Philippines lần thứ 3 hoãn hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các thủ tục hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng của Philippines và Mỹ sẽ tiếp tục “bị treo“ cho tới tháng 2 năm sau.
Philippines lần thứ 3 hoãn hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ
Các binh lính Mỹ trong một cuộc diễn tập ở Philippines hồi năm 2016. Ảnh: REUTERS

Philippines lần thứ ba hoãn thi hành quyết định hủy bỏ Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) liên quan tới sự hiện diện quân sự của Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này, hãng tin Reuters cho hay.

Tháng 2 năm ngoái, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ hủy bỏ VFA để phản đối việc một đồng minh chính trị của ông này bị Mỹ từ chối cấp thị thực. Nhưng quyết định này đã bị hoãn hai lần và tháng 6 và tháng 11 năm ngoái.

Đến ngày 14-6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin một lần nữa thông báo hoãn quy trình hủy bỏ VFA thêm sáu tháng (tới tháng 2 năm sau) để ông Duterte “nghiên cứu” và mở ra cơ hội cho Manila và Washington giải quyết các vấn đề mà ông Duterte còn lo ngại. 

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hoan nghênh quyết định của chính quyền Manila. Đồng thời, ông Kirby nhấn mạnh vai trò của hợp tác Mỹ-Philippines trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và coi Manila là “một đối tác bình đẳng, có chủ quyền trong liên minh song phương” với Washington.

Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines được xác định dựa trên một loạt thỏa thuận quân sự. Trong đó, VFA cho phép Mỹ luân chuyển binh lính và đưa quân tới tập trận tại Philippines. Việc duy trì VFA được đánh giá là không chỉ quan trọng đối với nền quốc phòng Philippines mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong chiến lược của Washington nhằm đối phó Trung Quốc.

Chuyên gia an ninh hàng hải Greg Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cho rằng quyết định “lấp lửng” của Manila cho thấy ông Duterte không muốn theo đuổi một chính sách không hợp lòng dân nhưng cũng chưa muốn chính thức rút lại quyết định của mình.

Ông Poling cảnh báo rằng cách hành xử của ông Duterte có thể khiến Mỹ và nhiều quan chức trong chính quyền Manila thất vọng.

Ông Duterte nhiều lần ra điều kiện để đàm phán lại VFA với Mỹ như Washington phải trả tiền để duy trì lực lượng Mỹ tại Philippines hay phải giải thích vì sao lại để mặc cho Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough.

Năm 2012, sau một loạt căng thẳng với các tàu Trung Quốc tại Scarborough, Philippines đã tin tưởng vào vai trò trung gian hòa giải của Mỹ, rút tàu khỏi bãi cạn này với niềm tin rằng Bắc Kinh cũng hành động tương tự. Tuy nhiên sau cùng, Trung Quốc đã lật lọng và giành quyền kiểm soát trên thực tế tại bãi cạn Scarborough nhưng Mỹ bị cho là không có phản ứng gì. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật