Vùng đất trung du đầy khát vọng

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vùng quê trung du nghèo khó giờ đã xanh ngát những vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, ấm no theo những mùa quả ngọt đến với người dân ở đây…
Vùng đất trung du đầy khát vọng
Hiện ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định) đang sở hữu 600 gốc vừa bưởi vừa quýt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đất nghèo trở thành “thủ phủ” cây ăn quả

Một ngày vùng đất trung du Hoài Ân (Bình Định) tràn nắng. Nắng càng rực vàng càng làm nổi bật màu xanh của những vườn cây ăn quả tốt tươi. Hình ảnh mà cách đây hơn 10 năm, cả những người dân sở tại có nằm mơ cũng không nghĩ ra.

Hoài Ân bây giờ nhắc tôi nhớ một vùng đất trung du nghèo khó ngày xưa. Hồi ấy, mỗi chuyến công tác về đây, lang thang qua những khu vườn tạp rộng thênh thang, mắt tôi cứ rối lên khi nhìn những cây dừa cằn cỗi, những cây mít cổ thụ, những cây khế vô hồn chẳng chút hứa hẹn về kinh tế, tôi không khỏi tặc lưỡi tiếc thầm. “Giá như người dân ở đây thay thế những cây tạp bằng những cây ăn quả có giá trị cao thì vùng đất này khởi sắc đến dường nào”.

Thế nhưng điều “giá như” tôi nghĩ muốn thực hiện cũng đâu dễ dàng gì. Bởi, nông dân thường khó từ bỏ thói quen, dù biết bám riết nó đồng nghĩa với bám riết nghèo khó. Vì thế, muốn họ cải tạo vườn tạp, trồng những loại cây ăn quả mới có giá trị kinh tế cao, cần phải có mô hình cho thấy hiệu quả hiển hiện thì may ra họ mới làm theo.

Rồi một ngày vùng đất trung du Hoài Ân cũng bắt đầu chuyển mình. Sự “quẫy cựa” này xuất phát từ những người đứng đầu chính quyền địa phương. Dựa vào ưu điểm là vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nền nhiệt độ cao, tổng tích ôn lớn, lượng mưa khá, Hoài Ân xác định đây là điều kiện thuận lợi để đa dạng hoá cây trồng. Trong đó, loại cây phù hợp nhất, có giá trị kinh tế cao được điểm danh trước tiên là cây bưởi.

Cây bưởi có mặt tập trung khắp 10/15 xã của huyện Hoài Ân (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vậy là công cuộc phát triển cây bưởi da xanh, cây bơ sáp, cây chè Gò Loi đặc sản của quê hương được Hoài Ân đưa vào nghị quyết. Theo đó, dự án hỗ trợ phát triển cây bưởi da xanh, cây bơ sáp và cây chè giai đoạn 2016 - 2020 được UBND huyện Hoài Ân phê duyệt.

Để ăn chắc, Hoài Ân mời viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ về nghiên cứu, tư vấn, sau đó Hoài Ân lập quy hoạch phát triển cây ăn quả có thế mạnh và cây chè theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Để thay đổi tư duy nông dân, Hoài Ân không ngừng tuyên truyền để họ thấy ra đây là cơ hội đổi đời.

Kèm theo kêu gọi là chính sách hỗ trợ để thu hút nông dân tham gia dự án. Cải tạo vườn tạp để trồng bưởi da xanh, bơ sáp, chè Gò Loi, nông dân được huyện hỗ trợ 100% chi phí mua cây giống; hỗ trợ chăm sóc và chi phí thuốc BVTV trong 3 năm đầu với mức 1,6 triệu đồng/ha/năm; hỗ trợ 50% chi phí khoan giếng.

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, qua 5 năm triển khai, có 88 hộ dân và 1 hợp tác xã nông nghiệp ở Hoài Ân đồng hành cùng dự án với tổng diện tích 75,54ha. Trong đó, diện tích bưởi da xanh thực hiện được là 42,68ha, bơ sáp gần 24ha, cây chè gần 9ha. Phong trào nhanh chóng được nhân rộng, diện tích bưởi da xanh người dân trồng ngoài dự án còn lớn hơn nữa. Theo thống kê, hiện tổng diện tích bưởi da xanh trên địa bàn Hoài Ân có đến hơn 300ha, trong đó có 160ha đã cho quả.

“Hiện bưởi Hoài Ân và trà Gò Loi đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Huyện cũng đã xây dựng được 2,5ha bưởi đạt chứng nhận VietGAP tại xã Ân Đức và nhân rộng trên 12ha tại 4 xã lân cận. Đồng thời hợp đồng với viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ trồng mới 1ha bơ sáp tại xã Ân Đức và 1ha bưởi tại xã Ân Mỹ áp dụng quy trình chăm sóc theo chuẩn VietGAP. Trên địa bàn huyện cũng đã thành lập 3 HTX chuyên ngành trồng trọt nhằm xúc tiến thương mại tiêu thụ trà và bưởi. Trong đó có HTX 19-4 đang làm chuỗi liên kết, nhà sơ chế để tiêu thụ bưởi cho những vườn cây tham gia dự án”, ông Khúc phấn khởi cho hay.

Nông dân rất cẩn trọng khi chọn mua bưởi giống, bưởi giống trồng ở Hoài Ân hầu hết mua từ viện cây ăn quả miền Nam. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đổi đời nhờ bưởi

Theo anh Võ Duy Tín, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, trường hợp đổi đời ngoạn mục nhất từ cây bưởi ở vùng đất trung du này là gia đình ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Vạn Hội 2 (xã Ân Tín).

Trước khi “bén duyên” với cây bưởi, gia đình ông Đông thuộc diện hộ nghèo, huyện phải cấp gạo cứu đói hằng năm. Khi ấy, để nuôi 6 đứa con ăn học, 2 vợ chồng ông Đông cắm đầu làm 7 sào ruộng nhưng không đủ vào đâu. Hàng ngày, vợ chồng ông Đông phải lặn lội vào các rẫy chuối của người dân địa phương để hái bắp chuối bán kiếm tiền.

“Hôm nào bán bắp chuối được 50.000 đồng là 2 vợ chồng mừng lắm. Cả ngày, vợ chồng tôi mỗi người mỗi ngả “mất tích” giữa những rẫy chuối, nếu bị tai nạn hay đau ốm bất ngờ cũng chẳng ai biết”, ông Đông ngậm ngùi nhớ lại.

Ngoài bưởi, Hoài Ân còn có mặt nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao khác, trong đó có quýt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện vợ chồng ông Đông đang sở hữu 600 gốc vừa bưởi vừa quýt. Bưởi, quýt của ông Đông đã được hơn 8 năm tuổi. Mỗi năm gia đình ông thu cả bưởi cả quýt hơn 200 triệu đồng, số tiền mà trước đây ông Đông không dám mơ tới, dẫu tính cả đời dành dụm. Tuổi đời của bưởi dài đến 25 - 30 năm, quýt từ 10 - 12 năm nếu chăm sóc tốt. Như vậy, gia đình ông Đông còn cả chuỗi thời gian dài phía trước "lượm" tiền từ khu vườn của mình.

Hoặc như trường hợp ông Võ Đông Sơ ở khu phố Thanh Tú (thị trấn Tăng Bạt Hổ). Vào thập niên 90 thế kỷ trước, ông Sơ ly hương vào TP.HCM bán vé số nuôi con ăn học. Trong quãng thời gian ở trong đó, ông Sơ kết thân với  người bạn cùng nghề bán vé số quê ở Bến Tre. Một lần về thăm nhà bạn, vườn bưởi da xanh đã “hút mắt” ông Sơ. Rời nhà bạn, ông được tặng 4 cây bưởi giống.

Khi đưa 4 cây bưởi về quê trồng, dù chưa biết cách chăm sóc nhưng có 2 cây sống và cho quả. Nhận ra sự thích nghi của giống bưởi di thực từ miền Tây về, ông vào lại Bến Tre để học cách chọn giống, chiết ghép cành, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho bưởi.

Bây giờ, ngoài sở hữu 50 gốc bưởi được trồng sớm nhất Hoài Ân trong vườn nhà cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm, ông còn là nhà cung cấp giống bưởi da xanh đầu dòng cho người dân địa phương với năng lực ươm tạo 10.000 cây/năm.

Ngoài sở hữu 50 gốc bưởi đã cho quả, ông Võ Đông Sơ ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân, Bình Định) mỗi năm còn cung cấp 10.000 cây giống bưởi da xanh đầu dòng cho người dân địa phương. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đi sau, nhưng ông Lỡ Ngọc Quang ở thôn Thạch Long 1 (xã Ân Tường Đông) cũng đang có cuộc sống đầy hứa hẹn từ bưởi. Ông Quang vốn có 3ha đất nông nghiệp, 1ha ông đã trồng tiêu, 2ha kia trước đây ông trồng cây lâm nghiệp.

Năm 2017, được huyện hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ 220 cây giống bưởi da xanh, phân bón, chi phí khoan giếng, thế là 2ha keo của ông hóa thành vườn bưởi da xanh. Hiện vườn bưởi da xanh của ông đã ra trái, sẽ cho thu hoạch lứa đầu vào cuối năm nay.

Ông Quang nhẩm tính, với 1ha tiêu và 2ha bưởi da xanh đang sở hữu, khi bưởi cho quả, mỗi năm gia đình ông cầm chắc bỏ vào “hầu bao” vài trăm triệu đồng tiền lãi.

Hiện bưởi Hoài Ân hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Bưởi da xanh hiện là lựa chọn số 1 của Hoài Ân. Trong 1.594ha quy hoạch cho 5 giống cây ăn quả chủ lực giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 có 900ha dành cho cây bưởi. Cây bưởi sẽ có mặt tập trung tại 10/15 xã, trừ thị trấn Tăng Bạt Hổ, xã Ân Hảo Tây và 3 xã vùng cao là Bok Tới, Ân Sơn và Đăk Mang.

Ngoài bưởi, hiện Hoài Ân còn nhiều diện tích trồng dừa xiêm, thanh long, bơ sáp, sầu riêng, măng cụt. Cây ăn quả không chỉ tạo sự đột phá trong ngành nông nghiệp của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần giải quyết lao động nông thôn, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Độ che phủ của cây ăn quả ngày được nâng cao đã hạn chế được nạn xói lở, rửa trôi, gây bạc màu thoái hóa đất; độ phì của đất và môi trường sinh thái càng ngày càng được cải thiện”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật