Đệ nhất thích khách thời Chiến quốc: Hủy dung nhan, đổi giọng nói, giả ăn mày

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hủy hoại dung nhan, thay đổi giọng nói, giả dạng ăn mày để thực hiện nhiệm vụ ám sát, nhân vật này được coi là đệ nhất thích khách thời Xuân Thu Chiến Quốc, trở thành biểu tượng nổi tiếng của lòng trung thành và ý chí quyết tâm đến muôn đời sau…
Đệ nhất thích khách thời Chiến quốc: Hủy dung nhan, đổi giọng nói, giả ăn mày
Ảnh minh họa

Ngũ đại thích khách thời Xuân Thu Chiến Quốc

Tào Mạt là người nước Lỗ, trí dũng song toàn. Vua Lỗ Trang Công (693 - 662 TCN) cất ông làm tướng nước Lỗ. Khi Tề Hoàn Công hội chư hầu, Lỗ Trang Công căm nước Tề không đến dự. Vua Tề theo lời Quản Trọng, đánh diệt nước Toại để doạ Lỗ, rồi viết thư, hẹn Lỗ Trang Công ở ấp Kha để ăn thề.

Vua Lỗ biết không thể từ chối, bèn đi dự hội, Tào Mạt xin theo hầu. Đến ấp Kha, Hoàn Công và Trang Công đã thề ở trên đàn. Tào Mạt cầm chuỳ thủ đi theo hộ vệ vua Lỗ. Hai vua vừa làm lễ xong, Tào Mạt cầm chùy thủ bước sấn đến chỗ Tề Hoàn Công, nắm lấy tay áo đe doạ.

Hoàn Công hỏi: Nhà ngươi muốn gì? Tào Mạt nói: Tề mạnh, Lỗ yếu, nước lớn xâm phạm nước Lỗ đã quá lắm. Nay thành nước Lỗ nếu sụp đổ thì đè cả đất Tề, nhà vua liệu đấy! Quản Trọng vội đứng ra khuyên vua Tề nhận lời. Tề Hoàn Công bèn hứa trả tất cả đất đai đã chiếm đoạt trước cho Lỗ. Nghe xong, Tào Mạt ném chùy thủ xuống đàn, ngoảnh mặt về hướng Bắc đến chỗ đứng của bầy tôi, sắc mặt không thay đổi, nói năng vẫn ôn hoà như thường.

Chuyên Chư vốn là người đất Đường ấp thuộc nước Ngô. Bấy giờ ở nước Sở có loạn, Ngũ Tử Tư phải trốn khỏi Sở để sang Ngô và biết tới tài năng của Chuyên Chư. Ngũ Tử Tư tiến cử Chuyên Chư cho Công tử Quang, Chuyên Chư được đãi như bậc thượng khách. Năm 516 TCN vua Sở là Bình vương qua đời. Nhận thấy đây là cơ hội không thể bỏ lỡ để cướp ngôi vua, Công tử Quang bèn nhờ Chuyên Chư lập kế hành thích Ngô vương Liêu.

Ngày Bính Tý tháng 4 năm 515 TCN, công tử Quang mở tiệc rượu mời Ngô vương. Liêu tuy ăn tiệc ở tư dinh của Quang nhưng dàn binh dày đặc trong ngoài để bảo vệ. Nhưng Liêu không ngờ rằng Chuyên Chư đã mưu giấu cây chủy thủ trong bụng con cá rán rồi nhân lúc dâng món ăn bất ngờ lôi chủy thủ ra hạ thủ. Chuyên Chư sau đó bị thủ hạ của Ngô vương giết chết. Ngô vương Liêu chết, công tử Quang lên ngôi, tức Ngô vương Hạp Lư.

Nhiếp Chính vốn người làng Thâm Tĩnh, ấp Chỉ, nhưng vì giết người nên phải cùng mẹ và chị gái trốn sang nước Tề làm nghề hàng thịt. Bấy giờ ở nước Hàn có Nghiêm Trọng Tử vì hiềm khích với tướng quốc nước này là Hiệp Lũy mà phải bỏ trốn.

Tới nước Tề, Nghiêm Trọng Tử nghe danh của Nhiếp Chính, bèn không quản ngại thân khanh tướng mà tìm tới chốn chợ búa để biếu Nhiếp Chính vàng phụng dưỡng mẹ già. Nghiêm Trọng Tử cố nài nhưng Nhiếp Chính từ chối không nhận tiền vàng, tuy vậy Nghiêm Trọng Tử vẫn làm đủ nghi lễ khách chủ rồi mới ra đi.

Sau đó một thời gian thì mẹ Nhiếp Chính qua đời, ông chịu tang mẹ đủ ba năm rồi tìm đến Nghiêm Trọng Tử để báo đáp sự tôn kính của Trọng Tử dành cho mình. Nghiêm Trọng Tử bèn đưa chuyện hận thù với Hiệp Lũy ra kể cho Nhiếp Chính đồng thời đề nghị đem tráng sĩ, xe ngựa của mình ra để trợ lực cho ông.

Nhiếp Chính từ chối nhận xe ngựa rồi một mình cầm kiếm xông thẳng vào phủ của tướng quốc đâm chết Hiệp Lũy ngay giữa đám tùy tùng, cận vệ. Giết được Hiệp Lũy, Nhiếp Chính hạ thủ thêm mấy chục người rồi tự hủy da mặt, móc mắt trước khi mổ bụng t‌ּự t‌ּử.

Kinh Kha là người nước Vệ, vì không được vua Vệ trọng dụng nên rời quê hương tới nước Yên. Thái tử Đan nước Yên cùng Điền Quang (bằng hữu của Kinh Kha) âm mưu ám sát Tần Thủy Hoàng. Điền Quang biết tài Kinh Kha, nên tiến cử Kha với Thái tử Đan cho nhiệm vụ ám sát.

Kinh Kha vốn được Thái tử Đan đối đãi rất hậu, cảm tấm chân tình, nhận lời. Mang theo một thanh chuỷ thủ tẩm thuốc độc giấu trong tờ bản đồ (được cuộn tròn lại), Kinh Kha và trợ thủ Tần Vũ Dương vào trong triều đình nước Tần. Đối diện Tần Thủy Hoàng, Vũ Dương hoảng sợ biến sắc mặt. Kinh Kha bèn lấy bản đồ trong tay Vũ Dương dâng nộp vua Tần.

Khi mở bản đồ Kinh Kha rút thanh chuỷ thủ đâm Tần Thủy Hoàng. Kinh Kha đâm trượt khiến Tần Thủy Hoàng có cơ hội bỏ chạy. Tần Thủy Hoàng sau đó rút kiếm sau lưng chém Kinh Kha bị thương ở tay. Biết rằng không thể hoàn thành nhiệm vụ, Kinh Kha ném thanh chuỷ thủ vào người vua Tần nhưng trúng vào cái cột đồng. Cuối cùng, Kinh Kha bị lính Tần giết chết ngay trên điện.

Trên đây là tóm lược ghi chép trong sử kí Tư Mã Thiên về 4 trong số 5 ngũ đại thích khách thời Xuân Thu Chiến Quốc: Tào Mạt, Chuyên Chư, Nhiếp Chính và Kinh Kha. Điểm chung của 4 thích khách này, dù ám sát thành hay bại, thì họ đều nhận lời thực hiện nhiệm vụ từ chủ nhân là một người còn đang sống.

Thích khách thứ năm: Dự Nhượng

Thích khách thứ 5 được Tư Mã Thiên chép trong thiên “Thích khách liệt truyệt” của Sử kí, Dự Nhượng, là một trường hợp hoàn toàn khác biệt. Dự Nhượng tự nguyện thực hiện công việc ám sát mà không cần tới bất kì sự nhờ cậy hay tiến cử nào. Ông ám sát là để trả thù cho chủ nhân đã chết của mình.

Sách Sử ký ghi lại, Dự Nhượng vốn là người nước Tần đến nước Tấn. Trước ông theo hầu họ Phạm, sau lại thờ họ Trung Hàng nhưng đều chỉ là bậc khách thường, không ai biết tới. Họ Phạm và họ Trung Hàng bị diệt, Dự Nhượng tới thờ Trí Bá Dao, người đứng đầu họ Trí có quyền lực lớn nhất ở nước Tấn, và được Trí Bá Dao hết mực khoản đãi như bậc thượng khách.

Năm 455 TCN, Trí Bá đem quân đánh họ Triệu, một gia tộc lớn khác ở nước Tấn, nhưng bị Triệu Tương tử lập kế liên kết cùng họ Hàn và họ Ngụy đánh cho đại bại. Họ Trí bị diệt, phần đất của họ Trí bị ba họ còn lại chia nhau lập nên Tam Tấn, riêng Trí Bá Dao bị Triệu Tương tử giết rồi lấy đầu lâu sơn lại để làm đồ đựng rượu vì oán hận Trí Bá Dao.

Dự Nhượng biết tin chủ bị giết đành phải trốn vào núi và thề trả thù cho họ Trí, Sử ký đã ghi lại lời của ông như sau: “Than ôi! Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ! Người con gái làm dáng vì kẻ yêu mình. Nay Trí Bá trọng ta, ta phải liều chết báo thù để đền ơn, có thế hồn phách ta mới khỏi xấu hổ! ”.

Quyết tâm trả thù, Dự Nhượng thay tên đổi họ rồi xin vào làm người hầu trong cung, trong người luôn mang theo chủy thủ để tìm cơ hội hành thích Triệu Tương tử. Tuy nhiên Triệu Tương tử cảm thấy bất an bèn bắt Dự Nhượng tra hỏi và phát hiện ra âm mưu báo thù của ông. Triệu Tương tử coi Dự Nhượng hành động như vậy là kẻ hiền, nên tha chết và thả cho ông đi.

Không chịu bỏ cuộc, Dự Nhượng tự hủy hoại dung nhan và nuốt than cải giọng nói, giả làm ăn xin ngoài chợ, khiến ngay cả vợ ông cũng không thể nhận ra chồng. Biết tin Triệu Tương tử ra khỏi cung, Dự Nhượng trong dạng kẻ ăn mày nấp dưới cầu định thừa cơ hành thích, tuy nhiên khi xa giá của Tương tử tới nơi thì con ngựa của Tương tử bất chợt sợ hãi, Triệu Tương tử đoán có kẻ muốn hành thích mình.

Dự Nhượng bị bắt, khi Triệu Tương tử hỏi ông rằng tại sao đã thờ ba đời chủ mà vẫn hết lòng trả thù cho Trí Bá Dao như vậy, Dự Nhượng đáp: “Tôi thờ họ Phạm và họ Trung Hàng, họ xem tôi là hạng người thường nên tôi báo đáp họ theo lối người thường. Còn như Trí Bá đối đãi với tôi như người quốc sĩ, nên tôi phải báo thù theo lối quốc sĩ”.

Triệu Tương tử nghe vậy biết mình không thể lung lay quyết tâm báo thù của Dự Nhượng nên đành phải cho quân sĩ giết ông. Trước lúc chết, Dự Nhượng xin Tương tử đưa áo đang mặc để ông đâm vào đó cho thỏa lòng báo thù, chết khỏi ân hận. Tương tử đưa áo, Dự Nhượng bèn đâm vào đó mấy lần rồi đâm cổ t‌ּự vẫ‌ּn. Kẻ sĩ nước Triệu nghe chuyện Dự Nhượng chết ai nấy đều không khỏi bùi ngùi.

Dự Nhượng trong các tác phẩm của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Du

Truyện Dự Nhượng quyết tâm báo thù cho chủ sau này đã trở thành một điển tích nổi tiếng về lòng trung thành và ý chí quyết tâm. Trần Hưng Đạo ở ngay phần đầu tác phẩm Hịch tướng sĩ của ông đã dùng hình ảnh Dự Nhượng để khuyến khích binh sĩ quyết tử vì đất nước:

“Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Ðế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Ðức một chàng tuổi trẻ, thân ph‌ò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có? Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì cũng đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách cùng trời đất muôn đời bất hủ được?”

Trong thời gian đi sứ ở Trung Quốc, đại thi hào Nguyễn Du đã sáng tác hai tác phẩm lấy đề tài về truyện Dự Nhượng (trong tập Bắc hành tạp lục), gồm một bài hành có tên “Dự Nhượng kiều chuỷ thủ hành” và một bài thơ thể thất ngôn bát cú lấy tên “Dự Nhượng kiều”.

Bài thơ “Cầu Dự Nhượng” như sau (dịch thơ)

Dự Nhượng giấu mình đâm Tương Tử

Cầu tên Dự Nhượng kể từ đây

Dự Nhượng chết đi nhà Triệu mất

Bên cầu xơ xác cỏ thu lay

Trung nghĩa lời bàn gương vạn cổ

Đất trời đạo trọn sáng hôm nay

Căm căm gió lạnh ngày đông nhạt

Gian hùng bước tới vía hồn bay.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật