sở hữu khối cổ phiếu trị giá 16.193 tỷ đồng.

Xếp cuối cùng trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt là ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa. Với việc cổ phiếu VCS tiếp tục tăng 9% về giá trong tháng 7, giá trị cổ phiếu do ông Năng nắm giữ đã tăng thêm 1.200 tỷ đồng, đạt  14.600 tỷ đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật